Phóng to |
* Hiện tượng buôn bán động vật quí hiếm đang là thách thức đối với xã hội. Tình hình “chảy máu” loài rùa ở nước ta hiện nay ra sao?
- Đối với loài rùa, thị trường tiêu thụ lớn nhất hiện nay ở châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản. VN hiện được coi là nơi trung chuyển rùa từ Lào, Campuchia để từ đó sang các thị trường trên. Hiện tượng buôn bán rùa từ nước ta sang Trung Quốc chỉ bắt đầu cách đây vài năm, song theo các chi cục kiểm lâm thì nạn này đang ngày càng gia tăng và tinh vi hơn trước.
Ước tính hằng năm có khoảng 10.000 tấn rùa bị buôn bán và vận chuyển trong khu vực. Với tốc độ đó, rùa ở VN ngày càng cạn kiệt. Các loài rùa đã có lịch sử tiến hóa 250 triệu năm trước, tức là cùng thời với các loài khủng long. Nếu chúng ta không cứu hộ và bảo tồn kịp thời thì chỉ khoảng 15 năm nữa sẽ không còn nhìn thấy rùa trong tự nhiên.
* Vậy trung tâm đã có những việc làm cụ thể nào để cứu hộ và bảo tồn loài rùa?
- Trung tâm Bảo tồn và cứu hộ rùa Cúc Phương đã cứu hộ và chăm sóc nhiều loài rùa quí hiếm của VN. Trong năm 2004, chúng tôi đã thả gần 400 con rùa đất lớn và núi vàng tại vườn quốc gia Cát Tiên.
Trung tâm hiện nuôi dưỡng và bảo tồn 16/23 loài rùa nước ngọt với hơn 820 cá thể, trong đó có một số loài quan trọng và khó sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt như rùa cổ bự, rùa bốn mắt của VN. Đặc biệt, trung tâm còn nghiên cứu ấp nở thành công 10 loài rùa, trong đó có những loài quí hiếm như rùa Trung bộ, rùa sa nhân, rùa núi vàng... Khi số lượng cá thể của các loài rùa tăng cao hơn chúng tôi sẽ mang thả chúng vào tự nhiên.
Với sự giúp đỡ trực tiếp của các chuyên gia người Anh là Tim McCormack, trưởng nhóm nghiên cứu thực địa (Hiệp hội Bảo tồn động thực vật hoang dã), trong thời gian tới, trung tâm sẽ xây dựng các hạng mục công trình để diễn giải về các loài rùa phục vụ du khách đến thăm vườn và nâng cao nhận thức cho cộng đồng về trách nhiệm bảo tồn rùa. Hy vọng, những nỗ lực của trung tâm sẽ góp phần vào công cuộc bảo tồn các loài rùa nước ngọt của VN.
Phóng to |
* Trong sách đỏ thế giới (IUCN), rùa Hoàn Kiếm được đánh giá là ở mức cực kỳ nguy cấp. Nhưng ở VN, loài rùa này lại chưa hề có tên trong danh mục thực vật, động vật hoang dã quí hiếm cần bảo vệ?
- Nghị định số 48/CP ngày 22-4-2002 và nghị định 18 của HĐBT (nay là Chính phủ) ngày 17-1-1992 bổ sung các qui định danh mục thực vật rừng, động vật rừng quí hiếm và chế độ quản lý, bảo vệ chỉ có tên năm loài rùa là rùa hộp ba vạch, rùa đất lớn, rùa răng và hai loài rùa núi vàng. Theo đó, không chỉ loài rùa Hoàn Kiếm mà rất nhiều loài khác nữa của VN không có tên trong danh sách được bảo vệ.
Riêng rùa hoàn kiếm đối với người dân VN còn gắn liền với truyền thuyết trả gươm lại cho thần rùa sau khi đánh thắng quân xâm lược của vua Lê Lợi. Như vậy, nó không chỉ giá trị về mặt khoa học mà còn có ý nghĩa đặc biệt về mặt văn hóa. Theo tôi, các cơ quan chức năng cần có sự quan tâm riêng với rùa Hoàn Kiếm và sớm đưa loài rùa này vào danh sách động vật quí hiếm được bảo vệ bởi pháp luật VN.
* Được biết, rùa Hoàn Kiếm là một trong năm cá thể rùa còn sót lại trên thế giới và là loài rùa độc nhất chỉ có ở châu Á. Xác định được những giá trị quan trọng trên, trung tâm đã có những nghiên cứu nào để cứu hộ và bảo tồn loài rùa này?
- Rùa Hoàn Kiếm, tên khoa học là Rafetus swinhoei, được liệt vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất. Trên thế giới hiện chỉ có năm cá thể sống của loài rùa này, trong đó “cụ” rùa hoàn kiếm là cá thể duy nhất sống tại VN (số còn lại sống ở Trung Quốc).
Trong năm 2004, trung tâm đã kết hợp với Trường đại học quốc gia Hà Nội cùng với sự tài trợ của Hiệp hội Bảo tồn thế giới (WCS) đã điều tra tại một số tỉnh ở miền Bắc VN. Bước đầu đã có một số thông tin về những cá thể cùng loài với rùa hoàn kiếm nằm rải rác tại một số địa điểm. Chính điều này đã hé mở hướng nghiên cứu tiếp theo của chúng tôi trong năm 2005, đó là tiếp tục khoanh vùng nghiên cứu và phỏng vấn người dân. Có thể, “cụ” rùa hoàn kiếm sẽ không còn cô đơn nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận