11/07/2016 08:17 GMT+7

Cung cấp thông tin nhiều hơn cho dân

DIỆP VĂN SƠN
DIỆP VĂN SƠN

TTO - Mới đây, Thành ủy TP.HCM đã có buổi họp báo về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, vận động nhân dân 6 tháng đầu năm 2016 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm.

Đây là lần đầu tiên Thành ủy tổ chức họp báo công khai về nội dung trên đến người dân TP thông qua các cơ quan báo chí.

Những nội dung này lâu nay vẫn được xem là “chuyện riêng” của nội bộ Đảng, chính quyền, cho nên đây được xem là bước đổi mới, đột phá trong việc cung cấp thông tin chính thống cho người dân.

Nhiều năm về trước, nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh đến đòi hỏi của xã hội là “thông tin nhanh, kịp thời, chính xác”.

Ông đã yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để tạo sự đồng thuận xã hội, “cung cấp thông tin về những việc làm được và kể cả khuyết điểm, yếu kém cũng không giấu giếm. Đồng thời chú ý đến trách nhiệm giải trình, giải đáp của cơ quan nhà nước đối với những vấn đề nổi cộm, những việc chưa thông suốt, những chủ trương, chính sách mới”.

Giờ đây trách nhiệm giải trình, giải đáp của cơ quan nhà nước không còn là chuyện tùy vào nhận thức cảm hứng của người cầm quyền, muốn làm thì làm, không thì cũng chẳng sao, mà đã bắt đầu được luật hóa.

Chính phủ đã ban hành nghị định số 90/2013 quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Thực hiện trách nhiệm giải trình là quá trình chuyển đổi về nhận thức chuyển từ một nền hành chính nặng về “cai trị” sang hành chính “phục vụ”. Một nền hành chính dịch vụ có thể xem như doanh nghiệp dịch vụ, hành chính hướng về lợi ích của khách hàng thay vì đối xử với dân theo kiểu một người cai trị.

Nền hành chính dịch vụ phải xử sự một cách dân chủ, không chỉ ban hành quyết định mà còn giải thích cặn kẽ, rõ ràng các quyết định cho thấu tình đạt lý, thông tin đầy đủ để ngăn chặn sự mất lòng tin. Một nền hành chính dịch vụ sẽ đưa đến lợi ích là nhân dân gắn bó với địa phương mình, gắn bó với chính quyền; công chức nhận rõ sự vừa lòng hay không vừa lòng của dân (khách hàng) mà điều chỉnh thái độ, hành vi, lề lối làm việc theo hướng không ngừng hoàn thiện.

Thật không dễ gì một ngày một buổi thay đổi ý thức của một bộ phận nhà cầm quyền ngộ nhận là mình có đầy quyền lực! Luôn có những lợi ích cố hữu cản trở hiệu quả của việc thực thi chuyển đổi sang hành chính “phục vụ”.

Vấn đề ở đây là nếu chính quyền huy động tốt nhất các nguồn lực để vượt qua các rào cản của những lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, tư duy xơ cứng và có thái độ không khoan dung đối với vấn đề lạm quyền, bưng bít thông tin, tham nhũng... thì chắc chắn việc “thông tin nhanh, kịp thời, chính xác” đến người dân sẽ ngày càng được thực hiện nhiều hơn.

DIỆP VĂN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên