Bài viết nhỏ này thật sự đã làm rung động rất nhiều bạn đọc. TTO xin trích đăng:
* Vào những năm 1950, khi tôi học tiểu học, được thầy cô dạy phải giở nón, cúi đầu chào khi gặp đám tang đi qua. Tôi lớn lên cũng làm như thế và thấy mấy anh lính đang gác thì chào theo kiểu nhà binh, anh công chức đang đi xe ngừng lại, giở nón, cúi đầu chào, khi đám tang qua mới tiếp tục đi.
Đó là truyền thống hay để tỏ lòng tôn kính người mất cũng như chia sẻ nỗi buồn với gia đình họ. Bây giờ nếp ấy đã mất, khi gặp đám tang tôi cúi đầu chào, nhiều bạn trẻ cười cho tôi già mà lập dị. Tôi chỉ cười... buồn!
* Lúc tôi còn nhỏ, cách đây khoảng 25 năm, được gia đình đưa cho cuốn sách chỉ khoảng 10 trang nhỏ xíu bằng 1/4 khổ giấy A4.
Trong đó có hình minh họa và chỉ dẫn phép lịch sự trong cuộc sống, có cả việc đi ngang đám tang phải lịch sự bỏ mũ và hơi cúi đầu chào. Nhờ vậy tôi luôn phấn khích làm theo các chỉ dẫn và rồi thành thói quen đến lớn.
Giờ đến lượt tôi muốn tìm cho con tôi những cuốn sách thế này nhưng không thấy nữa.
* Tôi và hai con vẫn cúi đầu chào tiễn biệt mỗi khi ngang qua tang lễ. Có lần, con trai hỏi: “Sao mọi người không cúi đầu như mình và trong sách không dạy điều này?”.
Lúc đó, tôi chỉ có thể giải thích cho con là lúc nhỏ mình được dạy như vậy, đó là đạo đức và bây giờ có lẽ người ta quên dạy. Điều phản cảm nhất là bây giờ không ít người khi đi qua đám tang hoặc xe tang lại có những hành vi không được văn hóa lắm.
Tôi nghĩ môn giáo dục công dân nếu không giáo dục cho học sinh những điều cơ bản nhất về đạo đức, trách nhiệm với cộng đồng và người thân từ lời nói đến cách ứng xử nhỏ nhất thì sự nghiệp trồng người sẽ khó gặt được trái.
* Còn rất nhiều lễ nghĩa, thói quen tốt mà thế hệ trẻ ngày nay ít thấm nhuần và thực hành hơn so với thế hệ cha anh. Ví dụ như những câu “Dạ thưa...”, “Cảm ơn”, “Xin lỗi” khi mở đầu trong câu chuyện giao tiếp với người chưa quen biết trong xã hội. Các bạn trẻ hãy tập xem, một lúc nào đó trở thành thói quen, một phản xạ tự nhiên, các bạn sẽ cảm nhận mình được nhiều hơn mất, được về nhân cách, được về sự tôn trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận