24/09/2010 07:03 GMT+7

Cuộc thiên di của loài người - Kỳ 4: Xứ sở trầm luân

HIẾU TRUNG tổng hợp
HIẾU TRUNG tổng hợp

TT - Từng người đàn ông trong gia đình anh Gaurpodomando ở làng Harinagar (Bangladesh), ngay sát biên giới Ấn Độ, bỏ đi và không bao giờ trở lại. Đầu tiên là hai người chú từng làm nghề chài lưới.

Hdin4sIW.jpgPhóng to
Lở đất do nước biển dâng cao đe dọa nhiều ngôi làng vùng duyên hải Bangladesh - Ảnh: National Geographic

Kỳ 3: Chiến sự bắt đầu từ khí hậu Kỳ 1: Bỏ rơi sa mạc Kỳ 2: Những thiên đường bị mất

Cứ mỗi năm số cá họ bắt được giảm dần. Thất vọng, họ vượt biên sang Ấn Độ làm công nhân xây dựng. Sau đó, đến lượt hai anh trai Gaurpodomando cũng bỏ nghề sông nước, vào rừng Sundarban kiếm mật ong và đốn gỗ. Rồi họ cũng bỏ sang Ấn Độ. Chỉ còn lại một mình Gaurpodomando vẫn cố trụ lại làng, dù hồi tháng 9-2009 nước lũ đã cuốn trôi ngôi nhà của gia đình.

Đe dọa sự tồn vong

Bị nước lũ, bão tố bủa vây, cuộc sống ở làng Harinagar ngày càng khó khăn. “Tôi cảm thấy rất cô đơn nhưng không muốn sang Ấn Độ”, Gaurpodomando tâm sự. Mỗi ngày anh kiếm được 1,5 USD bằng việc nhặt tôm để nuôi vợ và hai đứa con nhỏ. Họ cùng chen chúc trong bốn bức tường xiêu vẹo từng là phòng bếp của ngôi nhà cũ. Nhưng rồi sẽ có ngày Gaurpodomando và hàng triệu người dân Bangladesh khác sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc rời bỏ quê hương xứ sở.

Theo các chuyên gia Âu - Mỹ, vào giữa thế kỷ 21, hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ biến một phần lớn diện tích châu Phi và châu Á thành những vùng đất khắc nghiệt đối với con người. Nhiệt độ sẽ gia tăng và hạn hán sẽ hoành hành ở những nơi cần nước nhất. Mưa lũ sẽ liên tục đổ xuống ở những vùng vốn đã lụt lội quanh năm. Mực nước biển dâng cao, tình trạng mặn hóa sẽ tấn công nhiều đồng bằng màu mỡ.

Hậu quả là một cuộc đại di cư tầm cỡ chưa từng có trong lịch sử sẽ xảy ra. Các chuyên gia ước tính trong vòng 10 năm nữa, khoảng 207 triệu người dân Mỹ Latin, châu Á và châu Phi sẽ thiếu nước nghiêm trọng. Năm 2050, thêm 130 triệu người châu Á rơi vào cái đói. Vào năm 2100, sản lượng lương thực châu Phi sẽ giảm tới 90%. Đến năm 2050, sẽ có khoảng 250 triệu người, tương đương dân số Mỹ hiện nay, trở thành những người tị nạn môi trường.

Và Bangladesh là điểm nóng đầu tiên. Khoảng 150 triệu người dân Bangladesh sống trong khu vực chật hẹp 142.000km2, cao hơn mực nước biển chưa đầy 6m. Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nước biển dâng cao sẽ tàn phá đất nông nghiệp ở Bangladesh nhiều hơn bất cứ nơi nào trên thế giới.

Nước mặn sẽ thấm vào nguồn nước sạch, phá hủy mùa màng. Vào năm 2050, sản lượng gạo Bangladesh sẽ giảm 10%, sản lượng lúa mì giảm tới 30%. Đến cuối thế kỷ 21, khoảng 1/4 diện tích đất nước sẽ chìm trong nước biển. Trong vòng 50 năm tới, khoảng 20 triệu người Bangladesh sẽ phải rời bỏ nhà cửa, tương đương dân số cả nước Úc. Chính quyền Bangladesh và các tổ chức phi chính phủ ước tính hiện nay khoảng 10 triệu người Bangladesh bị lũ lụt, bão tố hằng năm đe dọa.

Một số nhà nghiên cứu ước tính đến năm 2080, khoảng 51 triệu trên tổng số 97 triệu người Bangladesh đang sống ở các vùng duyên hải sẽ trở thành dân tị nạn môi trường. “Bangladesh hiện đã phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng của nước biển dâng, bao gồm tình trạng mặn hóa và sóng biển lớn - nhà nghiên cứu Mizanur Rahman thuộc Viện Phát triển môi trường quốc tế (Anh) nhận định - Sự tồn vong của dân tộc này đang bị đe dọa”. Theo chính quyền Bangladesh, quốc gia này cần ít nhất 4 tỉ USD trong vòng 15 năm tới để xây đê điều, trung tâm tránh bão, đường sá và các cơ sở hạ tầng khác nhằm giảm thiểu những nguy cơ từ hiện tượng biến đổi khí hậu.

“Một vấn đề vô cùng nghiêm trọng là tìm đâu ra chỗ cho hàng triệu người bị mất nhà cửa” - ông Mohammad Aminul Islam Bhuiyan, lãnh đạo Cơ quan quan hệ kinh tế Bangladesh, cho biết. Ở làng Gabura, phía bắc Bangladesh, cô Amina, 20 tuổi, đã sống với xương đòn bị rạn suốt vài năm qua do một đợt lũ quét kéo sập tường nhà cô, các mảnh tường vỡ đè lên người cô. Amina và chồng không có tiền để chữa trị, nói gì việc di dời đến vùng khác tránh lũ. “Tất cả mọi người ở đây đều rất nghèo - cô cười buồn trước cửa căn nhà xây bằng gạch bùn xiêu vẹo - Chúng tôi chẳng biết đi đâu về đâu”.

Mắc kẹt và mất hết

Trên thực tế, người Bangladesh không ít lần nếm trải mùi vị cay đắng của thiên nhiên. Năm 2007, hai đợt lũ lớn và một cơn bão khổng lồ cướp đi sinh mạng của hơn 4.500 người, phá hủy 1,8 triệu tấn hoa màu và đẩy ít nhất 2 triệu người vào cảnh mất nhà cửa. Cơn bão hồi tháng 4-2010 cũng phá hủy nhà cửa của hàng trăm nghìn người. Mới giữa tháng 9, mưa lũ kéo dài đã buộc 140.000 người bỏ nhà cửa chạy lũ, hơn 40.000ha hoa màu bị phá hủy. Trong khi đó, từ năm 1971 đến nay Bangladesh đã mất 1/3 diện tích đất nông nghiệp do quá trình đô thị hóa, khi dân số tăng vọt từ 75 triệu người lên 150 triệu người.

Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, trốn chạy khỏi các vùng quê lũ lụt, nhiều người dân Bangladesh đổ dồn đến các đô thị lớn và mắc kẹt trong các khu ổ chuột tồi tàn.

Mohammad Ayub Ali, 40 tuổi, rời thị trấn miền trung Sherpur hồi tháng 9-2008 để đến thủ đô Dhaka. Với nghề chạy xích lô, anh kiếm được 15 USD/tháng, sống chen chúc trong một căn nhà ổ chuột với mẹ, vợ và hai đứa con. Vợ chồng Mahe Noor và Nizam Hawladar bỏ quê năm 2007 cũng đến Dhaka. Làm việc trong nhà máy may có mức lương rất thấp, họ chỉ đủ tiền trả tiền nhà và thực phẩm ở khu Korail, một trong những khu ổ chuột lớn nhất Dhaka. Họ muốn tìm một nơi chốn tử tế hơn nhưng không có tiền. “Chúng tôi bị mắc kẹt ở đây” - cô Noor, 25 tuổi, ảo não.

Hiện tại, khoảng 3,5 triệu người Dhaka đang sống trong các khu ổ chuột giống như Ali hay Noor. Hiện dân số Dhaka đã lên đến 12 triệu người, với 400.000 người mới đến hằng năm. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính đến năm 2050, khoảng 50% dân số Bangladesh sẽ chen chúc tại các khu đô thị và một phần lớn sẽ chui vào các khu ổ chuột. “Dân tị nạn môi trường đánh mất tất cả” - chuyên gia Rabab Fatima, đại diện của Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) khu vực Đông Nam Á, nhận định - Họ không có tiền để chuyển đến những nơi đàng hoàng. Họ chuyển từ làng này sang làng khác, rồi đến khu ổ chuột của thành phố”. Nhưng Dhaka sẽ không thể liên tục đón nhận hàng triệu người. “Thành phố sẽ không thể chịu nổi và người dân cũng không chịu nổi” - nhà khoa học Saleemul Huq, thuộc Viện Phát triển môi trường quốc tế, khẳng định.

Theo WB, Bangladesh cần thay đổi tập quán nông nghiệp để tăng cường an ninh lương thực, và trồng rừng trên diện tích lớn ở những khu vực dễ bị lũ lụt tấn công dọc các con sông và ven biển, xây dựng và gia cố đê điều. “Tình hình tị nạn môi trường sẽ trở thành vấn đề cực kỳ nghiêm trọng trong tương lai và chính quyền Bangladesh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết vấn đề này. Chúng tôi hi vọng các nước sẽ giúp đỡ chúng tôi”, chuyên gia Ziaul Haque Mukta, thuộc chi nhánh tổ chức Oxfam International ở Dhaka, kết thúc câu chuyện như vậy.

_______________

Hiện tượng di dân vì môi trường không phải là hiện tượng mới. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng có thể nó diễn ra từ khi... có loài người. Nhưng quy mô của quá trình di dân tính trong thời gian ngắn như vừa qua và hiện nay là điều chưa từng xảy ra... Rồi thế giới sẽ ra sao?

Kỳ tới: Tương lai nào cho những cuộc thiên di?

HIẾU TRUNG tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên