Có những nhân vật lịch sử mà nhìn vào cuộc đời của họ ta thấy toát lên bản lĩnh sống và trí lực khác thường. Nhà cách mạng Nguyễn Tạo, một nhân vật độc đáo nhưng còn ít được biết đến, là một con người như thế. Thậm chí ông còn được người dân ở một làng biển Thái Bình tôn là thành hoàng của làng.
Phóng to |
Nhà tù Hỏa Lò ngày xưa - Ảnh tư liệu |
Kế hoạch táo bạo
Hỏa Lò là nhà tù khét tiếng Đông Dương được xây dựng quá kiên cố và canh gác cẩn mật đến nỗi tưởng chừng con kiến muốn ra cũng không qua lọt. Từ khi Pháp xây dựng Hỏa Lò vào năm 1896 cho đến lúc ấy chưa hề có một cuộc vượt ngục nào thành công. Khi đã thất bại tù nhân chỉ còn chịu cảnh đầu rơi máu chảy của chế độ tù đày man rợ. Họ đang lên kế hoạch vượt ngục và người khởi xướng là ông Nguyễn Tạo.
Bảy người tù cộng sản tính làm chuyện động trời là Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo, Hào Lịch, Lê Đình Tuyển, Bùi Xuân Mẫn, Nguyễn Trọng Đàm và Võ Duy Cương. Lúc đầu nhóm này định tổ chức thêm các đồng chí của mình là Lê Duẩn, Nguyễn Chí Hiền, Nguyễn Tuấn Thức cùng vượt ngục. Nhưng tình hình bất ngờ thay đổi nên dự định bất thành.
Do địch lo sợ ba người này có thể tổ chức tù chính trị tranh đấu nên đem nhốt Lê Duẩn và Nguyễn Tuấn Thức vào xà lim, còn Nguyễn Chí Hiền thì bị đưa từ nhà thương Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội) về lại Hỏa Lò.
Vậy là bước đầu phương án thứ nhất đã không thể thực hiện. Ba người này đành phải ở lại Hỏa Lò hi vọng vào một thời cơ khác. Nhưng những người tù không chịu bó tay, thua keo này lại bày keo khác. Một kế hoạch táo bạo được vạch ra công phu, từ chuyện phối hợp hành động sao cho nhịp nhàng, cách đưa lưỡi cưa vào để cưa song sắt, lo tấm thẻ thuế thân cho mỗi người và cả chuyện tiền nong sau khi vượt ngục để đi lại, sinh sống bước đầu nếu thoát được ra ngoài.Từng tiểu tiết phải được cân nhắc vì mưu sự lần này hệ trọng liên quan đến sinh mạng con người và ảnh hưởng đến phong trào cách mạng.Tất cả được tính toán kỹ lưỡng để không xảy ra sai sót dù là nhỏ nhất. Nếu cuộc vượt ngục lần này thất bại thì cơ hội lần sau hết sức mong manh. Họ phải thực hiện một nhiệm vụ mà vào thời điểm ấy được cho là bất khả thi.
Thoát hiểm ngoạn mục
Đột nhiên Hỏa Lò có một tù nhân lên cơn như điên như dại, ấy là chính trị phạm Lê Đình Tuyển. Phạm nhân chửi bới, la hét, đập đầu vào tường làm đêm Hỏa Lò vốn im ắng ghê rợn như vỡ tung ra. Lính canh một phen bực tức nhưng rồi để yên vì người tù phát điên ở Hỏa Lò cũng không phải chuyện lạ. Cai ngục theo dõi thấy bệnh tình ngày càng thêm nặng nên cấp giấy đưa sang nhà thương Phủ Doãn điều trị bệnh “loạn thần kinh”.
Dù ở bệnh viện nhưng người tù, nhất là tù chính trị, vẫn bị giam cầm trong phòng kiên cố có song sắt và lính canh cẩn mật đề phòng vượt ngục. Chúng giam riêng ông Tuyển, nhưng đối diện phòng ông lại có một người tên Quỳ bị điên thật. Vậy là hai người điên, một thật, một giả suốt ngày la hét, chửi bới, thậm chí còn ném phân vào nhau. Sợ đêm dài lắm mộng, ảnh hưởng đến kế hoạch vượt ngục khi hai người này ở gần nhau, nên anh em tù xin lính canh cách ly giam ông Tuyển sang phòng khác. Lý do đưa ra là không để hai “anh điên” một nơi gây sự làm ảnh hưởng mọi người xung quanh. Nghe cũng xuôi tai, lính canh chấp thuận. Vậy là thêm một người nữa cũng có triệu chứng bệnh tâm thần là Hào Lịch được đưa sang nhà thương Phủ Doãn.
Lại thêm mấy tù nhân lần lượt phát bệnh mà toàn chứng bệnh hiểm nghèo. Anh em bàn nhau nhịn đói mấy ngày liền, gầy rộc cả người. Khi y tá nhà tù đến khám thấy nhiều người chỉ còn thoi thóp, đau đớn vật vã trông rất nguy kịch.
Bùi Xuân Mẫn và Nguyễn Trọng Đàm còn ho ra máu lẫn cả đờm như thể ho lao, còn Nguyễn Tạo vốn con nhà nòi thầy thuốc bèn trổ tài nín thở, nên khi bắt mạch nghe rất yếu, tim gần như ngừng đập.Thấy vậy, y tá nhà tù liền xin cai ngục đưa họ sang ngay nhà thương Phủ Doãn. Vậy là năm người đã lọt ra khỏi địa ngục trần gian theo đúng như kịch bản vượt ngục.
Nhưng còn hai người vẫn chưa ra khỏi Hỏa Lò. Nguyễn Lương Bằng và Võ Duy Cương lại phải nhịn đói suốt năm ngày mà địch vẫn không ngó ngàng.Thấy vậy, hai người bàn nhau vờ cắt cổ tự tử để phản đối chế độ nhà tù dã man không cho người lâm bệnh nặng đi viện. Tù nhân hét toáng lên báo có người tự tử. Cai ngục và lính canh chạy lại thấy hai người máu me lênh láng phải cho đi điều trị. Vậy là cả bảy người đã có mặt ở nhà thương Phủ Doãn đúng như kế hoạch.
Bước đầu đã thành công nhưng thử thách và hiểm nguy vẫn còn chờ đợi phía trước.
Đêm Giáng sinh lịch sử
Khu biệt giam nhà thương Phủ Doãn.
Ông Lê Đình Tuyển vẫn không thôi la hét đến khản cả cổ họng gần như suốt cả ngày đêm để đóng trọn vai một người điên.
Lúc đầu lính canh còn nghiêng ngó, sau thấy quen đến nỗi chúng cũng lơ là không để ý. Thật ra anh la hét vậy để che giấu tiếng động những bạn tù thay phiên nhau cưa song sắt. Họ cưa ròng rã suốt nhiều ngày như thế. Và anh Tuyển thì cứ tiếp tục giả điên và la hét.
Trong hồi ký Sống để hoạt động xuất bản năm 1960, ông Nguyễn Tạo cho biết: đưa được hai lưỡi cưa sắt nhỏ xíu vào đây cũng đã là một kỳ công. Bà Trịnh Thị Điền - một đồng chí, bạn tù được phóng thích vì không đủ chứng cứ buộc tội - đã làm được một việc quan trọng vì nếu thiếu lưỡi cưa thì cũng bằng không. Bà Điền (nhà đại tư bản yêu nước - như Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá) đã mưu trí thông qua con đường thăm nuôi, khéo léo che mắt kẻ thù, đưa được hai lưỡi cưa vào cho nhóm bảy người tù vượt ngục. Họ đã cưa xong song sắt vào trước đêm 24-12-1932.
Đêm Noel năm 1932, người Pháp tổ chức lễ đón mừng Giáng sinh và năm mới. Việc canh gác có phần lơi lỏng, và đây là thời điểm quyết định của nhóm vượt ngục.
Biết rằng khi phát hiện tù vượt ngục, giặc Pháp sẽ truy lùng ráo riết bằng cả hệ thống cảnh sát, quân đội, nên trước khi thoát họ đã tìm cách đánh lạc hướng bằng một mẩu giấy làm như vô tình để lộ: “Ngoài kia chuẩn bị sẵn sàng, các đồng chí ra có ôtô đưa lên biên giới”.
Họ thoát ra ngoài theo phố Quán Sứ rồi hòa vào dòng người tấp nập đang đi lễ nhà thờ dự lễ Giáng sinh. Họ chia nhau đi nhiều hướng, và tất nhiên không ai lên biên giới.
Khi phát hiện những trọng phạm chính trị đã vượt ngục, Pháp lập tức truy nã gắt gao, cáo thị dán khắp nơi, treo giải thưởng cho những ai chỉ điểm hay bắt được bảy người tù cộng sản.Người nào che giấu tội phạm sẽ bị nghiêm trị. Nhưng các chiến sĩ cách mạng đã được nhân dân đùm bọc, chở che những ngày đầu vượt ngục.
Cuộc vượt ngục táo bạo thành công đã gây chấn động dư luận khắp cả Đông Dương, lan tận sang nước Pháp. Lần đầu tiên chuyện tưởng chừng không thể thực hiện đã xảy ra ở một trong những nhà tù khét tiếng thế giới. Cũng từ đó Nguyễn Tạo từ biệt danh Tạo Rỗ giờ có thêm tên gọi mới: Nguyễn Phủ Doãn, hay gọn hơn: Tạo Doãn.Trong tấm bằng Huân chương Hồ Chí Minh ở nhà ông cũng ghi rõ tặng thưởng cho ông Nguyễn Tạo - Nguyễn Phủ Doãn.
Nhà cách mạng Nguyễn Tạo sinh ngày 11-11-1905 tại xã Thái Yên, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, trong một gia đình nhà Nho yêu nước, làm nghề thuốc đông y. Lúc nhỏ được đặt tên là Nguyễn Trọng Thốc. Năm 1923, thoát ly hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Tạo. Năm 1925, tham gia Việt Nam cách mạng đồng chí hội sau chuyển thành Tân Việt cách mạng Đảng. Năm 1928 là bí thư Kỳ bộ Bắc kỳ Tân Việt cách mạng Đảng sau chuyển thành Tân Việt cộng sản liên đoàn. Năm 1945, làm trưởng ty Công an Nghệ An. Đầu năm 1946, làm ủy viên Quốc gia bảo vệ cuộc Nam bộ (giám đốc Công an Nam bộ). Giữa năm 1946, được điều động ra giữ chức giám đốc Công an Bắc bộ, trưởng ty điệp báo. Năm 1952, là vụ trưởng Vụ Chấp pháp Bộ Công an. Năm 1958 là thứ trưởng Bộ Nông lâm. Năm 1961 là tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (tương đương cấp bộ). Ông là người thành lập Rừng quốc gia Cúc Phương, Viện Nghiên cứu lâm nghiệp và thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam. Năm 1975 ông nghỉ hưu. Ông mất ngày 25-5-1994. |
Kỳ tới: Thành hoàng của làng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận