Các hộ dân chỉ thu gom rễ tiêu khi cải tạo, tái canh hoặc chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác - Ảnh: B.A
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 17-5, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) Nguyễn Hồng Sơn cho biết ngày 16-5, cục đã cử cán bộ kiểm tra tại các hộ dân trồng tiêu ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.
"Qua kiểm tra cho thấy đây đều là các vườn tiêu già cỗi, năng suất thấp, chất lượng không cao. Tính ra, giá trị tiêu bán ra không đủ bù đắp chi phí nhân công, phân bón...
Các hộ ở đây đều khẳng định việc bán rễ tiêu chỉ thực hiện khi cải tạo, nhổ bỏ vườn tiêu bệnh, vườn tiêu già cỗi để tái canh tác bằng cây mới hoặc chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác.
Họ gom bán cho thương lái nhằm bù đắp một phần chi phí để cải tạo lại vườn tiêu chứ không có chuyện ham tiền mà đi đào rễ tiêu lên bán, vì lượng rễ tiêu thu được rất ít. Cho đến thời điểm này, tình trạng thu gom rễ hồ tiêu để bán cho thương lái đã không còn diễn ra", ông Sơn cho biết.
Ông theo ông Sơn, trong ngày 16-5, Cục Trồng trọt đã có công văn gửi Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đề nghị thực hiện tốt việc vệ sinh các điểm có trụ tiêu bị chết do bệnh, không tổ chức mua, bán, hoặc phát tán rễ tiêu ra vùng lân cận.
Trước đó, ông Lê Đình Hưng - phó chủ tịch UBND xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) - xác nhận có tình trạng thương lái mua rễ tiêu trên địa bàn xuất sang Trung Quốc làm thuốc bắc.
Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai đã có văn bản cảnh báo tình hình thu gom gốc rễ cây hồ tiêu trên địa bàn gửi các huyện, thị, thành trên địa bàn.
Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai, việc mua gốc rễ tiêu với mục đích không rõ ràng và có dấu hiệu bất thường, có nguy cơ gây nên tình trạng người dân chặt phá bỏ vườn tiêu để lấy rễ, đào trộm rễ tiêu để bán gây thiệt hại đến sản xuất trồng trọt, ảnh hưởng đến trật tự, an ninh nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận