Rải tiền ở Văn MiếuĐừng để lễ hội thành nỗi sợ
Phóng to |
TS Lê Thị minh Lý nhiều năm là cục phó phụ trách bộ phận văn hóa phi vật thể của Cục Di sản, là một trong những chuyên gia và nhà đàm phán của VN tại các kỳ xét duyệt di sản văn hóa thế giới của UNESCO. Hiện bà là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa VN do GS Nguyễn Văn Huy sáng lập và điều hành. Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với bà.
* Một vài năm gần đây xuất hiện kiểu “lễ hội phục dựng” và cũng xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Những lễ hội này được quảng bá tốt và thực hiện hoành tráng dưới bàn tay của một đạo diễn. Với một đất nước có hơn 7.000 lễ hội như Việt Nam, liệu việc “vẽ” thêm những lễ hội khác có cần thiết hay không?
- Tôi thuộc số các nhà nghiên cứu, chuyên gia không đồng tình với việc “phục dựng lễ hội”, nhất là việc phục dựng đó còn kèm theo nhiều yếu tố được coi là “sáng tạo” mới, mà những “sáng tạo” đó không gắn bó gì với cộng đồng. Chúng ta đã có những nghi thức, lễ hội phục dựng thí điểm như lễ cày tịch điền, lễ hội đền Lảnh Giang... Phản ứng từ các nhà nghiên cứu và từ cộng đồng có thể là cơ sở đánh giá tương đối chính xác để các nhà quản lý văn hóa đi đến kết luận thí điểm có thành công hay không, có nên tiếp tục đổ tiền vào công việc phục dựng chúng hay không.
Tuy nhiên, lễ hội dân gian hiện đại là một vấn đề hoàn toàn khác, chúng không thể bị loại trừ, thậm chí rất cần thiết cho cuộc sống. Một ví dụ sống động về lễ hội dân gian hiện đại là lễ hội dân gian Smithsonian của Mỹ. Nhu cầu xã hội là yếu tố cơ bản dẫn đến sự ra đời và tồn tại của lễ hội này. Điểm mấu chốt của lễ hội này là phục vụ chính cộng đồng người Mỹ, chứ không nhằm thu hút và phục vụ khách du lịch.
Phóng to |
Bà Lê Thị Minh Lý - Ảnh: Thu Hà |
* Bà nghĩ sao về nhiều ý kiến cho rằng nên coi lễ hội là một sự kiện, và những người tổ chức cũng phải là những nhà tổ chức sự kiện chuyên nghiệp?
- Xã hội cần các nhà tổ chức sự kiện, và lễ hội có lẽ cũng cần bàn tay tổ chức chuyên nghiệp. Nhưng theo tôi, họ chỉ nên là các nhà cung ứng dịch vụ, thực hành ý tưởng của nhà quản lý và nhà nghiên cứu chứ không phải “khoán trọn gói” cho công ty tổ chức sự kiện như những sự kiện đơn thuần.
* Chúng ta nói nhiều đến cụm từ “trả lễ hội về cho nhân dân”. Nhưng cũng có ý kiến từ một số chuyên gia về lễ hội cho rằng nếu để người dân tự làm, họ sẽ thêm thắt, học mót từ nơi khác để dựng nên một lễ hội không còn nguyên bản và màu mè không cần thiết. Vậy theo bà, nên “trả lễ hội về cho nhân dân” ở mức độ nào, sự can thiệp của các cơ quan văn hóa đến đâu trong tiến trình lễ hội?
- Ở ta có một vấn đề là các lễ hội nói chung và các di sản phi vật thể nói riêng đã mai một rất nhiều do không được thực hành thường xuyên, thậm chí có những giai đoạn bị gián đoạn không thực hành, nhất là từ năm 1954-1986, rất nhiều lễ hội bị mai một. Cho nên khi chúng ta thực hành trở lại thì đã xuất hiện rất nhiều vấn đề.
Khía cạnh thứ hai là cũng do tập quán xã hội. Mà nói đến tập quán xã hội là phải thường xuyên. Tập quán xã hội đứt quãng thì bây giờ người ta nghĩ ra nên làm cái này nên làm cái kia mà ta hay gọi là học mót hay vay mượn. Nhiệm vụ chúng ta là phải giúp cộng đồng nhìn lại những cái thực hành của họ để xem xét cái gì của chính họ, còn cái gì là của cộng đồng khác được giao thoa văn hóa, hội nhập vào theo khía cạnh tích cực. Cái gì là vay mượn và học đòi. Nó có nhiều lắm, không chỉ riêng lễ hội đâu, ngay cả trong việc trang trí di tích cũng thế, rất nhiều đèn xanh đèn đỏ nhấp nháy mà mình cảm thấy đó không phải là không gian của người Việt. Nó bị Trung Quốc hóa hoặc quá hiện đại, màu mè theo phong cách mới. Đó không phải là sự sáng tạo mà là cóp nhặt, thiếu sự hiểu biết sâu xa về văn hóa. Như là câu chuyện đèn lồng đỏ, trước đây trong đền chùa mình không có, hay là những bức tượng rất to để xác lập kỷ lục...
Đừng vì mục tiêu tăng trưởng du lịch Bộ VH-TT&DL vẫn kiên trì với quan điểm áp dụng song song và lâu dài hai biện pháp để quản lý lễ hội: tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong cộng đồng và xử lý nghiêm những vi phạm của địa phương, tổ chức hay cá nhân tại các lễ hội. Mùa lễ hội này công tác kiểm tra, giám sát càng được thực thi nghiêm túc và chặt chẽ hơn. Nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi, tuyên truyền giáo dục vẫn là giải pháp cơ bản nhất, tổ chức có tốt đến mấy, chế tài có nghiêm đến mấy mà bản thân người tham gia lễ hội chẳng biết vì sao mình tham gia, không biết lễ hội này có ý nghĩa gì, đi về không thấy thêm được chút kiến thức nào hoặc không cảm thấy thanh thản thì mục đích sâu xa của lễ hội coi như thất bại. Mặt khác, tôi tán thành ý kiến của nhiều chuyên gia về văn hóa là phải bình tĩnh và chọn lọc trước sự cám dỗ của việc hút khách du lịch đến với lễ hội. Mục đích nguyên thủy của lễ hội là phục vụ cộng đồng, và lễ hội tồn tại được lâu bền là nhờ sức sống của cộng đồng bản địa, không nên chỉ vì thu hút khách thập phương theo thời vụ ngắn hạn mà quảng bá quá mức về lễ hội. Nhiều địa phương vì mục tiêu tăng trưởng du lịch nên luôn cố gắng mở những lễ hội giới thiệu bản sắc dân tộc trong vùng miền của mình để kéo khách đến, thực tế cho thấy ngoài một số ít thành công như Quảng Nam, Đà Nẵng... còn hầu hết là gây hiệu ứng ngược: khách đến không chi tiêu gì, mất an ninh trật tự, cuộc sống cộng đồng bị xáo trộn.Và đó là sự mất mát lớn nhất. |
Tư duy “thành tích” Từ khoảng mươi năm nay “nở rộ” việc phục hồi và khuếch trương cả về quy mô và ý nghĩa nhiều lễ hội xưa. Sự phục hồi và khuếch trương này làm tăng thêm số lượng lễ hội, phần nào đáp ứng nhu cầu của các địa phương về tăng số lượng di sản văn hóa (tương ứng là phong trào công nhận di tích lịch sử - văn hóa các cấp từ địa phương đến quốc gia). Việc phục hồi, khuyếch trương lễ hội cũng có thể thỏa mãn “thành tích bảo tồn di sản văn hóa” nhưng thật sự đã làm mất sự độc đáo, đa dạng và nhất là làm biến dạng ý nghĩa đích thực của lễ hội khi những yếu tố thực dụng “hiện đại” xuất hiện trong cả phần lễ và phần hội. Lễ hội Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) và lễ khai ấn đền Trần là hai ví dụ điển hình. Phải chăng thay vì “Nhà nước tạo điều kiện duy trì và phát huy giá trị các lễ hội truyền thống; bài trừ các hủ tục và chống các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa trong tổ chức và hoạt động lễ hội” như điều 25 của Luật di sản văn hóa quy định, thì hầu như lễ hội nào cũng do chính quyền xã, huyện, tỉnh tổ chức từ nghi lễ đến dịch vụ của hội. Thậm chí dưới danh nghĩa “xã hội hóa các hoạt động văn hóa”, “phục vụ du lịch”... đã có xu hướng mỗi năm tổ chức hoành tráng, phô trương hơn để có thể nâng cấp lễ hội địa phương thành lễ hội quốc gia, để theo đó quy mô và kinh phí ngày càng lớn hơn, trong đó kinh phí nhà nước là không hề nhỏ. Tư duy “thành tích” trong việc bảo tồn di sản văn hóa, mục đích tổ chức lễ hội nhằm đáp ứng nhu cầu danh, lợi không chính đáng và cách thức khai thác giá trị kinh tế của lễ hội... Chỉ khi nào khắc phục được những điều đó thì lễ hội mới thật sự là của cộng đồng, mới thật sự bảo tồn được những giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận