Quy định đối tượng phục vụ chủ yếu của cửa hàng tiện lợi là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m đang gây nhiều ý kiến trái chiều. Trong ảnh: một cửa hàng tiện lợi tại Hà Nội - Ảnh: N.AN
Các tiêu chí để phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại của siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, trung tâm outlet... theo dự thảo thông tư lần 2 do Bộ Công thương đưa ra lấy ý kiến, có một số quy định bất hợp lý, can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong văn bản góp ý dự thảo, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp (VCCI) cho rằng dự thảo yêu cầu các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi phải tự phân loại theo tiêu chí và sẽ bị xử phạt nếu không phân loại chính xác, là không cần thiết.
Bởi lẽ việc gọi tên các hình thức kinh doanh sẽ do doanh nghiệp tự xác định nhằm quảng bá và giúp người tiêu dùng nhận biết.
Nhà nước chỉ nên can thiệp khi người bán lợi dụng sự nhập nhèm gọi tên để gây nhầm lẫn cho người mua, từ đó giúp bán được sản phẩm hoặc tăng giá của sản phẩm.
"Nếu việc phân loại chỉ nhằm mục đích thống kê, không cần thiết phải có quy định xử phạt khi doanh nghiệp gọi tên không đúng", VCCI nêu quan điểm.
Cũng theo VCCI, một số quy định trong dự thảo còn bất hợp lý, can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và làm gia tăng chi phí kinh doanh không cần thiết.
Đơn cử như yêu cầu siêu thị hạng 1 và 2 phải có dịch vụ ăn uống, giải trí, trung tâm thương mại phải có khu vực dành cho hoạt động vui chơi giải trí, cho thuê văn phòng...
Theo VCCI, việc bố trí không gian kinh doanh phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng và khả năng cung cấp của doanh nghiệp.
Trong khi đó yêu cầu cửa hàng tiện lợi phải bán theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy cũng không phù hợp khi có những cửa hàng chủ động bố trí nhân viên lấy hàng cho khách và thanh toán ngay khi đưa hàng, đáp ứng sự tiện lợi.
Ngoài ra có những quy định không khả thi đối với doanh nghiệp. Ví dụ, cửa hàng tiện lợi có "đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi dưới 500m".
Nếu phục vụ khách mua hàng ngoài phạm vi 500m, cửa hàng tiện lợi có vi phạm pháp luật và bị xử phạt? Trong thực tế, chủ cửa hàng không thể biết được khách hàng của mình sinh sống tại đâu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng việc phân loại hạ tầng thương mại đang được thực hiện theo quyết định (số 1371) về quy chế siêu thị, trung tâm thương mại được ban hành từ năm 2004.
Nhưng các loại hình thương mại hiện đại đã có nhiều sự thay đổi, với hình thức phát triển đa dạng hơn như cửa hàng tiên lợi, outlet, trung tâm outlet...
Do đó việc ban hành các tiêu chí phân loại nhằm chỉnh sửa, hoàn thiện các quy định không còn phù hợp với thực tiễn, pháp luật, đồng thời bổ sung tiêu chí cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet.
Cũng theo vị này, quy định tại thông tư không phát sinh thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư, kinh doanh cũng không chồng chéo, mâu thuẫn với quy định pháp luật khác.
Với quy định "Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m", vị này khẳng định không cấm hay hạn chế đối tượng phục vụ của loại hình này.
"Quy định khoảng cách 500m là nhằm đảm bảo tính tiện lợi, thuận tiện trong tiếp cận mua sắm của người tiêu dùng. Tuy vậy, nếu quy định này dễ gây hiểu lầm, chúng tôi sẽ tiếp thu, chỉnh sửa hoặc bỏ quy định", vị này nói.
Đặt sai tên sẽ bị phạt!
Bộ Công thương vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo lần 2 thông tư quy định về các tiêu chí cho các loại hình thương mại hiện đại trên thị trường bán lẻ, làm cơ sở để các thương nhân thực hiện tự phân loại, phân hạng loại hình hạ tầng thương mại kinh doanh dựa trên các tiêu chí, đặt tên đúng loại hình.
Khi thông tư có hiệu lực thi hành, các đơn vị kinh doanh không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định mà vẫn đặt tên, treo biển hiệu là siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, trung tâm outlet... cũng như không phân loại, phân hạng, ghi biển hiệu không đúng... sẽ bị xử phạt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận