Đoàn công tác khảo sát, đánh giá và xịt rửa vệ sinh bộ rễ để cứu hai cây long não - Ảnh: B.D. |
Ngày 16-2, đoàn công tác của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk và Trung tâm Quản lý di tích Đắk Lắk trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn cùng Công ty Môi trường đô thị Đắk Lắk xịt rửa bộ rễ, dùng hóa chất tìm cách cứu hai cây này.
Qua kết quả kiểm tra thực tế, tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng - thành viên đoàn, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nguyên thứ trưởng Bộ KH-CN - cho biết một trong hai cây long não đã chết 3/4 hệ thống bộ rễ và cành lá, cây còn lại cũng đang có dấu hiệu chết ở một số cành nằm giữa cây.
Tình trạng chết này đang diễn ra với tốc độ khá nhanh, đặc biệt cả hai cây này đang bị cây tầm gửi quấn kín thân cành, sống ký sinh khiến cây chết nhanh hơn. Nếu không có biện pháp can thiệp khẩn cấp, hai cây long não này sẽ chết hẳn trong thời gian tới.
Đây là hai cây long não có giá trị rất lớn về mặt lịch sử cũng như sinh cảnh, nếu để cây chết là điều hết sức đáng tiếc - ông Lạng nói.
Theo ông Lạng, hai cây long não hiện có tuổi thọ 70-80 năm, được trồng và chăm sóc bởi tay các nghệ nhân bonsai trong thời kỳ vua Bảo Đại cho xây dựng biệt điện Bảo Đại. Hai cây này không chỉ lớn về mặt tuổi thọ mà có hình dáng rất độc đáo, cành vươn ngang rộng tạo thế cây bonsai, đường kính thân cây trên 2m, cao trên 30m, tán vươn rộng ra hàng chục mét.
Năm 2014, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN đã công nhận hai cây long não tại khuôn viên biệt điện Bảo Đại là hai cây di sản.
Trong thời kỳ còn làm chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, ông Lạng cho biết đã yêu cầu các đơn vị không được làm đường bêtông đi trên bộ rễ của các cây long não này. Tuy nhiên khoảng ba năm trước, các đơn vị đã mở rộng con đường bêtông, sử dụng máy móc, xe cộ lu ủi tạo một con đường rộng nằm ngay dưới tán cây long não.
Quá trình làm đường này cộng với việc nền bêtông là nguyên nhân chính khiến cây long não bị chết rễ. Từ đó các loại nấm, mối ký sinh lên bộ rễ thúc đẩy quá trình chết của cây nhanh hơn.
“Chúng tôi cũng tính tới phương án sẽ tổ chức cấy ghép để nhân cành trên các khúc thịt cây còn sống. Với tuổi thọ hiện nay của hai cây long não này thì không phải là lớn nên việc chết của cây là đáng lo ngại, cây chết không phải già mà do tác động của con người” - ông Lạng thông tin.
Trước đó ngày 14-2, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN đã trao bằng công nhận cây di sản VN cho cây lim xanh hơn nghìn năm tuổi tại bản Nghè, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Theo Cổng thông tin điện tử huyện Yên Thế, đây là cây lim xanh đại cổ thụ đã tồn tại từ nhiều đời nay. Cây có dáng thẳng cao hơn 45m, mọc trên ngọn đồi, gốc to 6-7 người ôm. Đây là loài cây gỗ lớn, có giá trị quý hiếm trong “bộ tứ thiết mộc” gồm đinh, lim, sến, táu. Xung quanh cây có đình, chùa Xuân Lung là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và nằm trong quần thể các di tích lịch sử cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Hội đồng cây di sản VN (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN) đánh giá đây là một trong số ít các cây lim xanh cổ thụ nhất của vùng rừng núi phía Bắc VN và hội đủ các điều kiện để được công nhận là cây di sản VN. Trả lời câu hỏi sau khi công nhận cây di sản VN thì Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN có trách nhiệm tham gia bảo vệ, giữ gìn cây như thế nào? TS Nguyễn Ngọc Sinh - chủ tịch hội - giải thích việc vinh danh chủ yếu nhằm mục đích đánh động để mọi người thấy rõ hơn nữa giá trị của cây di sản, để cùng nhau quan tâm và chung tay chăm sóc, bảo vệ cây. “Chúng tôi là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, không có nguồn lực gì cả và cũng không có ai tài trợ cho chúng tôi. Nên chúng tôi chỉ bỏ công ra để cùng với đồng bào xác nhận rằng đây là một cây quý đủ tiêu chuẩn để vinh danh là cây di sản VN. Khi gặp trường hợp cây bị bệnh thì chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ mời các nhà khoa học xem có cách nào cứu chữa hay không” - ông Sinh phân tích. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận