22/09/2010 06:24 GMT+7

Cuộc thiên di của loài người - Kỳ 2: Những thiên đường bị mất

KHỔNG LOAN tổng hợp
KHỔNG LOAN tổng hợp

TT - Stuart Beck, đại diện thường trực cho Palau (quốc gia gồm một cụm đảo ở bắc Thái Bình Dương, phía đông nam Philippines) tại LHQ, từng nói: “Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, chúng ta có thể thật sự chứng kiến nhiều quốc gia biến mất khỏi bề mặt trái đất”. Ông đang nói về Palau và nhiều đảo quốc khác.

3Hdb8j3C.jpgPhóng to

Mực nước biển dâng đã buộc nhiều người dân của đảo quốc Thái Bình Dương Tuvalu phải di dời chỗ ở - Ảnh: www.unhcr.org

Kỳ 1: Bỏ rơi sa mạc

Thời gian đã hết

Cộng hòa Vanuatu là đảo quốc gồm 83 quần đảo vùng Melanesia, tây nam Thái Bình Dương, cách Úc gần 2.000km.

Giành được độc lập vào năm 1980 từ Pháp và Anh, 2/3 dân số làm nông nghiệp nhỏ, ngoài ra là làm dịch vụ tài chính biển, du lịch. Năm 2008, nơi đây đón gần 200.000 du khách tới thăm (dân số của Vanuatu cũng tương đương).

Vanuatu có diện tích 860.000km2, là nơi ở của khoảng 215.000 người, trong đó 25% sống ở những triền đất hẹp bờ biển chiếm 5% diện tích đất. Chính vì vậy, thay đổi về mực nước biển sẽ rất dễ ảnh hưởng tới họ.

Năm 2005, một cộng đồng nhỏ ở Lateu đã trở thành một trong những cộng đồng đầu tiên phải di dời vì biến đổi khí hậu.

Chính phủ Maldives tổ chức họp nội các dưới biển. Họ mặc đồ lặn và ra dấu bằng tay, ngồi vào những chiếc ghế đặc biệt và họp trong 12 phút. Đó là một nỗ lực “vật vã” vì sự sinh tồn của đất nước.

Còn thời gian cho các đảo quốc đối phó hay không? Theo quan điểm của Tổng thống Remengesau của Palau: “Thời gian không phải sẽ hết, mà nó hết rồi. Con đường của chúng tôi có thể chính là cánh cửa sổ cho tương lai các bạn và tương lai hành tinh chúng ta”.

Tổ chức CARE International đưa ra nhận định: “Không giống như một số người bị mất nhà cửa vì xung đột hay bị ngược đãi có hi vọng một ngày nào đó sẽ được trở về nhà. Những người bị ảnh hưởng kinh niên từ thay đổi khí hậu sẽ cần được tái định cư mãi mãi”.

“Chúng tôi chỉ còn cách mực nước biển 1,5m và bất kỳ cái gì khiến mực nước biển tăng lên cao hơn cũng có thể xóa sổ Maldives, vì vậy chúng tôi bị ảnh hưởng sớm nhất nên phải lên tiếng nói” - Tổng thống Nasheed của Maldives trong phỏng vấn với Quỹ Công bằng môi trường (EJF) đã nói như vậy.

Quần đảo Maldives là chuỗi gồm 1.200 hòn đảo san hô, nơi ở của 300.000 cư dân. Hơn 80% diện tích cao chưa tới 1m so với mực nước biển và điểm cao nhất chỉ cao hơn mực nước biển 2,4m. Hơn 40% tổng dân số, 70% hạ tầng sản xuất hải sản, 80% nhà máy điện và 99% nhà ở cho du khách nằm ở vòng 100m bờ biển.

Cộng hòa Maldives gồm nhóm các đảo san hô tại Ấn Độ Dương, là quốc gia nhỏ nhất châu Á về dân số và là quốc gia Hồi giáo đa số nhỏ nhất thế giới. Chính quyền Maldives đã xem xét khả năng mua đất để tái định cư dân chúng.

Năm 2008, Tổng thống Nasheed công bố kế hoạch tạo ra một khoản quỹ có từ du lịch dùng mua đất ở các nước như Ấn Độ và Sri Lanka. Dù có khả thi hay không, kế hoạch cũng giúp mọi người trên thế giới thấy rõ được tương lai của những người tị nạn khí hậu.

Năm 2009, Chính phủ Maldives đã có một bước đi gây ấn tượng khi công bố nước mình sẽ trở thành nước không thải khí carbon - neutral đầu tiên trên thế giới, chuyển đổi từ sử dụng dầu khí sang các sản phẩm năng lượng tái tạo 100% vào năm 2020.

Một trong những mối đe dọa lớn nhất của các đảo quốc nhỏ đang phát triển (SIDs) - nơi sinh sống của 6 triệu người - chính là sự tồn tại tính độc đáo của các loài (có những loài chỉ sống duy nhất ở khu vực này) và những nền văn hóa độc đáo. SIDs biến mất tức là loài người sẽ vĩnh viễn mất đi những giá trị đó.

Dù đang vác gánh nặng ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, SIDs lại là nơi phát ra khí thải nhà kính ít nhất. Chỉ cần mực nước biển tăng lên chút ít cũng đủ gây thảm họa.

Thực tế tại các hòn đảo ở Caribê và Thái Bình Dương, hơn 50% dân số sống cách bờ biển 1,5km. Tất cả sân bay quốc tế, đường sá, thủ đô ở các hòn đảo nhỏ ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và vùng Caribê ở ngay cạnh bờ biển hoặc trên những hòn đảo san hô nhỏ.

“Quốc gia bị chết đuối”

Nếu bị chìm xuống dưới biển, một nước vẫn là một quốc gia? Đó là tiêu đề bài viết ngày 23-8-2010 của Friedman, Lisa trên trang ClimateWire.

Nước biển dâng đã đặt ra những vấn đề về pháp lý chưa từng có trong lịch sử đối với chủ quyền và sự tồn tại của các đảo quốc nhỏ và láng giềng của họ. Nước bị chìm vẫn có ghế ở LHQ? Ai sẽ kiểm soát quyền sở hữu khoáng sản ngoài khơi của họ? Đường thủy? Hải sản?

Và nếu như toàn bộ dân số buộc phải di dời như Maldives và nhiều đảo quốc khác, người dân sẽ nhận quốc tịch nào? Cho đến nay các vấn đề về toàn vẹn lãnh thổ, quyền con người vẫn là vấn đề nóng bỏng trong các cuộc thảo luận của các học giả và luật sư.

Trong khi đó, Cộng hòa quần đảo Marshall, một quốc gia vùng Micronesia, đã phải kêu gọi người dân cùng đồng lòng lên tiếng để thế giới biết tới hoàn cảnh vô cùng khó khăn của họ.

“Tại các phiên thảo luận thương lượng về biến đổi khí hậu, chẳng ai thật sự đề cập tới những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với quyền con người và vấn đề pháp lý - Phillip Muller, đại sứ của quần đảo Marshall tại LHQ, nói. Nếu nước tôi biến mất, chúng tôi vẫn còn quyền sở hữu các nguồn tài nguyên biển của mình không? Chúng tôi có phải xin phép mới được câu cá không? Chúng tôi có quyền gì? Rồi chúng tôi cũng phải chuẩn bị để di dời. Chẳng ai muốn nhưng chúng tôi cũng phải sẵn sàng cho việc đó. Có rất nhiều vấn đề chúng tôi cần được trả lời và có thể thông báo cho người dân chúng tôi chuyện gì đang thật sự diễn ra”.

Không có câu trả lời, các lãnh đạo của quần đảo Marshall đã liên hệ với Trường đại học Luật Columbia. Michael Gerrard, giám đốc Trung tâm luật về biến đổi khí hậu của trường, đã nhận trách nhiệm tìm hiểu và tư vấn. Năm 2011, ông sẽ tổ chức một hội nghị với sự tài trợ của Viện Trái đất - Đại học Columbia.

Thực tế ông nhận thấy các đảo quốc nhỏ đã không được học giả quan tâm nghiên cứu đầy đủ. Cho tới gần đây, những nhận biết về sự tồn tại của những nơi này chủ yếu chỉ là lý thuyết.

“Viễn cảnh một quốc gia bị chết đuối thật khủng khiếp, khó mà tưởng tượng nổi” - ông Gerrard nói. Tuy nhiên, điều khá hơn hiện nay là người ta đã có thể thảo luận trong cộng đồng quốc tế về việc các quốc gia có thể thích nghi như thế nào về biến đổi khí hậu, khác hơn nhiều so với vài năm trước.

Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) ước tính khi mực nước biển dâng, xâm nhập mặn nhiều hơn, xói mòn bờ biển xảy ra, khoảng 20 triệu dân sẽ phải di cư vào năm 2050.

Với Papua Xích đạo, đất nước này sẽ nằm dưới nước vào năm năm tới. Kế hoạch đã được thông báo tới LHQ là chuyển khoảng 2.000 dân trên đảo tới hòn đảo Bougainville cách đó 4 giờ đi tàu.

---------------------------------------

Ngoài việc chìm trôi của các đảo thì trên sa mạc lượng mưa giảm, đất nuôi trồng thu hẹp..., nguồn gốc tranh chấp giữa các bộ tộc bắt đầu. Trong năm năm qua, ở một quốc gia đã có hơn 400.000 người bị giết...

Kỳ tới:Chiến sự bắt đầu từ khí hậu

KHỔNG LOAN tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên