Phóng to |
Hình ông Saddam Hussein trước lúc bị treo cổ được phát trên đài truyền hình quốc gia Iraq - Ảnh: Reuters |
Sự kiện này diễn ra chưa đầy 24 giờ sau khi một quan chức Nhà Trắng ra tuyên bố Mỹ mong muốn ông Saddam bị xử tử trong cuối tuần.
Cái chết được báo trước
Vị cựu lãnh đạo 69 tuổi tỏ ra rất bình thản đón nhận cái chết. “Ông ta trông bình tĩnh và không hề run sợ” - một nhân chứng kể lại với Reuters. Ông Saddam bị cùm tay và đã yêu cầu lính canh không bịt mặt mình trong suốt thời gian diễn ra buổi hành quyết. Ông đã đọc một đoạn kinh Hồi giáo trong lúc bị các lính canh áp giải đến giá treo cổ: “Không có thánh thần nào ngoài Thượng đế và Đức Mohammed là sứ giả của Người”.
Một người chứng kiến có tên Al-Rubaie cho biết Saddam không có yêu cầu gì trước khi chết. Ông cầm trên tay một quyển kinh Koran và nói: “Tôi muốn quyển kinh được giao cho người có tên là Bander”. Al-Rubaie không biết Bander là ai. Trước khi chiếc thòng lọng quàng qua cổ, Saddam hô vang: “Thượng đế vĩ đại. Đất nước sẽ chiến thắng và Palestine là quốc gia Ả Rập”.
Al-Rubaie cho biết ông Saddam đã bị hành hình tại một trụ sở cũ của cơ quan tình báo quân đội ở Kazimiyah, khu vực có đông người Shiite sinh sống tại Baghdad.
Lễ Eid al-Adha không yên tĩnh
Ông Saddam bị hành hình đúng vào ngày các tín đồ Hồi giáo bước vào kỳ nghỉ lễ Eid al-Adha, một trong những kỳ nghỉ quan trọng của đạo Hồi. Điều này mang một ý nghĩa biểu tượng rất lớn, vì kỳ nghỉ Eid al-Adha để tưởng nhớ sự kiện đấng tiên tri Abraham hi sinh khi Thượng đế buộc ông giết con trai của mình. Nhiều người Shiite cho rằng cái chết của ông Saddam là một món quà từ Thượng đế. Ý nghĩa này sẽ càng đào sâu thêm lòng căm thù của người Sunni đối với người Shiite.
Đài truyền hình quốc gia Iraq đã chiếu đoạn băng ghi cảnh buổi hành quyết để người dân Iraq tin rằng cựu lãnh đạo của họ đã chết. Theo lời một người chứng kiến, thi thể của ông Saddam đã được đưa vào một chiếc xe cứu thương và đặt vào quan tài. Trước đó, con gái của ông Saddam Hussein, bà Raghd (đang lưu vong ở Jordan), đã yêu cầu được chôn cất cha mình tại Yemen cho đến khi Iraq được giải phóng.
Một quan chức Iraq cho biết gia đình ông có thể nhận thi thể ông về, hoặc thi thể ông sẽ được đưa đến quê nhà ở Tikrit, nơi đã áp đặt lệnh giới nghiêm trong bốn ngày. Chỉ vài giờ sau khi ông Saddam Hussein bị hành quyết, một chiếc ôtô đã phát nổ tại thành phố Kufa ở miền nam Iraq, nơi tập trung đông người Shiite, làm ít nhất 30 người chết và 45 người bị thương.
"Một sự sỉ nhục với người Hồi giáo"
Thế giới đã có những phản ứng trái ngược nhau trước tin cựu tổng thống Saddam Hussein bị hành quyết. Dù đã biết trước tin ông Saddam sẽ sớm bị xử tử, nhưng cộng đồng Ả Rập và Hồi giáo vẫn không khỏi giận dữ.
“Thời điểm thực hiện bản án và cách tiến hành đột ngột đã khiến nhiều người tức giận” - Salaeem al-Jibouri, phát ngôn viên đảng của người Sunni trong chính phủ liên minh Iraq, nói. Ông Abdel Bari Atwan, tổng biên tập báo Al-Quds al-Arabi có trụ sở tại London (Anh), cho rằng việc xử tử ông Saddam vào ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Eid al-Adha là một sự sỉ nhục đối với tất cả những người Ả Rập và Hồi giáo.
Phát biểu với Reuters, ông Louis Michel - chủ tịch ủy ban viện trợ và phát triển Liên minh châu Âu - lên án hành động treo cổ là “man rợ”. “Không thể chống lại chủ nghĩa man rợ bằng một hành động mà theo tôi là quá man rợ. Án tử hình là điều không thích hợp với dân chủ” - ông nói.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ George Bush ca ngợi việc hành hình ông Saddam là “một cột mốc quan trọng trong tiến trình đi đến dân chủ ở Iraq” để đất nước này có thể tự cai quản và bảo vệ.
Thượng nghị sĩ đảng dân chủ Joseph Biden, người sẽ giữ chức chủ tịch ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, phát biểu: “Iraq đã khép lại một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử và thoát khỏi chế độ bạo chúa”.
Ngoại trưởng Úc Alexander Downer nhấn mạnh cái chết của Saddam “đánh dấu một bước quan trọng trong việc chuyển giao chế độ tàn bạo của ông ta cho sự phán xét của lịch sử, mở ra một tiến trình tái hòa giải ở hiện tại và trong tương lai”.
Ngoại trưởng Ấn Độ Pranab Mukhejee nói: “Chúng tôi đã bày tỏ hi vọng việc hành hình sẽ không trở thành hiện thực và lấy làm thất vọng khi nó đã diễn ra. Hi vọng sự kiện này sẽ không ảnh hưởng đến tiến trình hòa giải, phục hồi hòa bình và ổn định ở Iraq”.
-------------------------------------------------------------------
Iraq dưới thời ông Saddam Hussein
Từ những năm 1970 đến trước cuộc chiến tranh Iran-Iraq, tuy là nhân vật quyền lực thứ hai sau tổng thống Hassan Al-Bakr nhưng chính ông Hussein là người đứng đầu Ủy ban kinh tế quốc gia giám sát việc xây dựng nhiều công trình công nghiệp lớn, các con đập, tuyến đường cao tốc, cầu, sân bay, trường đại học và hệ thống thông tin liên lạc. Hussein cũng quan tâm tới việc phát triển nhân lực, hàng vạn thanh niên trẻ Iraq được cử đi học ở nước ngoài mỗi năm. Các loại lương thực thực phẩm được bán cho người dân với giá rẻ nhờ các chính sách trợ giá của nhà nước. Iraq duy trì được tốc độ tăng trưởng khoảng 6%/ năm trong giai đoạn từ năm 1987-1991, GDP tăng từ 35 tỉ USD năm 1986 lên khoảng 60 tỉ USD năm 1991. Về đối ngoại, ông Hussein giúp Iraq trở thành nhân tố chủ chốt ở khu vực Trung Đông, là một trong số ít nhân vật giúp đoàn kết được thế giới Ả Rập vốn liên tục bị chia rẽ. Dù có nhiều thành tựu nhưng ông Saddam bị chỉ trích bởi cách điều hành độc tài, đôi khi tới mức tàn nhẫn của mình cùng với việc đưa nước này vào các cuộc chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988) và cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991. Sau khi trở thành tổng thống Iraq năm 1979, Saddam đã dùng rất nhiều người thân và đồng hương từ Tikrit trong chính quyền của mình. Điều này khiến tổng thống Saddam Hussein không qui tụ được những người thật sự xuất sắc. Cuộc chiến kéo dài tám năm với Iran đã khiến Iraq kiệt quệ với hàng trăm ngàn người chết và khoản nợ nước ngoài khổng lồ khoảng 75 tỉ USD. Việc này đã khiến ông Hussein định dùng ảnh hưởng chính trị để yêu cầu một số nước như Kuwait... xóa một phần các khoản nợ của mình nhưng đã không được các nước chấp nhận. Sức ép về các khoản nợ quốc tế này được coi là yếu tố chính dẫn đến sai lầm tiếp theo của ông là xâm lược Kuwait tháng 8-1990 và dẫn đến cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Sau cuộc chiến, mâu thuẫn của các nhóm người Shiite, người Kurd và các nhóm quân sự đe dọa sự ổn định của chính quyền Saddam. Các cuộc nổi dậy bắt đầu từ lực lượng người Kurd ở phía bắc, người Shiite ở phía nam và miền trung nước này nhưng tất cả đều bị trấn áp. Hãng BBC ước tính rằng có khoảng 30.000 người bị giết trong các cuộc nổi dậy này. Dù không kéo dài nhưng cuộc chiến này khiến Iraq thêm kiệt quệ, bị cô lập về mặt ngoại giao và cấm vận về mặt kinh tế. Đến cuối những năm 1990, GDP của Iraq chỉ còn khoảng 30,4 tỉ USD, bằng một nửa so với thời kỳ trước cuộc chiến vùng Vịnh năm 1990. Nhiều năm sau cuộc chiến vùng Vịnh, chính sách của Mỹ đối với Iraq luôn là kiềm chế Saddam. Sau vụ tấn công 11-9, chính quyền ông Bush đã lựa chọn Iraq là mục tiêu tiếp theo sau cuộc chiến tại Afghanistan. Đến nay, có người Iraq gọi ông là kẻ độc tài, nhưng cũng có người coi ông như kẻ tử vì đạo cho sự toàn vẹn và độc lập Iraq. Kỷ nguyên của Hussein dần lui vào quá khứ, nhưng cuộc tranh cãi về công và tội, về bản án hành quyết ông chắc hẳn sẽ còn đọng lại lâu trong lịch sử. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận