Đó là triển lãm Màu mưa Huế của ba họa sĩ đến từ Huế: Đặng Mậu Tựu, Phan Thanh Bình, Lê Nhường (tại phòng tranh Phương Mai); triển lãm Cửa của họa sĩ đến từ Đồng Tháp Trần Công Hiến (tại Hội Mỹ thuật TP.HCM); triển lãm Đàn bò một con của họa sĩ trẻ quê Thanh Hóa Nguyễn Thế Dzung (tại Cactus Contemporary Art Gallery); triển lãm Mùa gặt của họa sĩ Hà Nội Nguyễn Văn Cường và triển lãm Nón của họa sĩ người Nha Trang Nguyễn Liêu cùng diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM...
Phóng to |
Tác phẩm Nón của họa sĩ Nguyễn Liêu |
Chọn thời điểm gần kết thúc một năm để tổ chức triển lãm, các họa sĩ như cũng muốn “tổng kết” một năm, một giai đoạn sáng tạo của mình. Nhưng chọn TP.HCM làm nơi triển lãm thì hẳn là một lựa chọn, một sắp xếp trong dự án làm việc của các họa sĩ. Bởi như thường lệ, những phòng tranh quen thuộc ở TP.HCM luôn kín lịch triển lãm, từ đầu năm đến cuối năm.
Lý do mà các họa sĩ đưa ra khi chọn TP.HCM cũng thật dễ hiểu: “Đây là một thành phố lớn, nơi quy tụ nhiều nghệ sĩ có tài, nơi có công chúng nghệ thuật đông đảo...”.
Các họa sĩ phần lớn cũng xuất thân từ Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM, cho nên việc họ giới thiệu triển lãm đầu tiên hay quay trở lại với triển lãm mới nhất thì cũng là tri ân mảnh đất này, chia sẻ với đồng nghiệp. Từ đây, các họa sĩ cũng tìm thị trường tranh cho mình. Chẳng hạn, họa sĩ Nguyễn Văn Cường vốn nổi tiếng với dòng tranh trâu, từng được gallery Nhật Lệ (nằm trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM) đầu tư, thì với triển lãm Mùa gặt vừa rồi là một cuộc ra mắt ấn tượng hơn nữa.
Cũng với đề tài làng quê Bắc bộ nhưng với kỹ thuật vẽ và khắc nổi (trên chất liệu sơn mài tổng hợp) Nguyễn Văn Cường mang lại cho người thưởng lãm một cảm giác mới, thú vị. Trước đó, họa sĩ đến từ Đà Lạt Nguyễn Thái Tuấn với triển lãm Sự thiếu vắng tràn đầy (tại Sàn Art) đã gây xôn xao khi trước giờ khai mạc đã bán hết cả năm bức tranh với giá 12.000 USD/ bức. Ngoài chuyện xôn xao về giá, tranh Nguyễn Thái Tuấn còn gây một cuộc tranh luận trên mạng, khi có nhiều ý kiến cho rằng tranh của ông giống “tranh không đầu” của họa sĩ Liên Trương (hiện định cư tại Mỹ).
Hiện tranh luận vẫn chưa ngã ngũ, nhưng dõi theo Nguyễn Thái Tuấn từ triển lãm “tranh đen” (Black Painting) cũng tại TP.HCM (năm 2008) đến triển lãm lần này thấy “độ chín” của kỹ thuật và sắc màu gây ám ảnh. Họa sĩ Nguyễn Liêu với triển lãm đầu tiên tại Nha Trang (năm 1995) đã được người xem tán thưởng với những bức tranh vẽ nón và bán được một số bức.
Năm 2011 này, Nguyễn Liêu trở lại với dòng tranh nón nhưng vẽ mới hơn, kỹ thuật chắc tay hơn và chọn TP.HCM là nơi để trưng bày. Nguyễn Liêu không giấu “tham vọng” tạo dấu ấn ở thành phố lớn này, nhưng trên hết, theo ông, vẫn là cái tình nghệ sĩ muốn chia sẻ với bạn bè một thuở.
Dẫu biết mang tranh đi xa là vất vả, biết đến TP.HCM (hay Hà Nội) là tốn kém (hầu hết các triển lãm cá nhân đều do nghệ sĩ tự bỏ tiền túi), nhưng các nghệ sĩ vẫn hết mình.
Và việc các nghệ sĩ chọn mang những tác phẩm tâm đắc về TP.HCM mỗi dịp cuối năm cũng là một nếp sinh hoạt nghệ thuật thú vị. Đến phòng tranh chúng ta không chỉ gặp nghệ sĩ và xem tranh, mà còn như trải cảm xúc của mình trên bao phận người, bao phong cảnh, bao sắc màu tâm trạng... Và, rất âm thầm, những cuộc hội ngộ diễn ra và mở ra trong tâm trí mỗi người những không gian nghệ thuật bất tận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận