24/10/2010 06:48 GMT+7

Cứu nạn còn nhiều bất cập

THẠCH HÀ
THẠCH HÀ

TT - Chiều 20-10, trong buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang thị sát vùng lũ Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự đã đề xuất Chính phủ cấp ngay năm ôtô gầm cao để lực lượng cứu hộ của tỉnh có thể di chuyển nhanh hơn trong lũ.

Ông Cự nói nếu có thêm những phương tiện này thì con số thiệt hại sẽ được giảm thiểu đáng kể.

1je3AwEr.jpgPhóng to
Sáng 17-10, phải mất gần ba giờ, lực lượng cứu hộ mới hạ thủy được chiếc thuyền cao tốc này xuống sông Ngàn Trươi - Ảnh: Viễn Sự

Đề xuất này có thể hơi bất ngờ, bởi ôtô gầm cao không phải là một phương tiện quá chuyên dụng hoặc đắt đỏ đến mức một tỉnh hay bị lũ lụt như Hà Tĩnh phải thiếu thốn. Tuy nhiên, khó khăn ấy đang gây rất nhiều bất cập trong việc tiếp cận các vùng ngập nặng của Hà Tĩnh.

Thiếu phương tiện

Tuy nhiên, điều bất cập mà ông Võ Kim Cự báo cáo với Thủ Tướng thực tế không phải dừng lại ở thiếu xe gầm cao. Cùng thời điểm ông Cự đang báo cáo thì tại Nghi Xuân, gần 300 người sau ba ngày vật lộn trên sông Lam vẫn không tìm ra xe khách 48K - 5868 bị lũ cuốn.

Lúc đó, công binh Quân khu 4 dùng máy rà mìn để phát hiện kim loại dưới đáy sông. Máy rà chỉ phát tín hiệu trong phạm vi 5m nhưng nước lũ sông Lam sâu đến hơn 15m. Lẽ ra việc rà này đã có thể được dừng lại ngay trong chiều 18-10, tuy nhiên phương án giăng dây cáp ngang sông Lam để thay thế thất bại nên phải tiếp tục. Thực tế trong ba ngày tìm kiếm đầu tiên, lực lượng cứu hộ đã phải loay hoay trong việc chọn phương án nhất quán. Điều này không chỉ thể hiện qua việc thay đổi các phương án cứu hộ mà còn ở việc cầu cứu các nhà ngoại cảm.

Và sự loay hoay đó trong trận lũ ở Hà Tĩnh không chỉ lộ ra trong vụ cứu nạn xe khách. 9g ngày 17-10, trong đỉnh lũ, tình hình rất cấp bách, Quân khu 4 đã điều thuyền cao tốc đến vùng lũ Vũ Quang để phó tư lệnh Quân khu 4 - thiếu tướng Hồ Ngọc Tỵ đi thị sát, chỉ đạo cứu nạn. Tuy nhiên sau ba giờ, lực lượng cứu hộ phải mướt mồ hôi mới hạ thủy thuyền được vì không quen với địa hình sông Ngàn Trươi.

Ngoài tính năng chạy nhanh, thuyền cao tốc này đã rất khó khăn trong việc tiếp cận từng mái nhà, ngọn tre, nơi người dân đang bấu víu. Trong các loại thuyền cao tốc, canô được huy động tại Vũ Quang và Hương Khê thì loại canô nhỏ không có mui che là tiếp cận được người dân một cách dễ dàng.

Trở lại việc cứu nạn xe khách 48K-5868, khi lực lượng cứu hộ chính quy đang loay hoay thì chiều 20-10, một lực lượng tình nguyện của bảy doanh nghiệp tại Nghệ An và nhóm thợ lặn đã tìm thấy vị trí chiếc xe chỉ bằng một phương pháp: dùng tàu công suất lớn kéo lưới quét giăng ngang sông Lam và cho thợ lặn xuống định vị khi phát hiện chướng ngại vật.

Ngay sau khi trục vớt thành công chiếc xe khách (cũng bằng sự hỗ trợ phương tiện của các lực lượng tình nguyện), trả lời Tuổi Trẻ - thượng tá Nguyễn Trọng Đại - tham mưu trưởng Huyện đội Nghi Xuân (Hà Tĩnh), người tham gia chỉ huy cứu nạn - đã nhìn nhận: “Phương tiện cứu hộ của lực lượng tình nguyện hiện đại hơn chúng tôi”.

7VBGtPCp.jpgPhóng to
Việc thông tin để phối hợp giữa các lực lượng trục vớt chiếc xe khách hoàn toàn bằng tay. Thậm chí dùng cả sào tre để đẩy chiếc xe tránh va chạm vào sà lan - Ảnh: T.T.D.

Điều tiết đã phù hợp?

Chiều 23-10, trả lời Tuổi Trẻ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Nhật đã phủ nhận chuyện thiếu phương tiện trong cứu nạn xe khách 48K-5868. Ông Nhật cho biết: “Quân khu 4 có cả tàu quét đáy biển, thể hiện vật cản bằng rađa, rất hiện đại”.

Vậy tại sao suốt ba ngày đầu tiên mình không đưa tàu này ra cứu hộ? Trả lời câu hỏi này của Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Nhật cho rằng: “Cái gì cũng phải làm từng bước, xong bước này mới tới bước kia. Nếu chiều hôm đó không có tàu quét của lực lượng tình nguyện thì chúng tôi sẽ đưa tàu quét rađa ra”. Ông dẫn chứng có rất nhiều lực lượng còn có thể tham gia vụ này nhưng chưa đưa ra như cảnh sát biển chẳng hạn. “Đêm qua (22-10) khi phát hiện một thi thể chết ngoài biển Cửa Lò, chúng tôi điều cảnh sát biển và họ đã tìm thành công. Vấn đề là điều tiết phù hợp phương tiện và con người đúng lúc”.

Việc điều tiết phương tiện và con người trong cứu nạn xe khách đã phù hợp hay chưa chắc chắn sẽ có kết luận sau khi việc cứu nạn kết thúc. Tuy nhiên trong trận lũ tại Hà Tĩnh, ở nhiều nơi việc điều tiết này đã không phù hợp. Trở lại việc dùng thuyền cao tốc để cứu nạn, cứu hộ tại Hương Khê và Vũ Quang, khi nhìn thấy những chiếc thuyền lá nhỏ nhưng vô cùng lợi hại của bà con luồn lách ra nhận hàng cứu trợ, các thành viên đội cứu hộ đã thừa nhận: “Thuyền to chưa chắc đã hay, nếu có thêm thuyền lá để bơi vào thì việc cứu nạn sẽ tốt hơn”. Cùng thời điểm, một xe lội nước khác lên đến Vũ Quang nhưng không phát huy tác dụng với địa hình ở đây.

Chiếc xe khách bị lũ cuốn ở Nghi Xuân đã được vớt lên, nhiều người dân bị cô lập trong lũ ở nhiều huyện khác đã được cứu kịp thời. Nhưng liệu có thể vớt xe lên nhanh hơn và cứu được nhiều người hơn hay không nếu có thuyền nhỏ tiếp cận và đưa tàu quét rađa ra nhanh hơn?

WvQRTgTD.jpgPhóng to
Những thợ lặn được trang bị thô sơ tham gia tìm, trục vớt chiếc xe khách bị chìm dưới sông Lam nước đang chảy xiết - Ảnh: Ph.Tuần

Thợ lặn quen lặn... “chay”

Trả lời Tuổi Trẻ về sự lo lắng của nhiều người khi thấy các thợ lặn tình nguyện trong vụ tìm xe 48K - 5868, ông Nguyễn Nhật nhìn nhận việc lặn như vậy là cực kỳ nguy hiểm, không ủng hộ.

Tuy nhiên vì các thợ lặn này nằng nặc đòi lặn “chay” - không bình hơi, mũ bảo vệ... nên Ban chỉ huy cứu nạn đã yêu cầu họ viết cam kết tự chịu trách nhiệm rồi mới cho lặn. Ông Nhật nói: “Chúng tôi có đủ phương tiện lặn để cung cấp cho họ. Nhưng các thợ lặn này đã quen lặn “chay” nên họ từ chối mang phương tiện hiện đại”.

__________

Tin bài liên quan:

Lũ cuốn xe khách, 19 người mất tíchXác định được danh tính 18 hành khách mất tíchVẫn còn 6 nạn nhân chiếc xe khách mất tích

THẠCH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên