Cũng là một cách thi

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - Sáng 17-4, trời trong xanh, nắng vàng rực rỡ, dưới bóng cây cổ thụ trong dinh Thống Nhất, 95 học sinh tiêu biểu của các trường tiểu học trên địa bàn Q.1, TP.HCM đã sẵn sàng vào chiếu thi để tham gia cuộc thi Rung chuông vàng (một hoạt động nằm trong chương trình “Ngày hội học sinh tiểu học Q.1” do Phòng GD-ĐT Q.1, TP.HCM tổ chức).

Những câu hỏi thường thức, gần gũi với cuộc sống liên tục được đặt ra: Cái gì chuyển động tạo thành gió? Vật liệu nào khi đem trộn với cát, sỏi, nước tạo thành bêtông? Sự biến đổi từ chất này thành chất khác gọi là...?... Rồi sự nhầm lẫn của một số thí sinh trong câu hỏi “Trái đất có hình gì?”, “Trong quá trình quang hợp, lá cây hấp thụ khí gì?”... khiến gần 1.000 cổ động viên (cũng là học sinh tiêu biểu của Q.1) bên dưới bàn tán xôn xao, vỗ tay rồi lại “ồ” lên không ngớt. Vài sĩ tử bị ra khỏi chiếu thi xuýt xoa: “Trong đầu mình hình dung Trái đất hình cầu nhưng lại viết ra là hình tròn, chán ghê!”, một sĩ tử khác lại chống chế: “Mình cứ nghĩ cây giống con người nên mình trả lời là: oxy”...

Căng thẳng - ít nhiều gì cuộc thi nào cũng có, nhưng cuộc thi này có những nụ cười sảng khoái, có sự thoải mái của cả thí sinh và cổ động viên vì các em không bị gò bó trong bốn bức tường của lớp học mà ngồi thi trong một không gian thoáng đãng, gần gũi với thiên nhiên. Thế nên khi phỏng vấn các học sinh, chúng tôi nhận được câu trả lời giống nhau: “Con rất thích!”.

Ở khu vực “Khoa học trong mắt em”, các nhóm học sinh tụm lại chăm chút và thay phiên nhau giới thiệu, thuyết minh cho các “công trình” khoa học của mình. Và không phải không có những công trình thiết thực, như mô hình “Hệ thống lọc nước sạch” của nhóm học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình được làm từ vỏ hộp sữa, sỏi, cát, đũa tre... để nước lọc trong và sạch hơn. Là mô hình “Nguồn điện tương lai” của nhóm học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm với cách tạo nguồn điện từ sức gió đã khiến ban giám khảo phải thốt lên: “Đây là ý tưởng hay vì thành phố chúng ta đang thiếu điện”.

Khoa học, có thể đó là mô hình áp dụng ngay vào cuộc sống, có thể chỉ mới là ý tưởng như “dùng lá khô chế tạo đồ dùng học tập” của học sinh Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, như mô hình “Ngôi nhà thông minh” của nhóm học sinh Trường tiểu học Chương Dương;...

Nếu không ưa thích khoa học, học sinh có thể đến khu trò chơi dân gian để tham gia các trò chơi vận động: tiếp bước Trạng Lường, bánh xe thần tốc...

“Đây chính là một cuộc thi dành cho học sinh giỏi, chăm ngoan, rèn luyện tốt nhưng không gói gọn trong phòng thi. Sĩ tử không phải cắm cúi viết thật nhiều chữ mà là chương trình chơi mà học để chúng tôi định hướng giáo dục, ươm mầm sáng tạo khoa học và rèn luyện thể chất cho học sinh” - nói như một lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.1.

Mong sao có nhiều ngày hội như thế.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên