04/03/2014 07:11 GMT+7

Cuộc trở về đầm ấm

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - Tối 1 và 2-3, nhà hát Bến Thành (TP.HCM) đã không còn chiếc ghế trống nào trong hai suất diễn đầu tiên của chương trình Chút tình gửi lại nhân gian (*) kỷ niệm 64 năm đoàn Thanh Minh Thanh Nga.

Thanh Minh Thanh Nga sống lại...

mg6E3iJW.jpgPhóng to
Hình ảnh Thanh Nga trên màn hình trong một cảnh của vở diễn Tiếng trống Mê Linh - Ảnh: T.T.D.

Ðúng như niềm ấp ủ của những hậu bối còn lại của đoàn, cải lương xưa đã thật sự có một cuộc trở về đầm ấm. Bên ngoài nhà hát treo đầy những tấm hình chân dung cũ của các nghệ sĩ từng gắn bó với đoàn từ thời Thanh Minh Bạc Liêu năm 1950 cho đến thời Thanh Minh Thanh Nga, người còn người mất nhưng tất cả đều như đang tề tựu đông đủ.

Ở vị trí chính giữa trang trọng nhất là nơi trưng bày những kỷ vật một thời của ông Năm Nghĩa và bà bầu Thơ, bộ bàn ghế nơi ông bà thường ngồi, cái máy đánh chữ, cái tráp vàng đựng trầu, mấy cuốn tuồng xưa như Chén cơm đô thành, Thầy cai tổng bồi, Anh hùng trên chiến mã...

Chương trình mở đầu bằng phần ca ngoài màn vốn là truyền thống của các suất diễn Thanh Minh Thanh Nga trước đây, dành cho những diễn viên trẻ của đoàn có cơ hội được khán giả biết đến.

Lần này “diễn viên trẻ” Ðàm Vĩnh Hưng (theo lời giới thiệu của NSƯT Bảo Quốc) đã khiến không ít khán giả bùi ngùi khi hát bài Mưa rừng - ca khúc chủ đề của vở diễn Mưa rừng nổi tiếng của đoàn.

Ở những khoảnh khắc xúc động nhất, nhiều khán giả đã rơi nước mắt khi màn hình mở ra và nữ hoàng sân khấu Thanh Nga đang ở đó, trong dáng dấp của nàng Quỳnh Nga dịu dàng hay nữ chủ tướng Trưng Trắc cương nghị. Cả khán phòng như “bùng nổ” với những tràng pháo tay vang dội khi được xem lại những đoạn diễn xuất không thể thay thế của NSƯT Thanh Nga được các nghệ sĩ hôm nay gửi lại như một niềm trân trọng tuyệt đối.

Rồi khi tấm màn nhung dần mở ra, khán giả lại được một dịp hong lại ký ức khi nhìn thấy những chiếc micrô treo thả từ trên nóc sân khấu xuống sàn diễn, người dẫn chương trình bước ra đọc phần lên màn và bảng phân vai đúng y như cách ngày xưa các sân khấu hay làm.

Dàn nhạc tân và cổ ngồi chỉnh tề ở một góc khán phòng, đệm từng nốt cho khớp với từng hành động trên sân khấu của diễn viên.

Ðến giờ giải lao, mọi người lại một phen bất ngờ thú vị khi những em bé bán hạt dưa, quạt giấy xuất hiện và cất lời rao hòa cùng âm thanh những bản tuồng xưa được phát qua máy cassette.

Bà Trần Thị Thơm, nhà ở quận 8, bảo: “Hồi đó tui đi xem hát cũng hay mua quạt giấy như vầy vì ngày xưa vô rạp đông người nóng nực lắm, làm gì có máy lạnh như bây giờ!”.

Và trong không gian của bao nhiêu hoài niệm đó, chất trữ tình của Bên cầu dệt lụa và chất bi tráng của Tiếng trống Mê Linh càng làm người xem xúc cảm.

Bên cầu dệt lụa mang đến một khung cảnh làng quê giản dị và nên thơ, nơi có câu chuyện tình yêu nhiều nước mắt của Trần Minh và Quỳnh Nga. Nhiều khán giả lẩm nhẩm hát theo các nghệ sĩ những câu hát nằm lòng rồi vỗ tay không ngớt khi họ xuống hò hoặc kết bài.

Còn Tiếng trống Mê Linh thì vang lên trong một không gian sân khấu sang trọng và bi tráng. Từng câu thoại đậm tính văn học được giữ lại đúng với nguyên bản, từng lớp diễn, lớp múa, âm thanh, cảnh trí đều được phục dựng kỹ càng và tỉ mỉ.

Từ những nghệ sĩ gạo cội của một thời cải lương lừng lẫy như Út Bạch Lan, Thanh Sang, Phượng Liên, Hùng Minh, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Hồng Nga, Phương Hồng Thủy, Thanh Hằng, Bảo Quốc, Kiều Mai Lý... cho đến những nghệ sĩ sân khấu tài danh những năm sau này như Hữu Châu, Thành Lộc, Hoài Linh, Vũ Linh, Tú Sương, Trọng Phúc..., ai cũng tung ra những mảng miếng hay nhất của mình để cùng nhau góp sức làm cho cải lương thật chân phương mà vẫn sang trọng, thật gần gũi mà vẫn sâu sắc.

Cảm kích trước cuộc trình diễn của những nghệ sĩ tuổi đã cao, có người đi không còn vững nhưng vẫn cố gắng diễn và hát tròn vai, một khán giả trẻ mộ điệu cải lương bày tỏ sự tiếc nuối: thế hệ vàng của cải lương sẽ không còn nhiều cơ hội để trở lại với sân khấu lớn như thế này, nên thật đáng lo khi chưa thấy nhiều gương mặt, giọng ca trẻ của đời sống cải lương hôm nay đạt độ chín muồi như những bậc tiền bối khi xưa.

Trước đêm diễn, NSƯT Hữu Châu đến sớm khi cả rạp chưa có ai. Anh ngồi đó một mình và ngắm nhìn luồng sáng trời hắt vào từ phía cửa.

Theo luồng sáng đó, bao nhiêu ký ức lại tràn về khi gia đình và dòng họ còn đầy đủ lúc những biến cố chưa xảy ra, anh bảo mình muốn khóc. 36 năm rồi bảng hiệu Thanh Minh Thanh Nga mới được treo trước cửa một rạp hát.

Nhiều khán giả của Thanh Minh Thanh Nga hôm nay đi xem hát đã phải chống gậy, ngồi xe lăn hoặc có người dìu từng bước.

Cũng có rất nhiều khán giả trẻ mê cải lương náo nức đi xem để được sống thử cái cảm giác của một gánh hát lừng lẫy xưa. Khi màn nhung khép lại, người xem bằng hoài niệm cũ hay người xem bằng sự tò mò hiện tại đều tin rằng: cải lương sẽ không thể chết nếu vẫn cứ đẹp và sang như thế...

(*) Chương trình còn diễn thêm hai suất cuối cùng vào ngày 8-3 (vở Tiếng trống Mê Linh) và ngày 9-3 (vở Bên cầu dệt lụa).

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên