05/09/2013 10:53 GMT+7

Đá bóng bị bong gân

BÁC SĨ LÊ CHÍ DŨNG
BÁC SĨ LÊ CHÍ DŨNG

TTO - Thầy thuốc Nhân dân - bác sĩ Lê Chí Dũng trả lời bạn đọc hỏi về trường hợp anh đá bóng bị ngã chấn thương ở đầu gối và sau đó bác sĩ kết luận bị bong gân

Hỏi: Tôi đá bóng bị ngã chấn thương ở đầu gối vào bệnh viện chụp XQ và khám, bác sĩ kết luận bị bong gân. Về nhà sau 2 tuần đi lại được bình thường nhưng đến giờ đã 2 tháng chân tôi vẫn chưa duỗi thẳng được (không gồng bắp đùi được). Vậy tôi có phải bị bong gân không? Tiếp theo tôi phải làm gì? Nên khám ở đâu?

Trả lời: Trước tiên xin chúc mừng anh không bị gãy xương hay trật khớp gối sau khi bị ngã, chấn thương đầu gối. Để giúp anh và bạn đọc hiểu rõ vấn đề hơn, tôi xin được phép giải thích ý nghĩa của từ “gân” được dùng trong y khoa và dân gian:

- “Gân” trong y khoa có nghĩa là phần cuối của (bắp thịt) để gắn vào xương. Gân gồm mô sợi rất chắc khỏe, nhưng không co duỗi, đàn hồi được như các sợi cơ. Gân, vì vậy, còn được gọi là gân cơ (tiếng Anh và tiếng Pháp gọi là tendon).

- “Gân” trong ngôn ngữ dân gian chính là các tĩnh mạch (mạch máu dẫn máu về tim, vein theo tiếng Anh, veine theo tiếng Pháp). Ví dụ khi thấy các tĩnh mạch phồng to ở tay, chân, người ta nói là người nầy bị nổi “gân xanh” nhiều quá! Hoặc khi nói “chích gân” có nghĩa là chích, tiêm thuốc vào đường tĩnh mạch.

- “Bong gân” cũng là tiếng dân gian được dùng khá phổ biến trong y học Việt Nam để chỉ các tổn thương của dây chằng bị giãn, đứt do chấn thương. Dây chằng cấu tạo bởi mô sợi rất chắc, khỏe để nối 2 đầu xương của khớp lại với nhau, có vai trò là giữ vững khớp.  Ví dụ ở khớp gối, có 4 dây chằng gồm 2 dây chằng chéo trước và chéo sau nối xương đùi với xương chày (còn gọi là xương quyển), dây chằng bên trong nối xương đùi với xương chày và dây chằng bên ngoài nối xương đùi với xương mác (còn gọi là xương trâm).

Khi dây chằng bị giãn, đứt thì khớp sẽ bị lỏng lẻo, không vững. Như vậy từ “bong gân” tuy quen dùng, nhưng không được chính xác, bị sai. Theo tôi, cần bỏ từ nầy trong y khoa và thay bằng giãn, đứt dây chằng…

Trở lại trường hợp của anh là sau 2 tháng bị chấn thương gối, tuy đi lại bình thường nhưng chưa duỗi thẳng gối được thì anh có thể bị một hoặc phối hợp các tổn thương sau đây:

- Đứt hoặc giãn của dây chằng chéo ± của dây chằng bên.

- Rách sụn chêm (giống như chiếc gối đệm nhằm giảm sự cọ xát, ma sát lên sụn khớp của 2  đầu xương đùi và chày).

Vì vậy, anh nên đi khám bác sĩ chấn thương chỉnh hình (CTCH) chuyên về lĩnh vực bệnh lý cơ-xương-khớp, nội soi, y học thể dục thể thao (TDTT) hoặc chuyên về chi dưới ở các bệnh viện chuyên khoa CTCH (BV CTCH TP.HCM 929 Trần Hưng Đạo, Q.5; BVCTCH Saigon-ITO 232 Lê Văn Sỹ, Q. Tân Bình) hoặc ở các Khoa CTCH, Khoa Y học TDTT thuộc các bệnh viện đa khoa hoặc ở các phòng khám tư nhân chuyên về lĩnh vực nầy. Tôi có thể khám cho anh ở địa chỉ 436/2A đường 3/2, Phường 12, Q.10, TP.HCM.

Sau khi khám kỹ lâm sàng, nếu cần, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định làm thêm siêu âm, chụp công hưởng từ (MRI)…để xác định rõ các tổn thương và có biện pháp xử lý thích hơp.

Chúc anh vui, khỏe, chóng giải quyết được tình trạng bệnh tật hiện đang mắc phải.

BÁC SĨ LÊ CHÍ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên