17/12/2019 11:45 GMT+7

Cuộc đời dang dở của các nạn nhân bị ấu dâm

MI LY
MI LY

TTO - Nạn nhân của hành vi ấu dâm hầu như chỉ được truyền thông quan tâm về nhân thân, quá trình hứng chịu tội ác. Còn câu hỏi "Toàn bộ cuộc đời sau đó của họ đi về đâu và ai chịu trách nhiệm về nó?" dường như không còn nằm trong dòng tin nóng nữa.

Cuộc đời dang dở của các nạn nhân bị ấu dâm - Ảnh 1.

Cảnh trong phim By the Grace of God - Ảnh: MANDARIN/CJ

Kẻ thủ ác có thể bị công luận bêu riếu và chịu án tù cho hành vi của chúng, nhưng nạn nhân bị lạm dụng tình dục phải cô độc đối diện cuộc đời đằng đẵng phía trước khi tâm hồn đã vụn vỡ.

1. By the Grace of God (Ơn Chúa) kể về ba nạn nhân khi họ đã trở thành những người đàn ông. Mỗi người đều phải đối mặt với những cơn ác mộng dở dang của tuổi trưởng thành.

By the Grace of God, bộ phim đoạt giải thưởng lớn của ban giám khảo (Jury Grand Prix - tương đương Gấu Bạc) tại Liên hoan phim Berlin năm nay, đi sâu vào góc khuất đó.

By the Grace of God Trailer (English Subs)

Alexandre (Melvil Poupaud đóng), François (Denis Ménochet) và Emmanuel (Swann Arlaud) là 3 nạn nhân của linh mục Bernard Preynat tại nhà thờ Lyon, Pháp.

Đây là câu chuyện có thật, xảy ra trong suốt 20 năm vào thập niên 1970 và 1980. Ngoài đời, đến tận tháng 7-2019, Bernard Preynat mới bị kết tội lạm dụng hàng chục trẻ em, trong đó 2/3 là nam giới.

Đến khi câu chuyện được đưa ra ánh sáng, các nạn nhân của Preynat hầu hết đã trên 50 tuổi. Chú ý chi tiết này, François Ozon, vị đạo diễn tài danh của điện ảnh Pháp, đã xoáy sâu vào 3 nạn nhân trong số đó - Alexandre, François và Emmanuel - và đưa cuộc đời họ lên màn ảnh qua By the Grace of God.

By the Grace of God, tiêu đề đầy trớ trêu của phim, đến từ câu nói có thật của hồng y Philippe Barbarin, kẻ cấp trên thụ án tù treo 6 tháng vì bao che cho Preynat.

Trong buổi họp báo về vụ việc, Barbarin khiến truyền thông phẫn nộ khi nói: "Phần lớn các trường hợp, ơn Chúa, là không thể thừa nhận được". Báo chí đã chất vấn hồng y Barbarin: "Ơn Chúa là từ chỉ sự may mắn, tốt lành, nhưng ông lại dùng nó khi nói về tội ác bị che đậy vì đã xảy ra cách đây quá lâu".

Cuộc đời dang dở của các nạn nhân bị ấu dâm - Ảnh 3.

Cụm từ "ơn Chúa" nghe lạc lõng vô cùng khi đặt cạnh nhiều cuộc đời bị hủy hoại vì tội ác ấu dâm. Alexandre, François và Emmanuel là những nạn nhân rất dũng cảm vì sau bao nhiêu năm sống "yên ổn" trong mắt xã hội, họ vẫn sẵn sàng đấu tranh.

Họ làm thế vì thế hệ trẻ em tương lai, khi chứng kiến Preynat đường hoàng trở lại làm việc ở nhà thờ Lyon và lại dễ dàng tiếp cận những đứa bé. Hoặc nếu không phải là Preynat thì sẽ là một gã ấu dâm nào đó khác, chúng sẽ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật vì tội ác không bị trừng trị thích đáng.

Để đưa tội ác ra ánh sáng, các nạn nhân phải chấp nhận phơi bày cuộc đời mình một lần nữa. Nhưng bộ phim của đạo diễn François Ozon còn khai phá được một góc khuất rất tinh tế khác. Đó là mâu thuẫn ngay trong chính gia đình của các nạn nhân. Họ bị người thân trách móc vì nói lên sự thật bị cho là "nhục nhã" ấy.

Cuộc đời dang dở của các nạn nhân bị ấu dâm - Ảnh 4.

Poster phim Silenced

2. Gần đây, ở Việt Nam, nghi án dâm ô của Nguyễn Tiến Dũng (nhân viên một trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM) với nhiều trẻ em gái bị phanh phui.

Trong vụ việc, cần kể đến vai trò quan trọng của phụ huynh nạn nhân khi họ trình báo công an và làm cầu nối cho báo chí phỏng vấn con em mình. Nhưng bên cạnh đó, báo chí cũng đặt nghi vấn về sự chậm trễ trong xử lý hay bao che của các cấp quản lý trong vụ việc này.

Cũng đề cập trực diện thói bao che và dung dưỡng cái ác, bộ phim Hàn Quốc Silenced khiến khán giả lòng đau như cắt.

Silenced Trailer

Phim kể về vụ án ấu dâm chấn động có thật tại Trường khiếm thính Inhwa, thành phố Gwangju, khi những đứa trẻ khuyết tật bị hiệu trưởng lạm dụng trong nhiều năm trời. Và kẻ đồng phạm, tiếp tay, nuôi dưỡng tội ác đó là trưởng phòng hành chính, quản lý ký túc xá, bảo vệ, thanh tra...

Silenced làm rung chuyển xã hội Hàn Quốc, khiến quốc gia này phải thay đổi luật để cứng rắn hơn với tội phạm ấu dâm. Nhưng ở Hàn Quốc, Việt Nam hay bất cứ đâu, bức tường bảo vệ quanh trẻ em chưa bao giờ là chắc chắn tuyệt đối. Người lớn phải luôn sáng mắt và ấm lòng.

Người lớn không thể câm lặng và quay lưng

Trong Spotlight - bộ phim giành giải Oscar Phim hay nhất 2016, nạn nhân có thật Phil Saviano đưa ra lời đúc kết gây sửng sốt: "Nếu cần một ngôi làng hợp sức để nuôi dạy một đứa trẻ, thì cũng cần cả làng hợp lực mới lạm dụng được đứa trẻ ấy".

Câu nói này ý chỉ sự câm lặng của môi trường xung quanh sẽ dung dưỡng cho nạn ấu dâm thành hình và tồn tại bền bỉ.

spotlight-movie

Trong suốt cuộc điều tra dài và khó khăn của mình, các nhà báo chống tiêu cực trong Spotlight đã khám phá ra nào cảnh sát, luật sư, nhà quản lý, các thành viên gia đình và cả các nhà báo khác đã chọn câm lặng và lợi ích về phía mình.

Phải nhờ đến những người trong sạch và dũng cảm khác, sự việc đã được đưa lên mặt báo. Bởi vậy, để trẻ em không đơn độc trong cuộc chiến đau đớn này, người lớn không thể câm lặng và quay lưng.

YouTube cấm trẻ livestream một mình, tránh những kẻ ấu dâm YouTube cấm trẻ livestream một mình, tránh những kẻ ấu dâm

TTO - YouTube vừa có động thái phản hồi sau khi một điều tra của báo The New York Times cho rằng thuật toán quảng bá video trẻ em của nền tảng này đang vô tình 'tiếp tay' cho những kẻ ấu dâm.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên