05/07/2015 11:23 GMT+7

​Cuộc sống khủng khiếp dưới chế độ IS

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TTO - 80 roi vì tội uống rượu. Ăn cắp bị chặt tay. Trộm cướp sẽ bị đóng đinh thập giá. Những cuộc hành hình diễn ra hằng ngày.

Những người phụ nữ Yazidi trốn thoát vòng vây của IS ở Iraq - Ảnh: National Post

Đó là cuộc sống khủng khiếp, tràn ngập sự sợ hãi dưới chế độ Nhà nước Hồi giáo (IS).

Hồi cuối tháng 6, thế giới thêm một lần chấn động với những hình ảnh quay cảnh phiến quân IS hành hình 16 người đàn ông: bốn người bị nhốt trong một chiếc xe hơi và bị giết bằng một khẩu súng phóng lựu, bảy người bị quấn chất nổ quanh cổ, chết tan xác và năm người bị nhốt trong một chiếc lồng sắt, dìm xuống nước.

Cả thế giới biết đến những hình ảnh này đơn giản bởi những tên đao phủ của IS muốn quay phim cảnh hành quyết tù nhân. Và sự khủng khiếp, tàn bạo đã trở thành một phần trong cuộc sống thường ngày ở các thành phố IS cai trị tại Iraq và Syria.

Tạp chí Đức Der Spiegel đã liên lạc được với một số người sống ở Mosul (Iraq) và Raqqa (Syria), nơi IS cai trị bằng bàn tay sắt. Dù các đường dây điện thoại đã bị cắt đứt, nhưng những nhân chứng này vẫn có thể liên lạc với thế giới bên ngoài một cách bí mật bằng điện thoại di động, phần mềm Skype hay tin nhắn.

Điều quan trọng là những người này bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng để tìm cách tố cáo những tội ác của IS. Một số viết nhật ký hằng ngày, quay video, chụp ảnh, gửi tin nhắn… và cung cấp cho Der Spiegel.

Nỗi sợ hãi thường trực ở Mosul

Khi lực lượng IS tiến vào thành phố Mosul ở Iraq, rất nhiều người dân địa phương đã chào đón chúng vì nghĩ rằng IS sẽ đem lại trật tự cho thành phố này. Ông Ibrahim Aziz, một người dân Mosul, cũng có cùng quan điểm đó. Gia đình ông Aziz đã quá ngán ngẩm cảnh chiến tranh và xung đột.

Tuy nhiên, sau một năm sống dưới chế độ IS, niềm tin của ông Aziz đã sụp đổ hoàn toàn. Sự hỗn loạn không còn thống trị đường phố Mosul, thay vào đó là sự sợ hãi thường trực. “Tôi luôn tự hỏi mình phải nói gì, phải tin ai” - Aziz kể.

IS đề ra những quy định hết sức ngặt nghèo ở Mosul. Chúng cấm hút thuốc, uống rượu, gel vuốt tóc, hình ảnh in trên áo thun… Đàn ông không được phép cạo râu, phụ nữ phải mặc đồ Hồi giáo truyền thống kín mít từ đầu đến chân, ngoại trừ đôi mắt. Âm nhạc bị cấm tiệt.

Phát biểu ủng hộ dân chủ là điều tối kỵ. Người dân Mosul không được phép đối xử với người Shiite hay người Yazidi như con người. Bởi IS khẳng định rằng càng ít người Shiite và Yazidi tồn tại trên thế giới thì càng tốt. Người Thiên Chúa giáo và Do Thái phải cải đạo hoặc nộp tiền bảo kê để được sống sót.

Bất cứ ai không tuân lệnh đều bị xử tử. Mỗi khi có những vụ xử tử trên đường phố, người dân Mosul phải hoan hô những tên đao phủ. Chứng kiến các thi thể không đầu nằm trên phố, họ phải hô vang những lời ca ngợi Thượng đế.

Xử tử hằng ngày

Các vụ tử hình diễn ra hằng ngày tại Mosul hay Raqqa. Ở thành phố Mosul, phiến quân IS tử hình tù nhân tại các quảng trường, công viên, trên đường phố. Các nhân chứng mô tả những cuộc hành hình này giống như chuyện thường ngày.

Thông thường, tên đao phủ và những kẻ hỗ trợ chở nạn nhân bằng xe tải đến nơi hành hình. Khi xe dừng lại, đao phủ bước ra, cầm theo một cây kiếm. Một kẻ hỗ trợ vác theo loa. Nạn nhân bị ép quỳ xuống, bản án được công bố qua loa và tên đao phủ nhanh chóng vung kiếm chặt đầu nạn nhân.

Ông Aziz cho biết khi ra đường, ông luôn tránh các quảng trường lớn để không phải chứng kiến cảnh tượng tàn bạo này. Tuy nhiên đây là điều không hề dễ dàng. Bởi ngoài các quảng trường lớn, IS còn hành hình tù nhân ở nhiều nơi khác.

Tại tỉnh Aleppo ở Syria, IS đề ra các mức trừng phạt cực kỳ hà khắc. Tội báng bổ đạo Hồi và nhà tiên tri Mohammed: tử hình. Tội đồng tính: tử hình. Tội do thám: tử hình. Tội từ bỏ đạo Hồi: tử hình. Tội ăn trộm: chặt tay. Tội uống rượu: 80 roi. Tội giết người cướp của: tử hình. Nếu chỉ cướp của thì bị chặt tay phải và chân trái.

Ngoài ra, lực lượng “cảnh sát đạo đức” của IS thường xuyên tuần tra trên đường phố các thành phố để kiểm tra xem đàn ông có để râu không, phụ nữ có ăn mặc kín đáo không, các cửa hiệu có đóng cửa trong giờ cầu nguyện không… Bất cứ ai muốn rời Mosul, dù chỉ là tạm thời, cũng phải cầm cố nhà hoặc xe.

Chợ nô lệ

Những người phụ nữ gốc Yazidi là đối tượng bị hành hạ tàn bạo nhất dưới chế độ IS ở Mosul hoặc các thành phố khác. Sau khi tấn công núi Sinjar, IS bắt giữ hàng nghìn phụ nữ Yazidi và đưa về Mosul. Các nhân chứng cho biết IS biến một khu ở Mosul thành chợ nô lệ để bày bán các cô gái người Yazidi.

“Những cô gái nhỏ tuổi bị bán đi nhanh nhất” - cô Havin Ali, mới ngoài 20 tuổi, hiện đã trốn thoát khỏi Mosul, kể. Một số gã đàn ông mua cùng lúc rất nhiều cô gái.

Có hai kẻ mua tới 80 cô gái và đưa họ lên xe buýt chở đi. Có tin họ bị đưa đến một vùng ở Syria để làm nô lệ tình dục cho các tay súng IS. Havin bị một người đàn ông lớn tuổi mua để làm quà cho con trai. Trước đám cưới, cô đã kịp trốn thoát lúc nửa đêm.

 

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên