11/01/2022 14:39 GMT+7

Cựu chánh thanh tra Sở Tài chính nói cáo trạng quy kết vai trò chưa thỏa đáng

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Sáng 11-1, phiên tòa xét xử vụ sai phạm tại 7 trường học ở huyện Củ Chi bắt đầu xét hỏi. Bà Lê Thị Thanh Tuyền (cựu chánh thanh tra Sở Tài chính TP.HCM) cho rằng cáo trạng kết luận vai trò của bà là chưa thỏa đáng.

Cựu chánh thanh tra Sở Tài chính nói cáo trạng quy kết vai trò chưa thỏa đáng - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Thanh Tuyền - Ảnh: TUYẾT MAI

Cựu chánh thanh tra nói cáo trạng không thỏa đáng

Bị truy tố tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, bà Lê Thị Thanh Tuyền (cựu chánh thanh tra Sở Tài chính TP.HCM, trưởng Phòng kế hoạch - tài chính thuộc UBND huyện Củ Chi) cho rằng cáo trạng kết luận vai trò của bà là chưa thỏa đáng.

Bà Tuyền cho rằng với trách nhiệm là trưởng Phòng kế hoạch - tài chính thuộc UBND huyện Củ Chi, bà đã tham mưu đúng thẩm quyền, chức năng của mình. Phòng tài chính chỉ có thiếu sót khi chưa phối hợp với Phòng giáo dục để kiểm tra, giám sát.

"Bị cáo thấy kết quả giám định các sai phạm đều phát sinh từ giai đoạn triển khai thực hiện chứ không phải giai đoạn phân bổ dự toán. Thời gian sau đó, bị cáo đã nhận nhiệm vụ khác ở Sở Tài chính nên không thể kiểm tra, giám sát được" - bà Tuyền khai.

Theo cáo trạng, bà Tuyền đã thẩm định và trình duyệt danh mục, kế hoạch sửa chữa, duyệt tổng mức đầu tư, dự toán sửa chữa các hạng mục của 7 trường học không có cơ sở pháp lý, không yêu cầu các trường học thực hiện các thủ tục theo đúng quy định về đầu tư xây dựng, duyệt các hạng mục được chia nhỏ để có dự toán giá trị dưới 500 triệu đồng. Từ việc thẩm định, phê duyệt của bà Tuyền, các trường đã tổ chức thực hiện, thi công, gây thất thoát ngân sách nhà nước với số tiền là 17,7 tỉ đồng.

Bị cáo Nguyễn Thị Loan (cựu trưởng Phòng giáo dục huyện Củ Chi) thừa nhận sai phạm như cáo trạng đã nêu. Tuy nhiên, bà cho rằng sai phạm này có nguyên nhân khách quan do bà mới được bổ nhiệm làm trưởng Phòng giáo dục được 1 tháng, chưa có thời gian nghiên cứu quy định, thiếu hiểu biết. Sau khi Phòng tài chính gọi điện nói đi khảo sát các trường và lựa chọn 7 trường để sửa chữa từ kinh phí chi thường xuyên do cấp huyện cấp, bà Loan tham gia.

Bà Loan khai tại biên bản khảo sát, bà Tuyền ghi đồng ý cho các trường được khái toán kinh phí sửa chữa thì bà Loan ghi biên bản là đồng ý. Sau khi khảo sát, Phan Văn Duyệt gọi điện cho bà hỏi danh sách các trường được khái toán kinh phí sửa chữa thì bà Loan cung cấp danh sách này cho Duyệt. Sau đó, Duyệt gửi 1 bộ nhiều bảng dự toán các hạng mục sửa chữa của các trường học cho bà Loan. Khi kế hoạch sửa chữa được duyệt, bà Loan ký các quyết định giao dự toán cho các trường, trong đó có dự toán kinh phí sửa chữa.

Chủ thầu không thừa nhận nâng khống khối lượng

Theo cáo trạng, ông Phan Văn Duyệt (phó giám đốc Công ty Đông Phương) là người liên hệ, chuyển hồ sơ khái toán các hạng mục sửa chữa cho Phòng giáo dục để trình phê duyệt dự toán kinh phí sửa chữa, trực tiếp liên hệ với hiệu trưởng các trường học để tự lập dự toán, thiết kế, thi công và hoàn chỉnh thủ tục quyết toán. 

Ông Duyệt đã trực tiếp chỉ đạo hoạt động thi công, nghiệm thu và thanh quyết toán công trình, nâng khống khối lượng công trình gây thất thoát cho ngân sách nhà nước 17,7 tỉ đồng.

Tuy nhiên, khi chủ tọa hỏi ai là người chủ trương nâng khống khối lượng, ông Duyệt cho rằng nhân viên công ty làm. Ông khai không nâng khống khối lượng, mà do khối lượng thi công thực tế và dự toán có sự chênh nhau.

Các bị cáo khác cũng thừa nhận hành vi sai phạm, nhưng cho rằng không bàn bạc với ông Duyệt nâng khống khối lượng thi công.

Được triệu tập với tư cách người liên quan, lãnh đạo 7 trường học đều khai không hưởng lợi mà chỉ mong muốn có cơ sở khang trang cho các em học sinh.

Theo cáo trạng, với vai trò là chủ đầu tư, các hiệu trưởng và phó hiệu trưởng nêu trên có thiếu sót, sai phạm như không tuân thủ về quy trình đầu tư xây dựng, ký thủ tục lập thiết kế, dự toán không đúng quy định, không thuê đơn vị có chức năng giám sát thi công sửa chữa, tổ chức nghiệm thu không đảm bảo đầy đủ nội dung và thành phần…

Tuy nhiên, các cá nhân nêu trên không có trình độ chuyên môn về đầu tư xây dựng, không được đào tạo nghiệp vụ về đầu tư xây dựng, không được cập nhật các quy định pháp luật về xây dựng, đấu thầu mà chỉ thực hiện theo kế hoạch và danh mục đã được Phòng giáo dục đưa xuống, Phòng tài chính thẩm định và UBND huyện phê duyệt.

Mục đích ký các hồ sơ thủ tục sửa chữa, quyết toán chỉ nhằm được sửa chữa các công trình của nhà trường để phục vụ lợi ích chung cho các em học sinh. Mặt khác, để đảm bảo tính ổn định cho môi trường giáo dục tại địa bàn huyện Củ Chi nên cơ quan chức năng không xử lý hình sự.

5 bị cáo hầu tòa vụ sai phạm tại 7 trường học ở huyện Củ Chi 5 bị cáo hầu tòa vụ sai phạm tại 7 trường học ở huyện Củ Chi

TTO - Sáng 11-1, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử 5 bị cáo trong vụ sai phạm tại 7 trường học ở Củ Chi. Các bị cáo cùng bị Viện KSND TP.HCM truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát lãng phí.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên