Nhà du hành vũ trụ Neil Armstrong trong bức ảnh lịch sử ngày 20-7-1969 khi ông đặt chân lên Mặt trăng và cắm lá quốc kỳ của Mỹ tại đó - Ảnh: NASA |
Một câu chuyện gây nhiều chú ý trong dư luận vừa qua là phiên đấu giá chiếc túi đựng mẫu đất, đá do phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong mang về tại New York, được tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm 48 năm ngày ông Armstrong đặt chân lên Mặt trăng.
Đáng lẽ câu chuyện cũng không có gì quá ồn ào nếu không phải vì sự cố lầm lẫn trong quá khứ đã khiến Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) bị xử thua trong vụ kiện giành lại quyền sở hữu chiếc túi với người mua là luật sư Nancy Lee Carlson ở Chicago.
Cuộc chiến pháp lý đó thực chất chỉ là một phần rất nhỏ trong những vấn đề lớn hơn liên quan tới lĩnh vực khám phá không gian.
Và đó hẳn cũng là lý do để Tổ chức For All Moonkind hối thúc LHQ phải sớm có luật để bảo vệ những địa điểm mà sáu sứ mệnh tàu Apollo đã hạ cánh cùng các hiện vật lấy được từ Mặt trăng để tránh những tranh chấp tương tự như vụ chiếc túi của Armstrong.
Cần có luật khai thác Mặt trăng?
Theo Hãng tin Bloomberg, nền tảng pháp lý cơ bản cho các hoạt động ngoài không gian là Hiệp ước ngoài không gian năm 1967 của LHQ. Trong đó, nền tảng trung tâm của hiệp ước này là đảm bảo rằng không gian vũ trụ không thuộc chủ quyền hay sở hữu của bất cứ quốc gia nào.
Hiệp ước cũng cấm thử nghiệm các loại vũ khí hạt nhân trong không gian và không hạn chế việc sử dụng Mặt trăng cũng như các thực thể khác trong không gian vào mục đích hòa bình. Mỹ đã ký vào thỏa thuận này.
Tới năm 1979 Đại hội đồng LHQ cũng thông qua Thỏa thuận Mặt trăng, trong đó quy định rằng các nguồn tài nguyên tự nhiên của Mặt trăng là “di sản chung của loài người”.
Đồng thời, một cơ quan quốc tế mới sẽ quản lý việc sử dụng các nguồn tài nguyên đó “vì việc khai thác các nguồn tài nguyên này hoàn toàn sẽ trở nên khả thi”. Tuy nhiên Mỹ và hầu hết các nước có các chương trình không gian đã không ký thỏa thuận đó.
Mặt khác, một số quốc gia, trong đó có Mỹ và Luxembourg, lại thông qua những luật khác thừa nhận quyền sở hữu hợp pháp các tài nguyên mà những công ty tư nhân lấy được từ không gian.
Trong khi các học giả pháp lý vẫn đang tranh cãi về chuyện liệu những điều luật như vậy có mâu thuẫn với những điều khoản đã được quy định trong Hiệp ước ngoài không gian là phản đối quyền chiếm hữu tài nguyên không gian của các nước hay không, thì thực tế là các quốc gia và công ty tư nhân đang rất sốt sắng đầu tư, phát triển các dự án chinh phục vũ trụ.
Bà Michelle Hanlon, một luật sư ở Connecticut, cho rằng: “Những gì chúng ta cần làm là tạo ra, về cơ bản là một cơ quan kiểu như UNESCO cho không gian”. Bà lý giải: “Cần phải thảo luận về vấn đề thương mại hóa không gian, ngay bây giờ chưa có gì cả”.
Trên thực tế NASA đã đánh động vấn đề này từ sáu năm trước, vào thời điểm kỷ niệm sứ mệnh của tàu Apollo 11 trong báo cáo chi tiết có tiêu đề “Làm thế nào để bảo vệ và giữ gìn giá trị lịch sử và khoa học của các di vật trên Mặt trăng của Chính phủ Mỹ”.
Mặt trăng - mỏ khai thác tương lai?
Cách Trái đất khoảng 239.000 dặm (384.633km), Mặt trăng là hành tinh lớn và tương đối gần với một trữ lượng phong phú khí heli và nhiều tài nguyên khác. Hiện có ít nhất năm quốc gia đang có những kế hoạch thám hiểm Mặt trăng với những sứ mệnh đưa người lên đây.
Là một trong số đó, Trung Quốc cũng đang tất bật đánh giá tiềm năng khai thác khí heli 3, một đồng vị không phóng xạ vốn rất hiếm trên Trái đất, nhưng lại cực kỳ phong phú ở lớp vỏ bao bọc “chị Hằng”.
Năm 2013 Trung Quốc trở thành nước thứ 3 có thể hạ cánh “mềm” xuống Mặt trăng, sau đó sử dụng phương tiện tự hành để thám hiểm Mặt trăng trong hơn hai năm. Hiện quốc gia này cũng đã có kế hoạch phóng một thiết bị thám hiểm khác là Chang'e 5 (Hằng Nga 5) trong năm 2018 và lấy các mẫu đất từ Mặt trăng về.
Theo lộ trình tham vọng, Bắc Kinh dự kiến đưa người lên Mặt trăng vào giữa những năm 2030.
Trong khi đó, tàu vũ trụ không người lái Chandrayaan-2 của Ấn Độ cũng đang được thiết kế để thực hiện việc hạ cánh “mềm” xuống Mặt trăng năm 2018. Tỉ phú Mỹ Elon Musk từng tuyên bố Công ty vận tải vũ trụ SpaceX của ông đã có hợp đồng đưa 2 du khách đầu tiên du ngoạn quanh Mặt trăng vào năm 2018.
Cũng trong năm tới, cuộc thi Lunar X Prize của Google sẽ trao giải thưởng 30 triệu USD cho các nhóm kỹ sư có thể phóng thành công, hạ cánh và vận hành một phương tiện trên bề mặt Mặt trăng.
Cùng với đó thì cả Nga và Nhật Bản cũng đang tính toán về những sứ mệnh đưa người lên Mặt trăng của họ. Ngay cả Mỹ cũng tuyên bố kế hoạch trở lại Mặt trăng sau khi gần đây NASA thừa nhận không đủ tiền để đưa người lên sao Hỏa.
Tòa công lý quốc tế của LHQ có thể là nơi phán xử những tranh chấp ở tầm mức quốc tế, tuy nhiên chưa rõ, nếu xảy ra, các tranh chấp kiện tụng về tài sản văn hóa hay thương mại thuộc về Mặt trăng sẽ được thụ lý ở đâu.
Và với những người có mối quan tâm như Tổ chức For All Moonkind, khoảng trống pháp lý này rõ ràng không còn là câu chuyện của tương lai nữa.
Túi đất lấy về từ Mặt trăng bán được 1,8 triệu USD Chiếc túi đựng các mẫu đất, đá lấy từ Mặt trăng của phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong mang về vừa bán được 1,8 triệu USD tại phiên đấu giá ngày 20-7, đúng 48 năm sau khi Armstrong đặt chân lên Mặt trăng, tại nhà đấu giá Sotheby ở New York. Theo Đài BBC (Anh), đây là chiếc túi mà nhà du hành vũ trụ người Mỹ Neil Armstrong từng mang theo trong sứ mệnh chinh phục Mặt trăng của tàu vũ trụ Apollo 11 năm 1969. Phiên đấu giá diễn ra sau một cuộc chiến pháp lý giành quyền sở hữu di vật còn lại duy nhất từ sứ mệnh của tàu Apollo 11 giữa NASA và luật sư Nancy Lee Carlson ở Chicago. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận