26/06/2023 13:08 GMT+7

Hoãn phiên xử vụ lộ đề môn sinh do trùng lịch thi tốt nghiệp THPT 2023

Phiên xét xử ông Bùi Văn Sâm và bà Phạm Thị My trong vụ án lộ đề môn sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được hoãn do thời gian dự kiến mở phiên tòa trùng với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Hoãn do trùng với kỳ thi tốt nghiệp

Theo dự kiến, ngày 29-6 tới TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án lộ đề môn sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Tuy nhiên, do thời gian này trùng với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, một số giáo viên, là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, phải tham gia coi thi.

Tòa cho rằng những người này vắng mặt sẽ ảnh hưởng việc giải quyết vụ án nên đã quyết định hoãn mở phiên tòa. Thời gian mở lại phiên xử chưa được ấn định.

Liên quan đến việc làm lộ đề môn sinh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, hai bị can Phạm Thị My (60 tuổi) và Bùi Văn Sâm (74 tuổi), cùng là cựu giáo viên khoa sinh, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, bị viện kiểm sát truy tố về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

"Phím" trước đề thi cho những người thân quen

Theo cáo trạng, sau khi kết thúc đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, dư luận, báo chí phản ánh về nghi vấn lộ đề thi môn sinh.

Theo đó, đề thi môn sinh học "giống 80%" so với đề ôn tập trên mạng Internet của ông Phan Khắc Nghệ (phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh). Cơ quan an ninh điều tra đã vào cuộc tiến hành xác minh làm rõ nghi án lộ đề môn sinh.

Quá trình điều tra xác định hai bị can Bùi Văn Sâm và Phạm Thị My được phân công tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và hội đồng ra đề thi môn sinh học.

Về tổ chức ra đề thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo phân công Phạm Thị My là tổ trưởng tổ ra đề thi môn sinh học, Bùi Văn Sâm tham gia với tư cách thẩm định.

Kết quả điều tra cho thấy cả hai cựu giáo viên này đã tham gia tổ xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và hội đồng ra đề thi các năm trước (2019, 2020) nên biết được phần mềm rút câu hỏi không ngẫu nhiên.

Năm 2021, bà My và ông Sâm đã lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao để đưa tài liệu về nhà biên soạn thành câu hỏi, sau đó sắp xếp các câu hỏi do mình soạn ra vào các vị trí có khả năng cao được phần mềm lựa chọn rút ra làm nguồn đề thi chính thức.

Hai cựu giáo viên biết được quy luật rút câu hỏi của phần mềm sẽ thực hiện theo thứ tự xếp hạng câu hỏi. Vì vậy, hai người thống nhất sắp xếp các câu hỏi do mình soạn và vị trí từ 10 - 13 trong số 40 câu của ngân hàng câu hỏi, với mục đích khi các câu này được chọn sẽ cùng một tổ hợp đề thi.

Quá trình tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi phục vụ ra đề thi tốt nghiệp, Bùi Văn Sâm và Phạm Thị My còn sử dụng các câu hỏi do mình soạn thảo, đưa vào ngân hàng câu hỏi thi để giảng dạy, ôn thi cho một số học sinh lớp 12 là "các mối quan hệ họ hàng, quen biết có nguyện vọng xét tuyển đại học khối B", theo cáo trạng.

"Khi giảng dạy, ôn tập cho các học sinh, Bùi Văn Sâm và Phạm Thị My không nhận tiền của phụ huynh, học sinh mà vì nể nang, tình cảm cá nhân do họ hàng và người thân, quen giới thiệu", cáo trạng nêu.

Quá trình điều tra, Bùi Văn Sâm đã tự nguyện giao nộp 3 tập tài liệu do Phạm Thị My in và chuyển cho Bùi Văn Sâm.

Kết luận giám định của Hội đồng giám định Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định tập tài liệu này và 4 tổ hợp đề chính thức có các câu hỏi giống nhau trên 70%.

Kết quả điều tra xác định hai bị can dùng chính những câu hỏi trên để dạy, ôn thi cho 8 học sinh là "họ hàng, quen biết", mỗi người 4 học sinh.

Nhóm học sinh này đến từ các trường THPT: Yên Hòa; chuyên Khoa học tự nhiên; chuyên Hà Nội Amsterdam; Kim Liên; Thăng Long ở Hà Nội cùng Trường chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn) và chuyên Hà Tĩnh.

Vụ lộ đề môn Sinh kỳ thi tốt nghiệp THPT: Bộ ơi, thà một lần đau!Vụ lộ đề môn Sinh kỳ thi tốt nghiệp THPT: Bộ ơi, thà một lần đau!

TTO - Hơn một năm qua, kể từ vụ lùm xùm lộ đề môn Sinh ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, khi hay chuyện ai cũng buồn, sốc. Là nhà giáo, chúng tôi buồn lo hơn.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên