Anh Lê Phước Khánh được cứu sống thần kỳ bằng phương pháp cho “ngủ đông” có kiểm soát - Ảnh: TRẦN PHƯƠNG
Kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để cứu thành công một bệnh nhân hôn mê sâu sau khi ngưng tuần hoàn của Bệnh viện Đà Nẵng đã thực hiện thành công.
Đây là lần đầu tiên một bệnh viện ở miền Trung dùng phương pháp đưa cơ thể một bệnh nhân vào trạng thái "ngủ đông" để giảm tình trạng tổn thương não, từ đó giúp cơ thể có cơ hội hồi phục.
Sống sót thần kỳ
Đến ngày 26-12, anh Lê Phước Khánh (30 tuổi, ngụ xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vẫn chưa hết hoàn hồn sau khi được cứu sống một cách thần kỳ. Nhìn anh vui vẻ trò chuyện, mẹ anh - bà Võ Thị Lý - nở nụ cười an tâm.
"Gia đình tui đã trải qua những giờ phút căng thẳng chưa từng có. Vợ nó đang mang thai, nhà chỉ có nó là đàn ông nên không biết sẽ thế nào nếu nó không sống lại. Cũng may các bác sĩ đã giúp con tôi có cơ hội sống sót thần kỳ" - bà Lý nói.
Tối 11-12, khi đang đá bóng, anh Khánh đột ngột rơi vào tình trạng ngừng tim dẫn tới hôn mê. Bằng những hiểu biết thường thức, những đồng đội tiến hành cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực ngay trên sân bóng rồi đưa anh vào bệnh viện gần đó.
Lúc này tim của anh Khánh đã đập trở lại nhưng rối loạn không ngừng, không một ai biết anh Khánh mắc bệnh lý Brugada di truyền (bệnh lý gây tim ngừng đập đột ngột và đột tử do rung thất). Sau 40 phút từ khi ngừng thở, anh Khánh được chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng nguy kịch, huyết áp tụt, rối loạn nhịp tim, hôn mê sâu.
Anh Khánh được các bác sĩ khoa hồi sức tích cực - chống độc tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, dùng thuốc an thần, điều trị thở máy, tuy nhiên anh vẫn hôn mê do thương tổn não sau ngừng tuần hoàn.
Trước tình trạng khẩn cấp đó, ban giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng đã đi đến quyết định áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt để bảo vệ não cho bệnh nhân. Các bác sĩ tiến hành hạ thân nhiệt của anh Khánh xuống ngưỡng chịu đựng, đưa bệnh nhân vào trạng thái "ngủ đông".
Theo bác sĩ Võ Duy Trinh, trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc, bệnh viện áp dụng phương pháp hạ thân nhiệt ngoại biên bằng cách cho một số vùng bề ngoài cơ thể tiếp xúc với các thiết bị kiểm soát nhiệt. Từ đó hạ nhiệt độ một cách có kiểm soát xuống ngưỡng cơ thể có thể chịu đựng được sẽ giúp giảm quá trình chuyển hóa giảm tình trạng tổn thương não, cung cấp oxy tốt hơn, cải thiện tình trạng độc tế bào não, từ đó hỗ trợ tế bào não hồi phục.
Theo bác sĩ Trinh, việc hạ thân nhiệt được thực hiện càng nhanh càng tốt, chậm nhất trong vòng 4 giờ phải đưa nhiệt độ cơ thể xuống mức 33 độ C. Bệnh nhân sẽ được duy trì ở mức nhiệt độ này (33 độ C) ít nhất trong vòng 24 giờ. Sau đó bệnh nhân sẽ được làm ấm trở lại bằng cách tăng nhiệt độ trung bình khoảng 0,15 độ C mỗi giờ cho đến khi nhiệt độ về mức bình thường.
"Thời gian kiểm soát nhiệt độ này thường mất khoảng 3 ngày. Trong thời gian này sẽ giúp giảm chuyển hóa yếm khí của tế bào, giảm nhu cầu oxy cũng như năng lượng của các mô, giảm chuyển canxi vào tế bào... Từ đó đưa đến hiệu quả giảm các tổn thương mô não do thiếu tuần hoàn máu" - bác sĩ Trinh cho biết.
Chớp lấy "thời gian vàng"
Theo bác sĩ Trinh, phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy (chủ động) được chỉ định cho nhiều trường hợp bệnh lý khác nhau khiến người ngừng tim, ngừng thở (còn gọi là ngừng tuần hoàn). Nhưng khi chỉ định phải xác định được nguyên nhân gây ngừng tuần hoàn và có phương pháp giúp cơ thể phục hồi tuần hoàn, nếu không mọi nỗ lực hạ thân nhiệt cũng trở về bằng không.
Vẫn còn nguy cơ
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng, dù đã sống sót thần kỳ nhưng do mắc bệnh lý Brugada anh Khánh vẫn có nguy cơ ngừng tim đột ngột. Để bảo đảm không tái diễn tình trạng này thì cần phải lắp đặt một thiết bị với chi phí lên tới 250 triệu đồng. Tuy nhiên, do gia đình anh Khánh rất khó khăn nên bệnh viện đang kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ.
Bác sĩ Trinh cho biết ngưỡng chịu đựng của não khi cơ thể ngưng tuần hoàn là từ 3-6 phút. Trong thời gian này phải thực hiện các biện pháp giúp tim hoạt động trở lại để bơm máu lên não. Đồng thời trong vòng tối đa 72 tiếng từ khi hệ tuần hoàn ngưng hoạt động phải có phương pháp bảo vệ, điều trị phục hồi não (như phương pháp "ngủ đông") nếu không não bộ sẽ bị tổn thương đến mức không thể phục hồi được.
ThS.BS Nguyễn Tấn Hùng, khoa hồi sức tích cực - chống độc, cho rằng việc ngừng tuần hoàn trước khi vào viện và hồi phục hoàn toàn như trường hợp bệnh nhân Khánh là vô cùng may mắn. Một trong những yếu tố quan trọng là việc cấp cứu kịp thời bệnh nhân và đưa vào viện ngay sau 40 phút, đã giúp bệnh viện có cơ hội áp dụng kỹ thuật này để cứu sống bệnh nhân một cách ngoạn mục.
Tình trạng ngừng tuần hoàn nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Với bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn một thời gian dù cấp cứu thành công, tim đập trở lại, phục hồi được mạch huyết áp thì tỉ lệ sống sót cũng rất thấp do não và các cơ quan đã tổn thương nặng. Còn nếu được cứu sống thì bệnh nhân có thể bị di chứng não rất nặng nề như mất trí nhớ, liệt, co giật, nằm tại chỗ, hôn mê (sống thực vật).
"Khả năng phục hồi ý thức và vận động tốt hơn phụ thuộc vào thời gian "vàng" trong cấp cứu người" - bác sĩ Hùng nói.
Có hai liệu pháp hạ thân nhiệt chỉ huy
Theo bác sĩ Võ Duy Trinh, liệu pháp hạ thân nhiệt chỉ huy không mới, nhưng lại là một trong những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới và hiện triển khai chủ yếu ở một số bệnh viện tuyến trung ương. Có hai phương pháp hạ thân nhiệt bằng ngoại biên và nội mạch. Hiện nay Bệnh viện Đà Nẵng đang triển khai phương pháp ngoại biên, trong tương lai gần sẽ triển khai phương pháp nội mạch để kiểm soát nhiệt độ cơ thể chính xác hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận