![]() |
Đường đi của tàu thuyền qua eo biển Malacca (dấu mũi tên) - Đồ họa: Như Khanh |
Sau vài giờ đi vào hải phận Indonesia, bất ngờ bọn cướp biển xuất hiện trên bốn canô cao tốc và nổ súng buộc chiếc tàu dừng lại. Tuy nhiên, tàu Hereford Express cố gắng chạy hết tốc lực về phía đông bắc. Rất may không một ai trên tàu bị thương. Theo đại úy Armando Balilo thuộc lực lượng phòng vệ biển Philippines, các vụ tấn công tàu thuyền thường diễn ra ở eo biển Malacca, cứ mỗi tuần ở đó xảy ra 2-3 vụ tấn công.
“Địa lợi”
Từ nhiều thế kỷ qua, nạn cướp biển luôn là một đại dịch trên vùng biển Đông Nam Á. Đặc biệt dọc đường bờ biển Indonesia và eo biển Malacca giữa Indonesia và Malaysia được mệnh danh là “thiên đường của hải tặc”. Những tay cướp biển Indonesia vẫn khét tiếng tàn bạo và tham lam, cho dù các “đồng nghiệp” của chúng ở Somalia và Nigeria đang trỗi dậy mạnh mẽ hơn khiến cả thế giới phải chú ý. Trong báo cáo tháng 10-2007, Cơ quan Hàng hải quốc tế (IMB) cho biết Indonesia là khu vực có nhiều vụ tấn công nhất thế giới với 37 vụ trong tháng 1-2007. Năm 2004, có tới 40% vụ cướp biển tấn công toàn cầu xảy ra tại vùng biển Indonesia và eo biển Malacca.
Eo biển Malacca là một vùng nước hẹp, dài khoảng 805km giữa bán đảo Malaysia và đảo Sumatra của Indonesia. Địa thế đặc biệt của eo biển Malacca khiến nó trở thành khu vực cướp biển hoành hành dữ dội nhất dọc đường bờ biển Indonesia và trên toàn Đông Nam Á. Eo biển này có tới hàng nghìn đảo nhỏ và là nơi hàng trăm con sông lớn nhỏ đổ về. Do đó, nó trở thành một “địa điểm lý tưởng” cho bọn cướp biển che giấu các con tàu và dễ dàng lẩn trốn khi bị truy đuổi.
![]() |
Một tàu cướp biển bị phát hiện tại eo biển Malacca tháng 1-2006 và bị tàu chiến Mỹ USS Winston S. Churchill bắt giữ - Ảnh: Wikipedia |
Quan trọng hơn, xét trên phương diện kinh tế và chiến lược, eo biển Malacca là một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới. Hiện tại đây là kênh hàng hải chính giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, kết nối các nền kinh tế lớn của châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan.
Mỗi năm có hơn 50.000 tàu đi qua eo biển Malacca. Khoảng 1/4 lượng dầu chuyên chở trên biển đi qua Malacca, chủ yếu từ vịnh Ba Tư đến Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc. Năm 2006, khoảng 15 triệu thùng dầu được chuyên chở mỗi ngày qua Malacca. Đây chính là những “miếng mồi ngon” cho bọn cướp biển rắp tâm tấn công.
Trong quá khứ, cướp biển bắt đầu trỗi dậy ở eo biển Malacca và đường bờ biển Indonesia kể từ thời thực dân châu Âu bắt đầu đặt chân đến Đông Nam Á. Thời đó, cướp biển giống như một hình thức nổi loạn chống lại chế độ cai trị của thực dân. Theo IMB, phần lớn cướp biển ở khu vực này mang quốc tịch Indonesia. Hiện tại, IMB cho biết có ba loại cướp biển hoạt động ở Malacca và Indonesia: cướp biển cò con chủ tâm kiếm chác nhanh, cướp biển băng đảng thuộc các nhóm tội phạm có tổ chức và cướp biển chính trị quan hệ với bọn khủng bố và các nhóm ly khai.
Loại thứ nhất hoạt động theo những nhóm nhỏ, sử dụng canô cao tốc, vũ khí chủ yếu là dao kiếm, nhắm vào các mục tiêu dễ nuốt: thường tấn công các tàu nhỏ, cướp tiền và đồ đạc của thủy thủ. Loại thứ hai thường tổ chức các cuộc vây hãm phức tạp với vũ khí và phương tiện hiện đại: tấn công tàu chở hàng lớn, bắt cóc thủy thủ đòi tiền chuộc, đoạt luôn tàu. Hình thức này đòi hỏi việc lên kế hoạch kỹ càng, có quỹ tài chính dồi dào và được sự tiếp tay của chính quyền các cảng biển. Loại thứ ba bao gồm các thành viên của nhóm ly khai Phong trào giải phóng Aceh, thường cướp tàu, người, đòi tiền chuộc để mua vũ khí và trao đổi tù binh với chính quyền.
"Khi các vụ tấn công đạt đỉnh cao năm 2000, Somalia chỉ là một chấm nhỏ trên màn hình radar. Tuy nhiên giờ nó trở thành một vấn đề lớn. Nạn cướp biển đặc biệt thường xuất hiện tại các khu vực vô luật pháp hoặc gặp khó khăn lớn về kinh tế, do đó rất khó để xóa sạch". Một chuyên gia Liên đoàn Hàng hải quốc tế nhận định trên báo Financial Times |
Tháng 3-2005, bốn vụ tấn công chớp nhoáng đã xảy ra tại eo biển Malacca. Ngày 12, tàu chở khí gas MT Tri Samudra của Indonesia bị 35 tên cướp biển được trang bị súng phóng lựu và súng máy đánh cướp. Chúng buộc con tàu phải lái về phía đảo Sumatra trước khi biến mất, bắt theo viên thuyền trưởng người Nhật, người máy trưởng và một thợ máy Philippines làm con tin.
Trước đó, một chiếc tàu kéo của Nhật bị tấn công, ba thủy thủ bị bắt giữ. Tháng 7-2006, một nhóm cướp biển tấn công hai con tàu của Chương trình lương thực thế giới (WFP) trong một khoảng thời gian ngắn khi hai tàu này đi từ Sumatra tới Aceh. Bọn cướp biển lấy sạch tiền nong trên tàu và các vật liệu xây dựng.
Tháng 7-2007, hàng loạt tàu Nhật bị tấn công. Trong một vụ, sáu tên cướp biển đi trên hai canô vây tàu chở hóa chất Shoko Maru. Cầm gậy sắt và dao kiếm, chúng trèo được lên tàu và tấn công vào tận buồng lái. Rất may mắn là thuyền trưởng đã kịp thời báo động các thủy thủ, buộc bọn chúng phải chạy trốn, tuy nhiên chúng cũng kịp lấy đi một số thiết bị máy móc. Một vụ khác, chiếc tàu chở hàng Pacific Discoverer bị bốn thuyền vây quanh, bọn cướp biển xả đạn hàng tràng vào tàu. Bọn chúng chỉ bỏ cuộc khi thủy thủ đoàn bắn pháo sáng cấp cứu.
Một tàu khác của Nhật cũng bị cướp biển có súng áp sát, nhưng thủy thủ đoàn đã chiến đấu thành công khi bắn vòi rồng áp suất cao và chiếu đèn có độ sáng lớn về phía bọn chúng. Dù vậy, chúng vẫn táo tợn truy đuổi con tàu một lúc mới chịu biến mất.
Theo các chuyên gia hàng hải, những vụ tấn công nhắm vào các con tàu chở dầu và hóa chất là cực kỳ đáng lo ngại. Bởi nếu các tàu này bị bắn và bị hư hại, dầu và hóa chất từ tàu có thể đổ ra biển gây nên những thảm họa sinh thái mà hậu quả sẽ kéo dài trong nhiều năm. Giới an ninh lo ngại bọn cực đoan có thể cướp một con tàu dầu, biến nó thành một quả bom nổi và đâm thẳng vào một khu cảng đông đúc như cảng Singapore.
________________________
Trước tình trạng cướp biển hoành hành, các nước quanh eo biển Malacca cũng như tại Somalia, Nigeria đã đạt những thỏa thuận tăng cường tuần tra nhằm chống lại bọn cướp biển.
Kỳ tới: Hợp lực chống cướp biển
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận