25/09/2010 03:53 GMT+7

Cuộc thiên di của loài người - Kỳ cuối: Tương lai nào cho những cuộc thiên di?

KHỔNG LOAN tổng hợp
KHỔNG LOAN tổng hợp

TT - Hiện tượng di dân vì môi trường không phải là hiện tượng mới. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng có thể nó diễn ra từ khi... có loài người. Nhưng quy mô của quá trình di dân tính trong thời gian ngắn như vừa qua và hiện nay là điều chưa từng xảy ra. Nó đặt ra những thách thức không nhỏ đối với thế giới.

EYqmjRF6.jpgPhóng to

Nước lũ phá hủy đường giao thông ở Bangladesh - Ảnh: Bangladesh Times

Kỳ 3: Chiến sự bắt đầu từ khí hậu Kỳ 1: Bỏ rơi sa mạc Kỳ 2: Những thiên đường bị mất Kỳ 4: Xứ sở trầm luân

Đã có những cộng đồng buộc phải di dân và có sự chuẩn bị chủ động, nhưng cũng có những cộng đồng rơi vào thế bị động, không có sự chuẩn bị và phải làm trong tình thế bắt buộc, tức thời, họ chính là những người “tị nạn môi trường”.

Rối về pháp lý, nếu...

Trong một bài viết đăng trên New York Times, Edward Cameron, cựu cố vấn cao cấp cho Chính phủ Maldives, nhận định: “Chúng ta thấy ở thời điểm này biết bao nhiêu người đang phải di chuyển đến nơi mới ở Pakistan”. Lụt lội khiến đất nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm hàng triệu người mất nhà cửa ở bên trong lãnh thổ. Điều gì sẽ xảy ra nếu họ quyết định lũ lượt kéo nhau vượt qua biên giới nước mình? Dĩ nhiên họ sẽ không được bảo vệ theo quy chế người tị nạn của Liên Hiệp Quốc.

Thế giới đưa ra nhiều định nghĩa và nhiều cách hiểu về tị nạn môi trường. Trang web Toward Recognition định nghĩa: Đây là những người phải rời bỏ nhà cửa vì thay đổi môi trường dần dần và những hiện tượng môi trường bất ngờ và cực đoan.

Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã chỉ rõ những người nghèo nhất ở những quốc gia đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu cho dù họ “đóng góp” rất ít (hoặc chẳng đóng góp gì) vào tình trạng ấm dần lên của Trái đất! Hậu quả đối với họ rất lớn vì nó ảnh hưởng tới tình trạng tài chính và cả điều kiện sống vốn đã rất mong manh.

"Ước tính năm 2080 bão lụt sẽ ảnh hưởng tới nhà cửa của 2-8 triệu người ở bờ biển. Hơn 1 tỉ người sẽ thiếu nước uống và 200-600 triệu người sẽ bị nạn đói đe dọa"

Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu

Báo cáo năm 1985 của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc định nghĩa tị nạn môi trường là “những người buộc phải rời môi trường sống truyền thống tạm thời hoặc mãi mãi vì môi trường bị phá hủy (do thiên nhiên hoặc con người gây ra) đã làm cho sự tồn tại của họ gặp nguy hiểm, và/hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của họ”.

Con người chỉ thật sự nhận ra tầm quan trọng của môi trường khi nó không còn tạo điều kiện thuận lợi và an bình cho cuộc sống hằng ngày cũng như đảm bảo một tương lai trước mắt.

Lần đầu tiên trong báo cáo Thảm họa thế giới năm 2001, Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế đã chỉ rõ số người bị mất nhà cửa vì thảm họa môi trường giờ nhiều hơn cả người mất nhà cửa vì chiến tranh. Đại học Liên Hiệp Quốc (United Nations University) ước tính trên thế giới có khoảng 50 triệu người bị mất nhà cửa vì thảm họa môi trường vào năm 2010. Các chuyên gia khác dự báo có khoảng 200 triệu người trên thế giới bị mất nhà cửa vào năm 2050.

Việt Nam: hãy lo trước khi nước tới chân!

Tổ chức Refugee International (Tị nạn quốc tế) tại Washington DC cho rằng để công chúng và các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận các trận lũ ở Pakistan và các thảm họa gần đây là một chỉ số cho thấy biến đổi khí hậu đã xảy ra là cả một thách thức lớn. Các nhà khoa học cũng khó chứng minh một trận bão, hạn hán hay lụt lội là do sự ấm lên của Trái đất, vì còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng tới thời tiết.

Trung tâm Theo dõi tình trạng mất nhà cửa quốc tế và Văn phòng Liên Hiệp Quốc về điều phối các vấn đề nhân đạo cho biết riêng năm 2008, hơn 20 triệu người bị mất nhà cửa vì thiên tai đột ngột, trong đó có 800.000 người của thảm họa bão lụt ở khu vực châu thổ Irrawaddy (Myanmar).

Tị nạn môi trường chính là chỉ thị của sự mất ổn định và là một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột. Trên thế giới, cứ 225 người thì có một người phải tị nạn môi trường.

“Vì vậy, trong khi dữ liệu thời tiết cho thấy số các sự kiện thời tiết cực đoan đã tăng gấp ba lần từ năm 1980 và năm 2010 là năm nóng nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận dữ liệu từ giữa thế kỷ 19, người ta vẫn miễn cưỡng khi thảo luận về các thảm họa gần đây là do biến đổi khí hậu”. Tổ chức Di dân thế giới cho biết có khoảng 170 triệu người di dân ngày nay.

Họ rời bỏ nhà cửa vì các lý do môi trường, chính trị và kinh tế. Nếu họ tập hợp lại thì đây sẽ là nước đông dân thứ sáu trên thế giới và dân số của nước này sẽ tăng trưởng nhanh kinh khủng! IPCC ước tính vào năm 2080, bão lụt sẽ ảnh hưởng tới nhà ở của 2-8 triệu người ở bờ biển. Hơn 1 tỉ người sẽ thiếu nước uống và 200-600 triệu người sẽ bị nạn đói đe dọa.

Trả lời Tuổi Trẻ qua điện thoại, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cho rằng giải quyết vấn đề tị nạn môi trường là trách nhiệm của chính quyền, Nhà nước. Ông cho biết ngay từ những năm 2000, ông đã đưa ra công luận khái niệm “tị nạn môi trường” và cũng đề cập nhiều trong các giáo trình do ông viết. Đến nay, dù nhìn thấy khái niệm đang đi vào thực tế, ông vẫn cho rằng: “Chuyện tị nạn môi trường có liên quan tới trách nhiệm của chính quyền.

Ở Việt Nam đang lẫn lộn giữa các khái niệm tị nạn môi trường, di dân tự do, di dân, tái định cư. Do đó, Nhà nước không cấp kinh phí để nghiên cứu về lĩnh vực tị nạn môi trường”. Ông nhận định ở Việt Nam mới nhắc tới vấn đề này một cách chung chung và cho rằng “nếu không nghiên cứu sẽ không quản lý được khi vấn đề xảy ra”.

Trong khi “không có chuyên gia về tị nạn môi trường”, Việt Nam cũng chưa có chính sách riêng, chương trình nghiên cứu riêng. “Chúng ta cần phải thừa nhận một điều là môi trường suy thoái dẫn tới di cư. Đó chính là tị nạn về môi trường như nhiều nước từng có. Chúng ta cần có chương trình nghiên cứu, quản trị. Nếu không hành động kịp thời, di dân nhiều hơn thì Nhà nước sẽ lúng túng”.

Trao đổi qua email với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Hữu Ninh, chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu giáo dục môi trường và phát triển (CERED), cho rằng Việt Nam chưa có khái niệm về tị nạn môi trường vì hiện nay chưa xảy ra di cư ồ ạt vì môi trường. “Tuy nhiên, thực tế nhiều nơi người dân đã bị ảnh hưởng nặng nề nhưng họ chưa có chỗ mới để chuyển đi”. TS Ninh cũng cảnh báo trong tương lai, Việt Nam sẽ có di dân môi trường do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. “Bất kỳ quốc gia nào, kể cả Việt Nam, đều sẽ phải đối mặt với tình trạng này vì thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu mang tính toàn cầu”.

Đón đọc số tới:

Công trình kỳ vĩ nhất, tồn tại lâu bền nhất của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội chính là hệ thống đê điều viền quanh dòng sông Cái. Dòng sông đã kiến tạo nên nền văn minh lúa nước rực rỡ của người Việt cổ. Những bí ẩn nào liên quan đến đê sông Hồng chưa được kể ra?

KHỔNG LOAN tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên