15/09/2006 04:58 GMT+7

Cút côi bà cháu

TẠ PHONG TẦN
TẠ PHONG TẦN

TT - Bị cáo Trần Văn Khỏe đã 62 tuổi. Vẻ hom hem, ốm yếu, đen sạm và quê mùa của một người đàn ông cả đời sống bằng nghề giăng câu thả lưới bỗng chốc trở thành tội phạm khiến người dự khán phiên tòa không khỏi thấy nao lòng...

wBUN7dJO.jpgPhóng to
TT - Bị cáo Trần Văn Khỏe đã 62 tuổi. Vẻ hom hem, ốm yếu, đen sạm và quê mùa của một người đàn ông cả đời sống bằng nghề giăng câu thả lưới bỗng chốc trở thành tội phạm khiến người dự khán phiên tòa không khỏi thấy nao lòng...

490.000 đồng và mũi kéo oan nghiệt

Chuyện bắt đầu từ năm 1990, khi ông Khỏe 47 tuổi và được Lý Thị Kiều, một cô gái mới 16 tuổi đồng ý về làm vợ. Hai vợ chồng sống trong căn chòi lá rách nát, chơ vơ như cái tổ chim treo trên mặt nước giữa đồng vắng mênh mông.

Ngày ngày cả hai cùng giăng câu, thả lưới kiếm con tôm, con cá, mớ rau đem ra chợ bán đắp đổi qua ngày. Lúc rảnh rỗi hai vợ chồng ở nhà đan lưới, vá lưới cho hàng xóm kiếm thêm chút tiền công. Với những người dân quê nghèo nàn ở ấp Vĩnh Mới (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu), một vùng sâu heo hút xa xôi, cuộc sống của vợ chồng ông Khỏe được coi là hạnh phúc trời cho. Hạnh phúc gia đình càng nhân lên khi Kiều sinh được ba đứa con kháu khỉnh là Thương, Nhí và Thôi.

Những tưởng cuộc sống đạm bạc, thanh bần nhưng đầy ắp tiếng cười con trẻ của vợ chồng ông Khỏe sẽ êm trôi theo ngày tháng, đâu ngờ từ đầu năm 2004 Kiều bắt đầu bỏ nhà ra đi... Mỗi lần đi Kiều đều mang theo chút tiền ít ỏi dành dụm của hai vợ chồng, làm ông Khỏe và các con phải nhiều lần khốn đốn với cảnh thiếu trước hụt sau. Thương con rể hiền lành, chất phác, thương những đứa cháu thơ kêu gào đòi mẹ, mỗi lần Kiều bỏ nhà đi thì bà ngoại mấy đứa lại cất công đi tìm mẹ chúng về.

Cũng như những lần trước, sau thời gian đi đâu không rõ, ngày 20-8-2005 Kiều lại trở về nhà. Khoảng nửa tháng sau, một buổi chiều, khi ông Khỏe đang ngủ, Kiều lén lấy toàn bộ số tiền có trong nhà, 490.000 đồng, và bỏ đi.

Có lẽ bị ám ảnh nỗi sợ phải đói rét mỗi lần bị mẹ lấy hết tiền đi nên đứa con trai lớn 12 tuổi đã gọi cha dậy méc. Ông Khỏe đuổi theo gọi vợ về. Kiều quay về, lấy con dao thủ thế, ngồi chửi chồng đã cản trở mình. Ông Khỏe đang ngồi vá lưới, trên tay cầm kéo, vừa đi lại gần thì Kiều cầm dao đứng trong mùng đâm ra. Ông Khỏe né được nhưng cái kéo ông cầm trong tay đã đâm trúng cổ vợ. Ông Khỏe hoảng hốt kêu con đi gọi hàng xóm sang giúp, còn mình vội vàng đi tìm xuồng chở vợ đi cấp cứu.

Khi ấy Kiều vẫn còn tỉnh táo, còn nói chuyện, phân trần với mọi người. Nhưng vì nhà ở giữa đồng trống mênh mông, heo hút, không có đường giao thông, không ai biết sơ cứu... nên Kiều đã bị mất máu quá nhiều, và trên đường đi cấp cứu đã trút hơi thở cuối cùng.

Nước mắt mẹ con

Trước tòa, bị cáo Khỏe khóc rấm rứt: “Phải chi tui đừng nóng giận cãi lộn với nó, tui để nó đi như mấy lần trước thì vợ tui đâu có chết. Giờ tui ở tù, con tui không có ai nuôi...”. Bà mẹ vợ thì van xin bằng giọng run rẩy đầy nước mắt: “Xin quí tòa thương xử nhẹ cho rể tui được sớm về nuôi con. Lỗi tại con gái tui, tui già rồi, không biết còn sống bao lâu để nuôi con cho nó...”.

Vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu giữ quyền công tố đề nghị mức án thấp nhất của khung hình phạt là từ 7-8 năm tù giam vì bị cáo có ba tình tiết giảm nhẹ: phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại, người phạm tội tự thú, người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

Bản án 9 năm tù đối với bị cáo Trần Văn Khỏe về hành vi “giết người” đã khép lại phiên tòa trong nước mắt của bị cáo - con rể - và đại diện người bị hại - mẹ vợ. Trước khi bước lên xe cảnh sát, bị cáo ngoái đầu lại: “Má ráng nuôi mấy đứa nhỏ giùm con, chờ con về nghe má...”. Bà cụ nghẹn ngào nói với theo: “Con đừng lo, ở trỏng ráng gìn giữ để về sớm, con ơi...”. Xe chạy rồi, bà cụ vẫn cứ đứng lặng nhìn theo như là cuộc chia ly giữa hai mẹ con ruột thịt...

“Vẳng nghe chim vịt kêu chiều…”

Đã gần nửa năm trôi qua kể từ ngày phiên tòa diễn ra, bị ám ảnh bởi tình cảnh đáng thương của những con người liên quan trong vụ án, ngày 27-8-2006 tôi đã tìm đến nhà bà cụ. Tôi đã phải dắt, đẩy xe năm sáu cây số trên đê lầy trơn trượt, rồi phải gửi xe lội bộ hun hút trên con đường đất nhỏ mới thấy căn nhà lá thấp lè tè, nơi ở của người bà và những đứa cháu ngoại.

Căn nhà chưa đầy 16m2, mái dột nát phải căng tấm vải nhựa bên trên. Trong nhà chỉ trơ trọi hai chiếc giường làm bằng cây rừng. Phía sau trống huơ trống hoác treo vài bộ quần áo cũ. Bà cụ ngồi co ro nhỏ bé, quắt queo, miệng móm mém, tiếng nói yếu ớt, phều phào. Bà kể: “Mấy ông xã mới cho 50kg gạo, cũng đỡ. Bữa nào đói quá thì tụi nó chạy qua nhà dì nó. Dì nó có chồng có con rồi, cũng nghèo xác nghèo xơ”. Ba đứa nhỏ, đứa nào đứa nấy teo ngắt. Từ ngày mẹ mất, cha phải vào tù, cả ba ngày ngày theo ngoại ra đồng đặt lú, mò nghêu, kiếm mớ rau, con cá...

Khi hoàng hôn buông xuống, không gian mênh mông, gió hắt hiu trên cánh đồng vắng lạnh, ba đứa trẻ mồ côi mới thất thểu trở về nhà. Đêm về, bên ánh đèn dầu leo lét, ba đứa trẻ lại thèm nhớ cái cảm giác ấm áp ngày nào bên cha, bên mẹ. Bây giờ ba đứa ngủ với bà, đêm đêm cháu khóc nhớ cha nhớ mẹ, bà khóc thương thân cháu thân con...

Thương, 13 tuổi, chừng như hiểu biết, ban ngày chỉ lầm lũi theo ngoại đi làm, ít nói ít cười. Còn Thôi, 7 tuổi, mỗi lần nghe nhà hàng xóm ru con “À... ơi! Vẳng nghe chim vịt kêu chiều/ Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau” lại khóc đòi ngoại dẫn đi tìm mẹ. Ngoại “ầu ơ” dỗ cháu mà lòng như muối xát kim châm.

Tôi ra về, hình ảnh ba đứa nhỏ quắt queo, hình ảnh người bà quắt queo như cứ đuổi theo tôi...

TẠ PHONG TẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên