Một ngày sau phiên tòa hình sự sơ thẩm do Tòa án quân sự khu vực 2 (Quân khu 5) xét xử vụ án "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" đối với Hoàng Văn Minh (cựu thiếu tá một đơn vị quân đội đóng ở tỉnh Ninh Thuận), chúng tôi trở lại nhà nạn nhân Hồ Hoàng Anh và gặp cha của nữ sinh lớp 12 xấu số trong vụ tai nạn giao thông này.
Chúng tôi rất bức xúc!
Cáo trạng của vụ án kết luận bị cáo Hoàng Văn Minh do vừa nghe điện thoại di động vừa lái xe hơi rẽ phải vào chi nhánh một ngân hàng, thiếu tập trung quan sát dẫn tới vụ tai nạn giao thông làm em Hồ Hoàng Anh (khi đó đang chạy xe máy từ phía sau, bên phải xe hơi) tử vong.
Minh vi phạm điểm a khoản 1 điều 260 Bộ luật Hình sự. Điều luật này quy định khung hình phạt "phạt tiền 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm".
Bản cáo trạng cũng nêu ông Minh không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào, trong khi được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại các điểm b, s, v khoản 1 điều 51, khoản 2 điều 51 Bộ luật Hình sự.
Trong đó, điểm s khoản 1 điều 51 là "người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải". Đại diện viện kiểm sát đề nghị phạt ông Minh 14 - 18 tháng tù. Hội đồng xét xử sau đó tuyên phạt ông Minh 14 tháng tù.
Sau phiên tòa, nhiều ý kiến cho rằng ông Minh sau khi gây tai nạn đã không nhận tội mà nhờ người chú nhận giúp đã lái xe gây ra tai nạn. Ngày hôm sau ông mới nhận chính mình lái chiếc xe hơi nêu trên.
Việc làm của ông Minh không những gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng mà còn khiến người chú và cả vợ ông từng bị truy tố tội "khai báo gian dối". Việc tòa cho ông Minh hưởng tình tiết giảm nhẹ nêu trên và phạt 14 tháng tù là nhẹ.
Tại phiên tòa, ở phần tranh luận, ông Hồ Hoàng Hùng, cha nạn nhân, không đồng ý với việc đại diện viện kiểm sát cho bị cáo Minh hưởng tình tiết "thành khẩn khai báo".
Gặp lại chúng tôi vào sáng 6-12, ông Hùng tiếp tục bày tỏ: "Tôi không hiểu vì sao việc ông Minh nhờ người nhận tội thay mà sau đó lại được xét là "thành khẩn khai báo", gia đình tôi rất bức xúc".
Ngoài ra, ông Hùng cũng bày tỏ bức xúc việc các lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận trong việc làm sai lệch kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của cháu Hồ Hoàng Anh, ông tố giác nhưng Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm có quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Việc các cơ quan có thẩm quyền miễn trách nhiệm hình sự cho hai người đã có hành vi cấu thành tội "khai báo gian dối" trong vụ án.
Tuy nhiên, ông Hùng nói hiện tại gia đình tôn trọng sự phán quyết của tòa án. "Gia đình cũng đang đợi bản án chính thức của tòa án để tiếp tục nghiên cứu và sẽ có những hành trình tiếp theo nếu thấy cần thiết", ông Hùng nói thêm.
Mức phạt 14 tháng tù chưa tương xứng?
Luật sư Nguyễn Văn Nhanh (Đoàn luật sư TP.HCM) là người bảo vệ quyền lợi cho gia đình nạn nhân tại phiên tòa nói rằng tại phiên tòa, ông và gia đình em Hoàng Anh đề nghị hội đồng xét xử xem xét, có hình phạt nghiêm khắc, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Tuy nhiên, theo ông, mức hình phạt 14 tháng tù dành cho Hoàng Văn Minh là không tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo.
Đối với tình tiết "người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải" của Hoàng Văn Minh, tại phiên tòa luật sư Nhanh đề nghị cần đánh giá mức độ thành khẩn khai báo của bị cáo, thậm chí phải xem xét áp dụng hành vi "xảo quyệt" nhằm che giấu tội phạm quy định tại khoản 1 điều 52 Bộ luật Hình sự đối với Minh.
Theo ông Nhanh, hồ sơ vụ án cho thấy trong quá trình điều tra, nhiều lần Hoàng Văn Minh thay đổi lời khai từ việc không nhìn gương chiếu hậu sang nhìn không liên tục; lúc đầu khai là biết em Hồ Hoàng Anh tử vong vì lo sợ nên nhờ Võ nhận là người lái xe, sau đó thay đổi là tại thời điểm xảy ra tai nạn lập tức đã đề nghị Võ nhận là lái xe; Minh là người khởi xướng việc khai báo gian dối này nên cần đánh giá mức độ "thành khẩn khai báo".
Một luật sư tại tỉnh Khánh Hòa cho rằng thực tiễn xét xử cho thấy cũng có nhiều bị cáo ban đầu không nhận tội hoặc chối tội nhưng ra tòa sơ thẩm, thậm chí tòa phúc thẩm nhận tội thì cũng được áp dụng tình tiết "thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải".
Tuy nhiên, theo vị này, giảm nhẹ hay giảm nhiều khi lượng về hình phạt thì đó là theo xem xét và nhận định khách quan, toàn diện của hội đồng xét xử.
* Ông QUẢNG ĐỨC TUYÊN (nguyên phó chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM):
Khi nào được hưởng tình tiết giảm nhẹ
Việc tuyên mức án như thế nào là do đánh giá của từng hội đồng xét xử. Mức án nó không giống như một bài thi mà chỉ có một đáp án duy nhất mới có thể nói được sai và đúng.
Do đó, đánh giá về hành vi của bị cáo ra sao, áp dụng mức hình phạt như thế nào hoàn toàn là đánh giá riêng và cũng là trách nhiệm của hội đồng xét xử.
Đối với việc có thành khẩn khai báo hay không thì khi mới xảy ra vụ án có thể người ta không nhận tội, thậm chí chối tội nhiều lần, nhưng sau đó nhận ra hành vi sai phạm mà khai báo thành khẩn thì vẫn được coi là tình tiết giảm nhẹ.
Tuy nhiên, vụ án này có bức xúc của dư luận do liên quan đến việc tạo dựng chứng cứ, khai báo gian dối của cả bị cáo và những người thân.
Đây là góc nhìn của dư luận khi không tiếp xúc hồ sơ vụ án. Làm người xét xử, nếu hội đồng xét xử xem trọng ý kiến của dư luận thì tuyên mức án nghiêm khắc.
Ngoài ra, hội đồng xét xử cũng có thể chỉ cần căn cứ vào quy định pháp luật và các tình tiết trong hồ sơ vụ án cũng như diễn biến tại phiên tòa để tuyên mức án phù hợp.
Khi tuyên một bản án, hội đồng xét xử phải xem xét toàn diện chứ không chỉ tình tiết thành khẩn. Có thể bản án có những tình tiết không thể phân tích hết được nên dư luận cũng không thể nắm hết được như hội đồng xét xử.
Đồng thời, một vấn đề rất quan trọng, người trực tiếp xét xử phải chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước, trước dân.
Có thể lúc đầu hoảng sợ bỏ chạy, rồi thậm chí còn làm những việc trái đạo đức nữa. Ở một chừng mực nào đó thì mỗi người đều có tính ích kỷ nên chối tội, nhưng sau đó lương tâm day dứt mà thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải. Đó sẽ được coi là tình tiết giảm nhẹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận