12/10/2004 05:01 GMT+7

Cuộc chiến trên đầm Ô Loan

CHÍ BẢO
CHÍ BẢO

TT - Mới 6g sáng (28-9-2004), kỹ sư trẻ Lê Thị Hằng Nga đã thúc giục tôi: “Anh ra Ô Loan gấp, hôm nay thả ghẹ xanh xuống đầm đấy”.

l7aBBBug.jpgPhóng to
Thả giống ghẹ xanh tái tạo nguồn lợi ở đầm Ô Loan
TT - Mới 6g sáng (28-9-2004), kỹ sư trẻ Lê Thị Hằng Nga đã thúc giục tôi: “Anh ra Ô Loan gấp, hôm nay thả ghẹ xanh xuống đầm đấy”.

Phải mất hơn tiếng đồng hồ con thuyền mới thoát khỏi trận đồ bát quái của hàng ngàn giàn đăng, chấn lẫn bờ đá hồ tôm lởm chởm trên đầm để lần lượt lướt qua những địa danh nổi tiếng của đầm như núi Từ Bi, hòn Khô, bãi Thành Lầu... Ra đến giữa đầm, kỹ sư Nga khom người vốc nước trên tay đổ vào thiết bị kiểm tra độ mặn, nói: “Được rồi, môi trường ở đây phù hợp”.

Các kỹ sư Nở, Linh... lần lượt bóc từng túi nilông thả hơn 30.000 con giống ghẹ xuống đầm. Đôi mắt các nhà khoa học, kỹ sư như ánh lên niềm vui rạng rỡ khi nhìn những con ghẹ xanh nhỏ như đầu đũa giương càng bơi dần về phía xa...

UehApjQz.jpgPhóng to
TS Trần Thị Việt Ngân đang kiểm tra ghẹ ở đầm Ô Loan
Những người thầm lặng cứu đầm

Anh Nguyễn Xuân Nam, cán bộ khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu thủy sản III Nha Trang (Khánh Hòa), bộc bạch: “Gần hai tháng nay, tôi cùng các nhà khoa học, các kỹ sư thủy sản Phú Yên tất tả chạy lo ghẹ xanh bố mẹ để cho đẻ nhân tạo ra con giống. Bây giờ thì ổn rồi, chúng có thể phát triển, sinh sản tái tạo dần nòi giống trong đầm này...”. Hơn hai năm nay, kỹ sư Lê Thị Hằng Nga vừa tham gia nghiên cứu con giống tái tạo, vừa làm chuyên gia cho Viện Nghiên cứu thủy sản II (TP.HCM) thực hiện riêng chương trình “bệnh tôm ở Ô Loan”. Chị thường xuyên bám đầm để phát hiện, xử lý, lập biểu đồ bệnh tôm qua từng thời gian. Chị trăn trở: “Chúng tôi cố cứu đầm tôm nhưng nhiều lúc thấy mình hoài công bởi ai ai cũng nuôi tôm với 80% diện tích là hồ hở liền bờ, liền khoảnh và nước ăn thông thoải mái lẫn nhau nên nhiều năm mầm bệnh phát tán lây lan rất nhanh ra môi trường làm cho tôm nuôi và cả tôm tự nhiên cũng chết”.

Với cán bộ khoa học Đỗ Ngọc Hảo ở Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản, dường như đều đặn mỗi tháng hai lần Hảo mang lỉnh kỉnh các thiết bị đo môi trường, xắn quần lội xuống đầm lấy từng lọ nước đem về phân tích các loại chất ô nhiễm có ảnh hưởng đến sinh trưởng của các loài hải sản để báo bà con biết phòng tránh trong nuôi trồng. Ở Ô Loan, dường như bất cứ ngư dân nào cũng đều biết tiến sĩ Trần Thị Việt Ngân - giám đốc Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên.

Hơn 10 năm qua, TS Ngân đi đi về về như con thoi lặn lội qua mọi ngõ ngách của vùng đầm để nghiên cứu các loài hải sản có giá trị đang bị cạn kiệt, rồi thầm lặng cùng các đồng nghiệp ương nuôi, khoanh vùng tái tạo sò huyết, rong câu, vẹm xanh...

Sau mấy ngày thả ghẹ xanh, cũng trên chiếc thuyền nan của lão Kháng, chị Ngân lần lượt kiểm tra khả năng lột xác tái sinh của nguồn tôm đất trong đầm. Chị nói: “Trước đây tôm đất ở một số nơi trong đầm coi như biến mất.

Nhưng sau gần một năm ương cho đầm mấy vạn con giống, bây giờ chúng sinh sản nhiều lắm”. Cách đây ba năm, khi nguồn giống sò huyết Ô Loan có nguy cơ bị tuyệt chủng, chị Ngân ngày đêm về cùng ăn cùng ở và vận động ngư dân khoanh vùng nuôi, bảo vệ.

Thế là một năm sau sò huyết xuất hiện trở lại rất nhiều. Nhưng những nhà khoa học chưa kịp mừng vui thì gần 300 hộ dân ở Phú Sơn chuyên nghề bắt sò lại tranh nhau khai thác sò tận thu tận diệt...

rK2DvOoV.jpgPhóng to

Đầm Ô Loan bị xâm hại

Những người thầm lặng giữ đầm

Đội mũ rộng vành, quần đùi cộc, lão ngư Lê Văn Kháng vừa luôn tay khua mái chèo, vừa trò chuyện với tôi: “Đêm qua (4-10) ngư dân làm nghề đăng chấn báo đã phát hiện rất nhiều thuyền lén lút đánh chất nổ, lưới vây, lưới điện... ở vùng đầm giáp ranh giữa hai xã An Cư và Phú Hiệp.

Vậy nên tối nay tôi cùng Năm Độ phải đi tuần để chộp bằng được bọn này”. Hai người cùng lặng lẽ chèo thuyền xé mặt nước, lao trong bóng đêm về phía những ánh đèn điện đang di chuyển soi rọi đánh bắt tôm cá. Là tổ trưởng tổ hợp tác thủy sản (THTTS) Phú Hiệp (thuộc xã An Hiệp, huyện Tuy An), lão Kháng (63 tuổi) cùng một số tổ viên luôn làm một công việc thầm lặng là vận động mỗi hộ gia đình, cá nhân, tổ chức sinh sống và hoạt động ven đầm đều có trách nhiệm thực hiện các qui định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Lão Kháng không quản ngại tuổi cao sức yếu, với số tiền thù lao quá ít ỏi (100.000 đồng/tháng) vẫn miệt mài mỗi tuần đi kiểm tra đầm một lần, đấy là chưa kể những đêm đi kiểm tra đột xuất hoặc nhận được tin báo có ngư tặc là kịp thời có mặt để ngăn chặn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên đầm. Nhờ vậy, 88 hộ ngư dân của THTTS Phú Hiệp hoạt động khai thác có hiệu quả, ổn định cuộc sống. Lão Kháng trăn trở: “Giờ thì chẳng còn đâu cái cảnh Chiều xuống đầm Ô Loan, tay chèo em khua nước con tôm càng lội ngang.

Dân ở các nơi đến khai thác hải sản đã hủy diệt ồ ạt, trong khi đó duy nhất chỉ có ban quản lý của THTTS Phú Hiệp gồm bảy người với phương tiện là chiếc thuyền nan không thể bảo vệ vùng đầm cả ngày đêm”. Đêm Ô Loan chầm chậm trôi qua. Hai con người cùng bám lấy chiếc thuyền nan nhỏ bé, mặc cho muỗi đốt với gió sương lành lạnh... Ông Năm Độ nói: “Nhiều xã cứ bỏ mặc cho ngư dân khai thác trắng.

Nếu mình không góp sức ra tay bảo vệ thì đời con cháu khó có thể sống bám đầm”. Ra đến giữa đầm, ông Năm Độ và ông Kháng thấy rất rõ nhiều chiếc thuyền đang đánh lưới điện, soi điện bằng bình ăcqui, nhưng thuyền nhỏ không đủ sức rượt đuổi, chỉ hò hét cho bọn chúng bỏ chạy rồi thu các tang vật như trủ điện, lưới vây...Rạng đông, mặt đầm giãn ra và loang loáng sắc hồng, hai người lội bì bõm đẩy thuyền vào neo ở bãi Xóm Bến, rồi bước thấp bước cao về làng.

Đầm Ô Loan thuộc huyện Tuy An (Phú Yên) được công nhận là một di tích thắng cảnh quốc gia (năm 1996). Đây là vực nước ven biển với diện tích 1.570ha. Hiện dân xâm lấn xây nhà cửa và nuôi tôm trái phép trên 300ha diện tích mặt nước làm biến dạng cảnh quan môi trường.

Đầm có 82 loài tôm, cá và hơn 50 loài giáp xác, nhuyễn thể như cua, ghẹ, sò huyết, hàu, ngao, vẹm xanh... Trước đây sản lượng khai thác hằng năm 300 - 450 tấn tôm nhưng nay chỉ còn khoảng 150 tấn.

Gần 45.000 dân sống quanh đầm chuyên nghề khai thác thủy sản đã vắt kiệt Ô Loan bằng 450 giàn lưới đăng, 3.270 giàn chấn, đấy là chưa kể nhiều nghề đánh bắt hải sản tận thu tận diệt bằng "xuyệc" điện, soi điện, lưới điện, lưới ba màn...

Theo cảnh báo của Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh, đặc sản sò huyết ở đây đã giảm đến 95% và đang có nguy cơ bị tuyệt chủng!

CHÍ BẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên