05/04/2012 07:30 GMT+7

Cùng hành động cho COC

H.N. - H.T.
H.N. - H.T.

TT - Ngày 4-4, kết thúc hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Phnom Penh (Campuchia), các nhà lãnh đạo khu vực khẳng định sẽ “tăng cường nỗ lực” giải quyết những tranh chấp trên biển Đông.

Biển Đông: vấn đề “nóng” của nghị sự

kP4yHVMc.jpgPhóng to

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự phiên bế mạc hội nghị ASEAN tại Phnom Penh ngày 4-4 - Ảnh: AFP

Theo TTXVN, về vấn đề biển Đông, các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải. ASEAN cho rằng các nước cần tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS) và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC).

Về bước đi, các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh ASEAN cần thống nhất về các thành tố trong Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) để làm cơ sở trao đổi với Trung Quốc.

Tiến đến COC

Theo TTXVN, tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có đóng góp quan trọng khi nhấn mạnh ASEAN cần đoàn kết, chủ động thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982; tôn trọng và thúc đẩy đầy đủ DOC, đồng thời ASEAN cần khẩn trương hoàn tất xây dựng các thành tố của COC, làm cơ sở khởi động tham vấn giữa ASEAN và Trung Quốc về COC. Mặt khác, ASEAN cần tiếp tục tăng cường hợp tác về các vấn đề trên biển, như an ninh và an toàn cho các tuyến đường hàng hải, cứu hộ, cứu nạn trên biển, phòng chống cướp biển, các tội phạm trên biển... trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Theo báo Phnom Penh Post, ngày 4-4, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã bác bỏ thông tin cho rằng các nước ASEAN đang gặp bất đồng và chia rẽ xung quanh việc xử lý các tranh chấp trên biển Đông. Ông khẳng định không có chuyện Trung Quốc gây áp lực lên Campuchia, nước đang đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN, để đưa nội dung biển Đông ra khỏi lịch trình làm việc của hội nghị.

Ông Hun Sen nhấn mạnh ASEAN và Trung Quốc đều thống nhất giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển Đông. Nhắc tới thỏa thuận năm 2011 giữa ASEAN và Trung Quốc liên quan tới các hướng dẫn thực thi COC, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh “đó là tiến trình không bên nào có thể bỏ cuộc”.

Tìm sự đồng thuận về bước đi

Phnom Penh Post thừa nhận còn có cự ly về bước đi đối với COC, Campuchia muốn đưa Trung Quốc tham gia quá trình thảo luận về COC.

Trong khi đó, Philippines, Thái Lan và Việt Nam cho rằng ASEAN cần soạn thảo sơ bộ các nguyên tắc COC trước khi thảo luận với Trung Quốc. “Chúng ta cần phải thống nhất quan điểm trong khối trước khi có thể hội đàm với phía Trung Quốc” - báo Phnom Penh Post dẫn lời Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul.

Hãng tin nhà nước Malaysia Bernama dẫn lời Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Najib Tun Razak xác nhận ASEAN sẽ soạn thảo COC trước khi đàm phán với Trung Quốc. Ông cho biết Trung Quốc sẽ không dính dáng gì đến quá trình ASEAN chuẩn bị COC. “Một khi ASEAN đạt được sự thống nhất thì chúng ta sẽ nói chuyện với Trung Quốc” - thủ tướng Malaysia nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết ASEAN đang chuyển dần tới nội dung xác định các thành tố cấu thành COC. Nhưng ông không cho biết khung thời gian dự kiến để hoàn tất quá trình này.

Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, nhiều nhà nghiên cứu về biển Đông Việt Nam ở trong và ngoài nước đều cho rằng ASEAN cần có một lập trường chung về COC. Trong cái nhìn của các nước khu vực, Trung Quốc là nước có nhiều đòi hỏi vô lý trên biển Đông và là nước gây lo ngại nhất đối với hòa bình khu vực. Một COC có nhiều quy định ràng buộc sẽ bất lợi cho họ. Do vậy, điều dễ hiểu là Trung Quốc sẽ muốn có một COC ít ràng buộc, điều chỉnh ít vấn đề.

Nếu như các nước ASEAN không đoàn kết, không có một lập trường chung, Trung Quốc sẽ dùng các thế mạnh của mình và dùng chiến thuật “bẻ từng chiếc đũa” để đạt được mục đích. Do vậy các nước ASEAN cần phải cùng nhau hành động.

Yêu cầu sớm bỏ cấm vận Myanmar, kiềm chế trên bán đảo Triều Tiên

Về tình hình Myanmar, các nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ ủng hộ những tiến triển gần đây ở Myanmar, hoan nghênh kết quả bầu cử ngày 1-4 và yêu cầu thế giới sớm dỡ bỏ cấm vận đối với Myanmar. “Chúng tôi thúc giục cộng đồng quốc tế xem xét dỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế đối với Myanmar để người dân Myanmar có thể thụ hưởng được những cơ hội để phát triển vì hòa bình, hòa giải dân tộc, dân chủ và tiến bộ đất nước” - Thủ tướng Hun Sen tuyên bố.

Về tình hình trên bán đảo Triều Tiên, các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định lại lập trường của ASEAN ủng hộ bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định và không có vũ khí hạt nhân, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và sớm nối lại đàm phán sáu bên.

H.N. - H.T.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên