23/11/2015 12:45 GMT+7

​Cuộc sống ngắn ngủi. Đừng phán xét. Vui vẻ đi thôi

TRẦN QUỐC KHÁNH
TRẦN QUỐC KHÁNH

TTO - “Tôi thiết nghĩ cuộc đời này chúng ta nên có thêm khả năng tự trào bản thân một chút thì nó sẽ thú vị hơn. Quan trọng là xác định ngay từ đầu về cách tiếp cận vấn đề. Chứ một show truyền hình nghiêm túc mà xúc phạm tôi hoặc sai sự thật thì tôi cũng xách chiếu theo mà kiện cho ra trò!”

Talkshow "Những kẻ lắm lời" tập 22 "tám chuyện" về cách ăn mặc của nghệ sĩ.

Bài viết của MC Trần Quốc Khánh (nhà sản xuất nội dung/dẫn chương trình cho các kênh truyền hình như HTV9, VTV9 và FBNC) trên mạng xã hội nhận trên 5.000 lượt Likes, trên 500 lượt share lại và 300 comments (bình luận) xung quanh thể loại satire show (chương trình mang tính chất châm biếm, đùa cợt) ở phương Tây liệu có đất sống tại Việt Nam. Tựa bài và tít nhỏ do Tuổi Trẻ Online đặt.

Không tám chuyện, thị phi thì... đâu là showbiz?

BIT - Bitches in Town (tên tiếng Anh của chương trình “Những kẻ lắm lời”) là dạng show tám chuyện, buôn dưa lê, bỡn cợt… về giới showbiz và những vấn đề hot trên mạng xã hội. Nghe cái định nghĩa là bạn có thể hình dung show nó như thế nào rồi.

Những câu bình phẩm về cách ăn mặc của người này người kia thì cũng có thể xuất hiện ở cửa miệng của tất cả mọi người chúng ta trong đời sống hàng ngày, từ cà phê lê la quán cóc cho đến không gian công sở sang trọng. Nó là đời, nó là thực.

Khi bạn bình phẩm, tám về ai đó trong giới showbiz thì thật sự bạn có ý xúc phạm họ không? Tui nghĩ là không, chỉ là cho vui, cho có chuyện để tám (mà nói vui là giới showbiz nếu không có tám chuyện, thị phi thì… còn gì là showbiz?).

Cho nên một kiểu show như BIT thì hãy xác định ngay từ đầu là “don’t take it too seriously” - đừng tiếp nhận nó một cách quá nghiêm túc. 

Hơn nữa, đây là thể loại show trên nền tảng Youtube chứ không phải kênh truyền hình chính thống ở Việt Nam nên mắc gì nâng cao quan điểm về thuần phong mỹ tục? Nếu không thích thì đừng xem, thế thôi. Một show như BIT thì sẽ luôn có superfan (khán giả rất hâm mộ) và super antifan (khán giả cực lực chống đối). Chuyện rất là bình thường.

Khẩu vị về tính giải trí, hài hước của mỗi người chúng ta là vô chừng và cảm tính. Và khẩu vị đó cũng chẳng thể phản ánh chính xác được điều gì về con người chúng ta cả. Cho nên khi đã xác định đây là một show giải trí, đùa cợt, "buôn dưa lê" thì cũng không nên đạo đức hoá và nâng tầm quan điểm một cách thái quá.

Nếu bạn cảm thấy khó chịu, không thích thì đừng xem. Thế thôi. Một thể loại nội dung nào cũng vậy, nếu nó vẫn có khán giả thì nó vẫn sống. Và nó cũng chỉ cần phục vụ thật tốt lượng khán giả của nó thôi. 

Phương Tây làm show châm biếm, đùa cợt ra sao?

Ở Mỹ có một thể loại show gọi là satire show, tức là chương trình mang tính chất châm biếm, trào phúng, đùa cợt.

Nổi tiếng nhất có lẽ là The Daily Show của Jon Stewart, và mới đây Jon nghỉ thì thay bằng Trevor Noah. Dù là thể loại châm biếm, hài hước, phát trên kênh Comedy Central, nhưng show của Stewart được khán giả rất mê, bởi nó thực, nó thẳng, nó đụng chạm những vấn đề mà mainstream media (truyền thông chính thống) như CNN không thể làm được.

Nó giúp mang lại cho khán giả một cái nhìn đa chiều, và tiếp cận vấn đề theo cái cách mỉa mai châm biếm, cười vui nhưng thấm, đôi khi lột tả trần trụi sự thật, điều mà báo chính chính thống ở Mỹ hiện nay nhiều lúc vẫn rất thiếu.

Jon Stewart trong The Daily Show. Ảnh: The Guardian

Stewart còn giúp đào tạo nên một tài năng mới, đó là Jon Oliver, người Host (chủ xị chương trình) tách ra làm một show riêng trên HBO và cũng ăn khách không kém The Daily Show.

Oliver từng gây bão cho giới truyền thông Mỹ bởi show phỏng vấn Edward Snowden, người tiết lộ bí mật CIA của Mỹ và tị nạn tại Nga. Tuy là show hài hước châm biếm, nhưng tác phẩm đó của Oliver được nhiều người đánh giá hơn hẳn các sản phẩm báo chí chính thống trước đó về Snowden!

Vì Oliver làm nó “quá thực và quá đời”. Ông tiếp cận vấn đề chính phủ Mỹ thu thập thông tin cá nhân bằng việc hỏi Snowden về dick-pic program (những tấm ảnh người dân tự sướng chụp của quý hay cảnh sex của mình) cũng bị lôi ra và thu thập bởi chính phủ. Rồi phỏng vấn những người rất bình thường bên ngoài về việc vì sao họ thích chụp ảnh "tự sướng" khoe thân…

Nói vậy để thấy, một show thể loại satire - châm biếm sẽ có khán giả riêng của nó, và tất cả những việc nó làm là thoã mản khán giả của riêng mình một cách tốt nhất. 

Tất nhiên, so sánh BIT - Những kẻ lắm lời với The Daily Show hay Last Week Tonight là khập khiểng bởi Stewart và Oliver châm biếm nhiều về các chủ đề chính trị còn BIT thì đùa cợt về showbiz. Nhưng có một điểm chung, đó là nội dung phản án chân thực những thứ rất đời mà khó tìm thấy trên kênh truyền thông chính thống.

Và nó sẽ có lượng khán giả riêng! Nếu bạn không thích nó, cũng không sao cả.

Jon Oliver phỏng vấn Edward Snowden trong show của mình. Ảnh: HBO

BIT có thể thoã mãn một số thực khách

Và vì lý do đó, BIT - “Những kẻ lắm lời” có thể là người tiên phong trong việc mang đến một món ăn lạ cho khán giả Việt Nam. Món ăn đó có thể không dành cho số đông, nhưng nó có thể thoã mãn một số thực khách đang thèm khát nó.

Trong nhà hàng thì có khách thích món này, có khách thích món kia. Không nhất thiết hai loại khách này phải chỉ trích nhau và làm nghiêm trọng hoá vấn đề.

Có người nói, cái gì ở nước ngoài thì chưa chắc áp dụng được ở Việt Nam. Đúng vậy. Show kiểu này là một sản phẩm văn hoá. Và khi du nhập một sản phẩm văn hoá mới, nó sẽ gia tăng thêm một món ăn trên menu (thực đơn) vậy thôi.

Một món ăn mới thì tất nhiên cần thời gian để thực khách đón nhận và hoàn thiện. Và đó là cái Thuỳ Minh và ekip cần khắc phục ở những chỗ kém duyên, kém dí dỏm, thiếu fact-check (kiểm tra xác thực) nội dung trước khi bình luận, thiếu cân nhắc thời điểm nhạy cảm của một số vấn đề…

Tôi không phải là khán giả thường xuyên của BIT, nhưng tôi ủng hộ cách tiếp cận này và hy vọng nó sẽ là cầu nối dẫn đến sự xuất hiện của thể loại satire show sau này tại Việt Nam, một thể loại tôi tin sẽ có đối tượng khán giả riêng nếu làm được đúng chất.

Đừng nói không thể làm kiểu satire ở Việt Nam. Quan trọng là làm sao cho dí dỏm, thông minh để khán giả thích. 

Tất nhiên, một show như thế cần một ekip script writer (viết kịch bản) rất khủng sau lưng, không chỉ là tài năng của người Host.

Còn khán giả, “please don’t take it too seriously”. Nếu bạn không thích, bạn đừng có click vào xem. Đừng phán xét. Cuộc sống này ngắn ngủi, vui vẻ đi thôi.

Tốt nghiệp Cử nhân ĐH Southern Illinois và Thạc sĩ Quản Trị Kinh Doanh ĐH La Salle (Hoa Kỳ), Trần Quốc Khánh sáng lập Kat Media, công ty truyền thông chuyên sản xuất các sản phẩm video phục vụ doanh nghiệp và các nội dung truyền hình trên nền tảng Youtube. Anh còn là đồng sáng lập/sản xuất/dẫn chương trình 2 talk-show trên kênh truyền hình kinh tế tài chính FBNC (www.fbnc.vn, thuộc hệ thống truyền hình cáp HTVC): “Tôi và Việt Nam - Vietnam & Me” và “Đồng Tiền Thông Minh - Smart Money”.

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả. Bạn đọc có thể để lại ý kiến và quan điểm của mình ở phần BÌNH LUẬN bên dưới.

TRẦN QUỐC KHÁNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên