Phóng to |
Các bệnh nhân đánh cờ tướng để giải trí |
Cảnh vật vẫn như cũ: vắng lặng, xác xơ đến nao lòng. Chỉ cách thành phố hơn 20km, nhưng ở đây như chẳng có chút xuân về...
30-40% bệnh nhân bị gia đình “bỏ quên”
Tôi theo chân một điều dưỡng vào khu hành chính của BV. Nhìn xung quanh vẫn là những dãy nhà cũ kỹ tồi tàn, vẫn những cống thoát nước không nắp đậy, nặng mùi khó ngửi... Cây cối rụng hết lá, trơ cành khẳng khiu. Trên những chiếc ghế đá, sân và hành lang BV... lố nhố BN đứng, ngồi. Có vài BN nghêu ngao hát.
Có người xách túi, cúi đầu tha thẩn như đang tìm kiếm vật gì. Có BN ngồi bó gối, gục đầu như pho tượng. Và rất nhiều BN khác ngồi ở góc tường, gốc cây... cắm cúi bẻ mì gói nhai lốp rốp. Thấy tôi ngạc nhiên, chị điều dưỡng bảo: “Mì gói của mấy chị làm từ thiện ghé cho BN”. Chúng tôi đến gần khu hành chính, bất ngờ một BN nam xô tới, quơ tay... Chị điều dưỡng nhanh chân né được.Phòng làm việc của bác sĩ (BS) Đặng Văn Bình - phó giám đốc BV Sức khỏe tâm thần TP.HCM, kiêm phụ trách BV Lê Minh Xuân - vẫn thế. Đơn giản vài mét vuông, chiếc tủ hồ sơ, bộ bàn ghế... Trần nhà thấm nước lâu ngày đã mục nhiều chỗ, lộ cả mái. Muỗi cứ vo ve quanh bàn làm việc và thi thoảng những cơn gió từ cửa sổ lùa vào đem theo mùi khai nồng. BS Bình cho biết hiện BV đang điều trị khoảng 230-260 BN.
Đa số BN đều bị bệnh lâu năm nên nhiều gia đình nản lòng, không quan tâm đến con em mình nữa. Khoảng 30-40% BN trong số này bị thân nhân bỏ mặc cho BV lo. Chỉ tội BN, có khi sáu tháng, một năm mới được thân nhân ghé thăm một lần. Có người viện phí cũng không đóng. Thậm chí nhiều BN đã ổn định sức khỏe, BV báo đón về nhưng người nhà vẫn từ chối. Có người còn nói: “Đưa nó về, sao làm ăn được?”. Có BN nhớ nhà quá, mấy lần trốn viện. Thế nhưng người nhà nhất định không cho ở lại mà còn gọi BV lên đón BN về. Không được gia đình thăm nuôi, không cho về nhà, nhiều BN bị tổn thương tâm lý, mặc cảm tủi buồn gia đình bỏ rơi đã bỏ ăn, thậm chí tuyệt thực, có người dọa tự sát, treo cổ... và tái phát bệnh trở lại. Đặc biệt là ngày tết, người nhà lại càng lo sợ BN về lên cơn đập phá đồ đạc, mất vui. Vì thế năm nào số BN ở lại BV ăn tết cũng rất đông. Theo BS Bình, chủ trương của BV là thực hiện điều trị mở, không cách ly BN - trừ những trường hợp quá nặng, gây nguy hiểm cho BN khác. Vào mỗi buổi sáng BN được tập thể dục, ca hát, chơi bóng chuyền, cầu lông. Sau đó điều dưỡng nhắc nhở BN chuyện uống thuốc, ăn ngủ, vệ sinh... Những BN có tiến triển sức khỏe tốt được đưa sang khoa phục hồi chức năng học dệt chiếu, may quần áo, vẽ tranh.
Tôi theo chân điều dưỡng trưởng của BV đến thăm các khoa phòng. Tại phòng vẽ có 5-6 BN đang ngồi cầm bút hí hoáy trên những tờ giấy khổ lớn. Xung quanh phòng dán đầy tranh. Nào tranh đầu lân đang múa, cô gái cưỡi ngựa đánh đàn, voi mẹ voi con, những ngôi nhà xinh xắn và cả cành mai vàng rực những hoa. Một BS bảo: “Ai cũng tưởng người bệnh tâm thần không biết gì. Thật ra bình thường họ rất tình cảm, biết nghe lời BS, điều dưỡng, biết ai đối xử tốt, không tốt với mình...”.
Phóng to |
Dệt chiếu để phục hồi chức năng, khuây khỏa tinh thần |
Các BS, điều dưỡng của BV cho biết công việc ở đây còn không ít khó khăn, thiếu thốn nhiều thứ. Môi trường làm việc thường không an toàn và luôn phải cảnh giác cao độ vì BN tâm thần có thể tấn công bất cứ lúc nào. Điều dưỡng Quốc Anh kể có lần phòng hành chính đang mở cửa, BN bê nguyên một phần tấm đan nắp cống xồng xộc chạy vào đập tan tành màn hình máy tính, may mà nhân viên vi tính không bị sao.
Bản thân anh và nhiều nhân viên khác của BV như điều dưỡng Hường, điều dưỡng trưởng Mỹ Lệ, chị Chính, y sĩ Kim Anh, y tá Bảo, anh Hùng, anh Quyền - nhân viên bảo vệ... đã từng bị BN khi lên cơn tấn công bất ngờ. Có nhân viên bị BN đánh vỡ cả mắt kính, sưng vù mặt hoặc bị bóp cổ suýt chết... Có khi BN đánh nhau, các anh chị phải liều mình lao vào khống chế và bị BN đánh luôn. ]
“Những lúc đó cũng chỉ biết cười thôi...” - các anh chị nói. Nhưng độc hại nhất là môi trường làm việc. Do thường xuyên tiếp xúc với BN tâm thần nên “bộ nhớ” của các nhân viên y tế cũng nhập tâm những hành vi, cử chỉ của họ rồi đi vào tiềm thức lúc nào không hay. Cho đến lúc chính người thân của các anh chị nhận thấy vợ mình, chồng mình cũng có những cử chỉ và lời nói... giống BN. BS Trần Minh Khuyên - phó khoa T4 - nói rằng do cơ sở vật chất của BV xuống cấp, đường sá xa xôi, môi trường làm việc căng thẳng nên nhiều lúc tinh thần cũng “xuống” lắm. Thế nhưng, anh em ở đây ai cũng xác định tư tưởng làm việc vì BN để cố gắng vượt qua khó khăn. Hơn nữa, BN tâm thần rất đáng thương vì họ không ý thức được bệnh tật của mình, luôn thiếu thốn tình cảm người thân, chỉ trông chờ vào BS, điều dưỡng, hộ lý chứ không còn nguồn động viên, an ủi tinh thần nào khác.BS Huỳnh Thanh Hiển - trưởng khoa T3, đã 21 năm gắn bó với nghề - tâm sự: “Ngày bước chân về nhận việc, tôi tự nhủ làm đúng hai năm để được nhận bằng BS rồi sẽ rời khỏi BV ngay. Vậy mà làm vài năm dần dà quen việc, gần gũi với BN và gắn bó với nghề đến tận giờ này”. Anh kể đã vài lần anh có cơ hội chọn lựa công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn nhiều lần ở đây... nhưng không hiểu sao anh vẫn không muốn rời khỏi nơi này. Và các anh chị khác cũng cho biết: “Khó khăn thì nơi nào cũng có, nhưng so với các anh chị công tác ở vùng sâu, vùng xa thì mình còn đỡ hơn nhiều”...“Tôi không hiểu tại sao BS lại có thể làm việc được ở nơi này lâu như thế?” - một thân nhân BN đã hỏi BS Hiển khi đến thăm con mình. Và BS Hiển đã hỏi lại: “Vậy ai sẽ chăm sóc con bác và những BN khác nếu ai cũng muốn đi khỏi nơi này?”. Và bà đã khóc...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận