Trưa 14-7, Viện kiểm sát nhân dân Hà Nội đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo trong vụ án lộ đề thi môn sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Phạm Thị My (60 tuổi) mức án 15-18 tháng tù, Bùi Văn Sâm (74 tuổi, cùng là cựu giảng viên khoa sinh học, Trường đại học Sư phạm Hà Nội) mức án 1 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cùng mang tài liệu liên quan ngân hàng câu hỏi về nhà biên tập rồi ôn cho người thân quen
Viện kiểm sát đánh giá bà My khai báo quanh co, chưa thành khẩn, còn ông Sâm thành khẩn khai báo.
Theo viện kiểm sát, hành vi của bị cáo Sâm và My là nguy hiểm cho xã hội. Bản thân các bị cáo là những người đã từng công tác trong môi trường giáo dục, được xã hội công nhận.
Tuy nhiên chỉ vì động cơ cá nhân, các bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao khi tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi hội đồng ra đề thi môn sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Các bị cáo đã cùng nhau mang tài liệu liên quan đến ngân hàng câu hỏi về nhà biên tập chỉnh sửa câu hỏi, đáp án, dùng các câu hỏi này để ôn tập cho các học sinh thân quen.
"Hành vi của các bị cáo vì động cơ cá nhân, làm trái công vụ, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến thiếu tính công bằng, minh bạch, gây bức xúc cho dư luận. Từ đó, ảnh hưởng xấu đến kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, thể hiện ý thức coi thường pháp luật", công tố viên đánh giá.
Bị cáo My: Chỉ đưa tập tài liệu câu hỏi cho một phụ huynh cũng là cán bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo, rồi sau đó "thu lại luôn"
Trả lời thẩm vấn, ông Sâm cho biết sau nghỉ hưu, nhiều năm liền được Bộ Giáo dục và Đào tạo tín nhiệm và động viên tham gia công tác ra đề thi. Khi được mời là bị cáo "khăn gói đi, cũng chưa từng thấy quyết định bổ nhiệm tổ trưởng tố phó gì".
Ông Sâm khai năm 2021, công tác ra đề được bộ chia làm năm đợt, mỗi đợt khoảng một tuần, tổ ra đề có khoảng 10 thầy cô khắp cả nước.
"Tất cả các giáo viên này đều được phổ biến và ký cam kết về việc bảo mật trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi", bị cáo khai.
Thế nhưng theo lời ông Sâm, trong các đợt làm đề, ông vẫn được bà My ba lần đưa cho các quyển câu hỏi lấy ra từ khu vực quy định, trong đó có các bảng thống kê số lượng câu hỏi mới được biên soạn.
Ông Sâm sau đó trực tiếp chỉnh sửa, đưa lại cho bà My để đánh máy, in ra thành bản cứng tại nhà riêng.
Ông Sâm thừa nhận mang các câu hỏi này dạy cho bốn học sinh sắp thi tốt nghiệp và cho hay "chỉ cho các cháu mượn photocopy lại tài liệu câu hỏi mình và bà My trao đổi trước đó".
Chủ tọa truy vấn: "Vậy tức là có đưa?". Ông Sâm đáp: "Vâng, đúng".
Trong khi đó, bị cáo My cho rằng nhiều chi tiết trong cáo trạng cáo buộc chưa chính xác. Bị cáo khẳng định tài liệu bản thân mang ra khỏi khu vực xây dựng đề thi không phải là câu hỏi, chỉ là ý tưởng câu hỏi do bà nghĩ ra.
Từ các ý tưởng này, tại nhà riêng, hai người đã chỉnh sửa thành câu hỏi để đưa vào ngân hàng câu hỏi.
Bà cho rằng ông Sâm "cao tuổi, trí nhớ không tốt" nên mới khai bà mang câu hỏi đã in sẵn ra đưa cho ông, bởi theo trí nhớ của bà, không có tập tài liệu nào, mà chỉ là một mảnh giấy A4 bà viết tay.
Đáng chú ý, bà My phủ nhận việc mang câu hỏi trong đề thi do mình xây dựng dạy cho bốn học sinh.
"Từ lúc nghỉ hưu tôi luôn tuyên bố rõ, không dạy thêm hay ôn cho ai. Tôi chỉ tư vấn phương pháp ôn thi, đánh giá mức độ giải bài tập, hiểu lý thuyết của các cháu thế nào", bà khẳng định.
Theo bị cáo My, người duy nhất được bà đưa tập tài liệu câu hỏi là một phụ huynh học sinh, cũng là cán bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng sau đó bà đã "thu lại luôn".
Cuối phần trình bày, bà My cho rằng "kiến thức sẵn có trong sách, việc trùng nội dung không thể tránh".
Theo cáo trạng, ông Sâm là tổ trưởng và bà My là tổ phó - được phân công tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và hội đồng ra đề thi môn sinh học.
Do hai người tham gia tổ xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và hội đồng ra đề các năm 2019, 2020 nên biết được phần mềm rút câu hỏi không ngẫu nhiên.
Năm 2021, bà My và ông Sâm lợi dụng việc được giao đưa tài liệu về nhà biên soạn thành câu hỏi, sau đó sắp xếp vào các vị trí để được rút ra làm nguồn đề thi chính thức, đồng thời định hướng chọn các tổ hợp câu hỏi do mình biên soạn để xây dựng thành đề thi chính thức.
Cả hai còn dùng câu hỏi trên làm tài liệu ôn thi cho 8 học sinh có mối quan hệ họ hàng, thân quen.
Cơ quan tố tụng xác định đề thi chính thức kỳ thi THPT năm 2021 giống với các câu hỏi do hai bị cáo soạn thảo, biên tập từ 70% - 95%.
Tháng 8-2021, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo kiểm tra, lập tổ công tác xác minh, làm rõ các yếu tố liên quan.
Sau khi xác minh, ngày 10-6-2022, Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố hai cựu giáo viên Bùi Văn Sâm và Phạm Thị My.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận