30/05/2021 10:21 GMT+7

Cuốn ngũ sắc mùa Phật đản: Đừng nêm cục bực vào món ăn

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Làm cỗ cúng Phật mỗi dịp rằm, mùng một hay các kỳ trọng lễ Phật đản, Vu lan... nếu dùng món chay chế biến từ sen sẽ tự toát ra tính nghiêm trang tinh tế mọi người đều cảm nhận được.

Cuốn ngũ sắc mùa Phật đản: Đừng nêm cục bực vào món ăn - Ảnh 1.

Món cuốn sen ngũ sắc do nghệ nhân Nguyễn Hồ Tiếu Anh thực hiện - Ảnh: NVCC

Theo bà Hồ Đắc Thiếu Anh, những người phật tử ở Huế xem các món chay chế biến từ sen có ý nghĩa thanh cao hơn cả. Làm cỗ cúng Phật mỗi dịp rằm, mùng một hay các kỳ trọng lễ Phật đản, Vu lan... nếu dùng món chay chế biến từ sen sẽ tự toát ra tính nghiêm trang tinh tế mọi người đều cảm nhận được.

Thật thú vị khi người dân đã sáng tạo ra nhiều món ăn từ sen, xem đó là cách thiết thực nhớ đến hình tượng loài cây "không nhiễm bùn nhơ" như một hạnh nguyện đi vào đời giúp đỡ mọi người của những người tu Phật.

Không chỉ thế, món ăn chế biến từ sen còn có tác dụng trị liệu, có lợi cho sức khỏe vì mỗi bộ phận trong cây sen là một vị thuốc, nguyên liệu này thanh tịnh, tinh sạch và có tác dụng thanh nhiệt cơ thể.

Món sen nhớ Phật

Trong số các món chay dùng sen làm nguyên liệu, món độc đáo và ít người biết phải kể đến cuốn sen ngũ sắc. Độc đáo do lẽ đây chính là món gia truyền của họ Hồ Đắc nhà bà Thiếu Anh, xuất phát từ người mẹ thuần thành chân chất mà tinh tế trong việc chế biến món ăn. "Ngũ sắc là công thức mẹ tôi nghĩ ra.

Có lẽ vì nhà đông con, các món ăn quanh vườn thay đi đổi lại cũng hết, các món sen quen thuộc ăn hoài cũng ngán, nên mẹ nghĩ ra cách làm cuốn sen, vừa thay đổi vị và không ngờ thành một món ăn trang trọng góp vào cỗ chay dâng Phật trong những dịp lễ cúng", bà Thiếu Anh chia sẻ.

Theo đó, ngũ sắc của món này không nhất thiết phải là 5 màu nào cố định, mà tùy vào gia cảnh, mùa vụ hoặc tình hình nguyên vật liệu, người nấu ăn linh động lựa chọn, miễn sao có món củ sen và hột sen làm chủ đạo.

Con số 5 trong cụm từ ngũ sắc cũng gợi nhớ đến sự phối hợp âm dương ngũ hành trong một món ăn, lại có sức gợi đến khái niệm "ngũ thường" mà ông bà xưa hay dạy bảo theo Nho gia, cũng có thể liên tưởng đến "ngũ giới" như một nền tảng căn bản của người tu Phật.

Cuốn chay ngũ sắc thích hợp với mọi nhà, vì khởi đầu từ ý hướng tiết kiệm: ngoài món sen ra, các thức khác có thể tìm ngay tại vườn nhà cũng được.

Bây giờ đời sống khấm khá hơn, nên tùy nhà có thể mua trái nho, cà rốt, nấm đông cô ngâm nước muối xắt lát mỏng, hột sen hấp chín, khoai tây gọt vỏ bào sợi, bắp lột vỏ bào lát mỏng, củ sen gọt vỏ xắt lát mỏng, boa rô xắt lát mỏng băm nhỏ, sữa tươi trộn với bột bắp và bắp bào sanh sánh để nhúng cuốn sen, chuẩn bị cả bột bắp pha với nước ấm làm hồ dán.

Sở dĩ phải chuẩn bị hồ dán là vì nguyên liệu đủ 5 màu sau khi sơ chế sẽ múc vào từng tấm bánh tráng (hoặc ngày nay dùng bánh bía cũng được), dung lượng nhân chiếm 1/3 tấm bánh, gấp chéo 2 mí bánh lại gói thành hình tam giác, dùng hồ bắp dán kín mí.

Phải cẩn thận vì chỉ cần không khéo, miếng bánh tráng bị rách, nhân bên trong hở ra, đến chừng bỏ vào chảo chiên dầu sẽ ngấm vào ruột bánh, mất ngon.

Sau đó nhúng từng chiếc cuốn tam giác ấy vào dung dịch sữa tươi rồi lăn qua bột chiên xù để 2 phút cho bột kết dính. Tiếp theo là đun chảo dầu sôi, cho cuốn sen vào chỉnh lửa vừa phải đến khi thấy vỏ cuốn vàng thì vớt ra giấy thấm dầu.

Có thể chiên riêng một ít lát củ sen và xếp cải mầm vào mâm ăn chung với các loại nước xốt trái cây. Hương vị đa dạng vừa bùi, giòn, ngọt và thơm tho quyến rũ.

Đừng nêm "cục bực" vào thức ăn

Bà Hồ Đắc Thiếu Anh kể: "Mẹ tôi thường dặn, cuộc sống luôn gập ghềnh, đời người hay thay đổi, mình làm người phụ nữ trong gia đình phải giữ chính tâm và vững vàng: từ trong bếp ra ngoài xã hội".

Đem theo câu nói của mẹ vào đời, bà Thiếu Anh nhận ra trong món cuốn sen ngũ sắc kia còn mang cả một triết lý, giản dị thôi nhưng hồi nhỏ lúc theo mẹ học cách gói cuốn, được mẹ cầm tay chỉ việc lại không để ý mấy.

Ngay như việc gói cuốn, không phải gói 1 lần là được, yêu cầu của mẹ là cuốn sen phải thành hình tam giác cân, gọn ghẽ, tạo cảm giác tư thế vững vàng. Trong nhà có 3 chị em gái tham gia gói món này, ai gói để riêng phần nấy cho mẹ duyệt qua.

"Tôi có bà chị gói thường tam giác không cân, đáp lời mẹ rầy chị nói miễn ra hình tam giác là được rồi cần chi phải cân hay không cân. Có lần mẹ nghiêm dạy: không được, như vậy là tâm bất chính", bà Thiếu Anh nhớ lại.

Nhưng quan trọng hơn cả là từ việc chế biến món chay, bà Thiếu Anh được mẹ cắt nghĩa rằng tại sao lại ăn chay ngày rằm mùng một, rằng không cứ gì là phật tử, mọi người ai cũng nên ăn chay một tháng vài ngày tùy duyên tùy hoàn cảnh.

"Như vậy thì cơ thể được thanh sạch, và vào ngày ăn chay đó, mình định làm điều gì sai thì kịp nhận ra hôm nay mình ăn chay nên dừng lại; hoặc định nói câu gì đó nghe không vừa tai, không làm người khác vui vẻ nhưng nhớ ra hôm nay mình ăn chay thì mình dằn lại; có việc đang làm mình nóng tính thì đừng phản ứng mạnh vì hôm đó mình ăn chay...

Khi nấu ăn thì đừng bỏ "cục bực" của mình vào món ăn, vì như vậy là bất công với người thọ hưởng, bởi tại sao lại bắt người ta ăn "cục bực" của mình?

Nấu chay thì thân khẩu ý phải thanh tịnh, thân tâm người nấu thanh tịnh thì người ăn mới thọ hưởng được cái thanh tịnh trong món ăn. Người vô bếp hoan hỷ thì các thành viên trong gia đình mới hoan hỷ. Tôi thật may mắn có người mẹ như vậy và tất cả tôi truyền lại hết cho con gái".

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhấm nháp ốc ruốc mà mê mà ghiền Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhấm nháp ốc ruốc mà mê mà ghiền

TTO - Nhiều người Sài Gòn không biết ốc ruốc là ốc gì, vì loại ốc này không có trong thực đơn ở các quán ốc Sài Gòn. Đơn giản vì đây là thứ ốc không ai bán ngoài quán: quán bị choán chỗ mà tiền bạc thu về chẳng bao nhiêu.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên