10/09/2015 07:00 GMT+7

Học sinh không thể là nạn nhân của người lớn

ĐẶNG TƯƠI - HOÀNG HƯƠNG - TRÀ MY
ĐẶNG TƯƠI - HOÀNG HƯƠNG - TRÀ MY

TTO - Chuyện phụ huynh lên facebook nói đồng phục nơi con mình đang học là "giẻ rách" và nhà trường có biện pháp cứng khiến nhiều người đặt ra vấn đề phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường, trong giáo dục.

Tất cả vì học sinh thân yêu, câu này đúng cho cả hai trường hợp nhà trường và phụ huynh. Ảnh: DUYÊN PHAN

Bà Trương Lam, phụ huynh ở quận Phú Nhuận, kể bản thân chị đã từng... đập bàn trong phòng thầy hiệu trưởng của con vì giận dữ nhưng rất may hôm ấy thầy rất bình tĩnh.

"Thầy để cho tôi quát tháo, la lối một hồi. Thầy rót nước mời tôi uống rồi từ tốn giải thích mọi chuyện khiến tôi nguôi ngoai. Cũng may là trường không đuổi học con tôi, cô giáo cũng không đì con tôi như tôi từng lo sợ. Vì vậy, tôi rất trân trọng ngôi trường của con mình và giới thiệu cho nhiều phụ huynh khác cho con tới học mặc dù học phí cao hơn so với trường khác”, bà Lam nói.

Đồng hành với phụ huynh "cá biệt"

Cô Lê Thị Thanh Nguyệt - hiệu trưởng Trường THCS-THPT dân lập Phạm Ngũ Lão (TP.HCM) cho biết: “Trong quá trình quản lý, tôi đã gặp không ít phụ huynh cá biệt, thậm chí có người rất quá quắt. Tôi nhận con em của những phụ huynh cá biệt vào trường mình vì họ, tuy khó chịu, tuy quá quắt, vẫn muốn nhà trường dạy dỗ cho con em họ”.

"Rất có thể hôm nay người ta to tiếng, trách móc mình nhưng ngày mai phụ huynh lại khen mình. Còn nếu mình không nhận con em họ vào học thì làm sao có điều kiện giải thích cho họ hiểu mình là người tốt. Khi ấy, rất có thể họ sẽ đi ra ngoài làm cái loa phóng thanh nói xấu về nhà trường”, cô Nguyệt bày tỏ.

Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Nguyễn Thị Hiền, hiệu trưởng kiêm chủ tịch HĐQT trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) đánh giá người làm kinh doanh giáo dục trong mọi tình huống phải đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết.

“Khi phụ huynh không hài lòng về một vấn đề nào đó, họ có thể phản ứng qua rất nhiều kênh với nhà trường. Quan điểm của tôi vẫn là khi phụ huynh góp ý, người chịu trách nhiệm cuối cùng giải quyết vẫn là hiệu trưởng. Phải giải quyết để phụ huynh thông cảm, chia sẻ, trên tinh thần tất cả vì mục tiêu là phục vụ cho đứa trẻ”, cô Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.

Có cùng suy nghĩ này, thầy Trương Quang Ngọc, hiệu trưởng trường THCS-THPT dân lập Lạc Hồng (quận 12) cho biết nhà trường và phụ huynh cần có sự trao đổi thẳng thắn để tìm ra cách tốt nhất, đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học hành của con trẻ.

“Nếu nhận định của phụ huynh đúng thì nhà trường phải khắc phục, nếu ý kiến của phụ huynh là thiểu số thì nhà trường sẽ thuyết phục phụ huynh vì cái chung lớn hơn. Quan điểm của tôi là không nên tạo ra sự căng thẳng làm ảnh hưởng đến việc học của học sinh”, thầy Ngọc nói.

Triết lý giáo dục là số 1

Sau câu chuyện "chiếc cà vạt xấu" vừa xảy ra, nhiều người cũng đặt ra câu chuyện giữa kinh doanh và giáo dục có bị mâu thuẫn trong nhà trường.

Cô Lê Thị Thanh Nguyệt cho rằng: “Các trường tư thục, dân lập muốn tồn tại và phát triển thì số 1 phải là mục tiêu giáo dục con người, thứ 2 mới đến lợi nhuận, không thể có lựa chọn ngược lại bởi giáo dục khác với các ngành nghề khác”.

Là một nhà giáo có kinh nghiệm hơn 50 năm, nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền đúc kết làm giáo dục tư thục là phải đặt học sinh trên tất cả, cái gì cần làm cho học sinh là phải làm ngay. Thứ hai là quyền lợi của giáo viên và thứ ba là quyền lợi của các cổ đông.

“Để cân đối ba quyền lợi đó thì người làm giáo dục - kinh doanh phải biết đặt quyền lợi của học sinh lên trên. Có thể trong một trường hợp nào đó, quyền lợi của cổ đông sẽ bị giảm vì phải bảo đảm quyền lợi cho học sinh, giáo viên trước. Chất lượng thế nào phụ huynh sẽ biết và đó cũng là điều tạo nên sự khác biệt giữa các trường tư thục, có trường thu hút ngày càng đông học sinh, có trường lại không có”, cô Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.

Theo TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, đồng phục không được hiểu theo nghĩa chỉ làm đẹp cho đứa trẻ mà thôi. TS Kỳ Anh cho rằng không thể dùng đồng phục hay bữa ăn trong trường để phục vụ mục đích kinh doanh trên đứa trẻ.

Đồng phục nói lên rằng người mặc nó là học sinh và những đứa trẻ này được giáo dục về hành xử, về tri thức và chúng tự hào về đồng phục mà mình đang khoác lên người. Bếp ăn là để trẻ được ăn những bữa cơm đủ dinh dưỡng, vệ sinh.

“Nếu lấy tiền cao nhưng chất lượng đồng phục, bữa ăn, môi trường, giáo viên tốt thì là chuyện khác. Còn nếu thu tiền cao mà chất lượng của mọi thứ đều kém thì chắc chắn phụ huynh sẽ phản ứng và trường sẽ khó tồn tại được”, TS Kỳ Anh nêu.

Thầy Trương Quang Ngọc cũng bày tỏ nếu trường tư thục không trung thực trong vấn đề học phí, thu chi và chất lượng giáo dục không tốt thì sẽ chẳng có phụ huynh nào dám gửi con vào học.

Thầy Ngọc cho rằng giáo dục nên theo hình thức phi lợi nhuận. “Phi lợi nhuận không có nghĩa là hoàn toàn không có lợi nhuận mà lợi nhuận đó được chia trả cho cổ đông ở mức vừa phải và phải có phần tích lũy, đầu tư để phát triển nhà trường. Quan điểm của tôi là không tạo ra mức lợi nhuận quá cao”, thầy Ngọc nói thêm.

Trang phục đẹp, hành xử xấu

Trong câu chuyện này, mong muốn có một trang phục học đường đẹp là điều mà cả nhà trường và phụ huynh đều hướng đến. Nhưng rất tiếc là sóng đôi cùng với mong muốn ấy lại là cách hành xử xấu.

Tôi cứ tự đặt câu hỏi, sao vị phụ huynh kia không chờ để nói điều ấy trong cuộc họp phụ huynh? Hành xử ấy giàu thiện chí hơn, và chắc chắn là có tính xây dựng hơn.

Tôi ngạc nhiên về cách phản ứng của nhà trường trong trường hợp này. Sao lại là không chấp nhận học trò vì một chuyện không phải do chính học trò ấy gây ra? Sao nhà trường lại chọn cách “trả đũa” kiểu sòng phẳng - cách hành xử không nên có của thầy cô, của nhà trường. Nhà trường đã nhân danh điều gì trong trường hợp này? Họ nhân danh cái đẹp của bộ trang phục sao.

Vậy là từ cùng một mong đợi chính đáng về bộ trang phục học đường đẹp cho học trò và con cái, người lớn đã cùng hành xử xấu.

Giờ chúng ta nên mong đợi hành xử đẹp có thể có sau việc này, để con trẻ có thể học được từ thầy cô và cha mẹ mình điều tốt đẹp: hai bên nên gặp gỡ nhau và xin lỗi về điều chưa đúng của mình. Hãy vì con trẻ mà làm việc đó.

TS Huỳnh Văn Thông

 Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> GS Nguyễn Võ Kỳ Anh

>> NGƯT Nguyễn Thị Hiền

>> Thầy Trương Quang Ngọc

>> Cô Lê Thị Thanh Nguyệt

ĐẶNG TƯƠI - HOÀNG HƯƠNG - TRÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên