![]() |
Tác giả Hà Nhân ký tặng sách cho độc giả tại buổi ra mắt ba tập sách ở Hội sách TP.HCM lần thứ 9 - Ảnh: Tiến Long |
Tám năm miệt mài phụ trách chuyên mục Trò chuyện đầu tuần, những bài viết dành cho tuổi mới lớn của tác giả Hà Nhân trên báo Hoa Học Trò vừa được tuyển in thành ba tập sách: Bay xuyên những tầng mây, Ngày trong sương mù, Sống như cây rừng.
Mở đầu câu chuyện với Thế giới sách tuần này về ba “đứa con” vừa ra đời, tác giả Hà Nhân (nhà báo Lê Thanh Hà) chia sẻ:
“Khi viết, tôi hay nghĩ tới hai chữ trung thực. Sống thực như con người mình vốn có là chuyện đương nhiên, nhưng càng ngày càng khó khăn trong xã hội đương đại. Có nhiều người lớn thường “nói lời hay” nhưng không hẳn đã “làm việc tốt”.
Lớn lên là một quá trình tăng trưởng thể chất tự nhiên, nhưng trưởng thành lại khác, khó nhọc và dễ “đi lạc” hơn. Thật ra không chỉ để nói với bạn đọc trẻ mà ngay với bản thân, mỗi khi viết là một lần tôi muốn nhắc mình cảnh giác chuyện lạc lối, tuổi nhiều lên nhưng không thật sự trưởng thành”.
* Trong tập Sống như cây rừng anh có nói đến khái niệm “sống sinh thái”. Theo anh, việc “sống sinh thái” quan trọng như thế nào đối với giới trẻ thời nay?
- Trong một bài viết, tôi có viết: “Sống sinh thái không phải chỉ là ăn rau nhiều hơn, đạp xe mỗi ngày gần 20km quanh hồ Tây thơ mộng. Sống sinh thái còn là biết tổ chức cuộc đời mình đi tới khoan hòa, nhẫn nhịn... Là hít thở mỗi ngày để lớn cao lên đồng thời tiếp tục tạo ra dưỡng khí cho muôn loài cùng chung sống”.
Tôi nghĩ con người, trẻ hay già, đều cần học bài học của cây rừng để hiểu sống tức là “sống với”, “sống cùng”. Không bao giờ là kiểu “tranh sống” như chúng ta vẫn thường thấy đâu đó hiện nay.
Thời hiện đại cuộc sống rất vội, ở một xã hội đang phát triển, cuộc sống càng vội vàng trong sự bừa bộn lẫn lộn giá trị.
Nhiều khi chúng ta lo âu bọn trẻ lớn lên thế nào nếu ngay từ bé đã được cài đặt vào cuộc đua cạnh tranh điểm chác trong học hành, có những môi trường học đường cạnh tranh khốc liệt đến mức hủy hoại cả cơ hội nảy nở tình bạn.
Nếu tôi là học trò, tôi chọn cơ hội để hạt mầm tình bạn nảy nở thay vì mối quan hệ đối thủ sống chết trên đường đua. Nếu tôi là phụ huynh, tôi chọn cho con được tưới tắm, được giàu có về tâm hồn hơn là những tấm giấy khen, những huy chương thành tích.
* Vậy anh có định gửi gắm một lời khuyên nào không?
- Trong những bài viết, tôi chưa từng dám đưa ra lời khuyên “phải làm gì” với độc giả trẻ. Đó đơn giản chỉ là những câu chuyện, được đặt trong sự soi chiếu của một người đã có ít nhiều trải nghiệm.
Tôi cũng từng là một chú bé thò tay vào hũ kẹo, muốn nhiều nên nắm một nắm to, cuối cùng không rút tay ra được. Khi lớn lên, tôi dần biết khoảng trống có giá trị của nó. Mình giữ bàn tay cầm nắm ít thôi thì cả cuộc đời mình sẽ được nhiều hơn.
Trong nhiều trang sách, tôi đơn giản chỉ chia sẻ chứ không dám đưa lời khuyên. Với lại tôi không nghĩ trẻ người thì non dạ. Năm tháng dày lên không hẳn đã thổi bùng ngọn lửa khao khát điều tốt đẹp.
Người còn trẻ, nhưng thật sự khao khát một cuộc sống an lành, đẹp đẽ, người ta sớm biết phải làm gì để giữ tâm hồn mình trong lặng, đủ sức làm bệ đỡ cho những tháng ngày được sống, học hành, khám phá, thi thố phía trước.
Đâu đó trong cuốn sách, tôi có viết về việc người ta dễ thỏa hiệp, quên lãng những ước mơ hoài bão, đó trước hết là người viết tự nhắc bản thân, sau nữa là chia sẻ với người đọc trẻ.
Hơn hết, mỗi người trẻ cần nuôi dưỡng giấc mơ chinh phục có từ thời thơ bé, cho dù đâu đó quanh mình có người chọn (hoặc được chọn) cách chinh phục, cách thành đạt nhanh bằng lối đi cáp treo.
Những tỉ phú tự thân sẽ có cảm giác hạnh phúc dài lâu hơn những tỉ phú thừa kế, dù bên ngoài nhìn vào có vẻ người đó phải khó nhọc, vất vả, rủi ro hơn...
* Suốt tám năm đều đặn viết, anh đã nhận được phản hồi, tương tác như thế nào của các bạn trẻ?
- Hằng tuần, qua nhiều kênh - thư từ, email, trang fanpage, tôi vẫn nhận được nhiều chia sẻ của bạn đọc - phần lớn về những vấn đề đang gặp phải. Có bạn đến tận nơi trao đổi về những lựa chọn khó khăn của mình trong xung đột thế hệ, chọn lối đi, thậm chí cả vấn đề xung đột niềm tin tôn giáo... Những cuộc gặp gỡ đó vừa động viên người viết, vừa giúp tôi hiểu thêm về những gì đang xảy ra với giới trẻ hiện nay.
Có những bạn lập trang blog đăng lại các bài viết, có bạn chọn cách cắt dán các bài viết trên báo ra hằng tuần vào một cuốn sổ. Ba tập sách ra đời được cũng là nhờ sự “kích hoạt” của những “nhà sưu tập” như vậy.
Một trong số các bạn ấy đã giúp tôi trong khâu tập hợp, hệ thống lại và chọn tựa sách. Bạn này thuộc tít các bài viết hơn cả người viết ra nó. Những tình cảm của bạn đọc khiến tôi thấy áp lực rất nhiều và biết mình phải cố gắng nhiều hơn qua những trang viết.
Không giáo điều, triết lý khô khan, không đả kích, lên án nặng nề, Hà Nhân chỉ như một người anh, người bạn gần gũi chia sẻ, dìu dắt đứa em nhỏ qua những tháng ngày trẻ dại của tuổi học trò, cùng sẻ chia, gợi hướng cho các bạn về ước mơ cũng như bao điều chưa biết. “Đường xa ngái thì chọn đi đường tắt cho nhanh. Chờ đèn tín hiệu lâu thì leo lên vỉa hè cho tiện. Trời nóng quá nên cởi trần chỗ công cộng cũng mát chứ sao. Biết việc chưa tới mà vẫn tặc lưỡi cho qua vì không muốn mang tiếng khắt khe căng thẳng. Đọc một cuốn sách viết và in dễ dãi vì như thế có lẽ sẽ nhẹ đầu. Ta dễ gia nhập vào đám đông nhộn nhạo, một ngày nếu may mắn sẽ thảng thốt nhận ra mình đã xa dần ngay cả những chuẩn mực tối thiểu. Còn xui xẻo hơn thì thấy mình dường như đã đi đến nơi người không nói tiếng người”. Chia sẻ lại trích đoạn đó trong một bài viết của Hà Nhân trên trang Facebook cá nhân, nhà báo Lê Hồng Lâm viết: “Mỗi bài viết chưa đầy nghìn từ, đọc lại vẫn thấy nhẹ nhàng mà thấm thía. Những bài trò chuyện nho nhỏ, vừa vặn, không cần cao giọng mà vẫn để lại một vài chia sẻ với thời cuộc, với những ước mơ ta đã đánh mất dần theo năm tháng, với những lý tưởng mà ta hạ dần khi lớn lên, với những cái tặc lưỡi thỏa hiệp sau mỗi lần khó khăn. Để rồi một ngày chợt nhớ, hôm qua ta ước mơ gì?”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận