13/09/2019 10:16 GMT+7

Cụ ông mang án tử oan 43 năm tự đưa 4 tỉ tiền bồi thường cho người giúp đỡ

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TTO - Vụ việc cụ ông Trần Văn Thêm hơn 40 năm mang thân phận tử tù ngỡ đã kết thúc có hậu khi được giải oan, thì lại xảy ra lùm xùm khi người thân của cụ tố những người giúp đỡ giải oan chiếm đoạt hơn 4 tỉ đồng.

Cụ ông mang án tử oan 43 năm tự đưa 4 tỉ tiền bồi thường cho người giúp đỡ - Ảnh 1.

Sau 3 năm được minh oan và xin lỗi, cụ Trần Văn Thêm đã được nhận tiền bồi thường vào tháng 6-2019 - Ảnh: THÂN HOÀNG

Ngày 13-9, thông tin từ Công an huyện Yên Phong, Bắc Ninh cho biết đã có kết quả giải quyết tố cáo của ông Trần Văn Sáu về việc tiền bồi thường oan sai của bố mình bị người khác chiếm đoạt.

Theo nội dung đơn, ông Sáu cho biết bố mình là cụ ông Trần Văn Thêm (82 tuổi, ngụ huyện Yên Phong, Bắc Ninh) được bồi thường 6,7 tỉ đồng sau 43 năm mang án tử oan, nhưng chỉ mang về hơn 2 tỉ đồng.

Theo ông Sáu, ông Nguyễn Văn Hòa (công tác tại Công ty luật Hòa Lợi thời điểm đại diện pháp lý cho cụ ông Trần Văn Thêm) sau khi nhận tiền bồi thường chỉ đưa cho ông Thêm 5 sổ tiết kiệm, mỗi sổ 500 triệu đồng.

Trên đường từ Hà Nội về Bắc Ninh, ông Thêm lại cho cháu mình là Trần Văn Được 1 sổ tiết kiệm. Ông Thêm chỉ cầm về nhà 4 sổ tiết kiệm cùng 100 triệu đồng tiền mặt.

Con trai ông Thêm tố cáo ông Hòa và ông Được chiếm đoạt số tiền còn lại nên đề nghị công an điều tra.

Sau hơn 2 tháng xác minh, Công an huyện Yên Phong kết luận không có việc chiếm đoạt tài sản trong vụ việc trên.

Cụ thể, ông Thêm được ông Hòa, ông Được và một người khác giúp đỡ trong quá trình kêu oan về bản án tử về tội giết người. Kết quả, ngày 8-8-2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Thêm.

Tiếp đó, ông Thêm được các cơ quan tố tụng tổ chức xin lỗi công khai sau hơn 40 năm ông mang thân phận tử tù.

Công an cũng kết luận sau khi được nhận 6,7 tỉ đồng tiền bồi thường, ông Thêm đã tự nguyện đưa cho ông Hòa số tiền 2,7 tỉ đồng và đưa cho anh Được hơn 1,3 tỉ đồng. Do đó không có hành vi chiếm đoạt tiền của ông Thêm theo nội dung đơn tố cáo của ông Sáu.

Công an huyện Yên Phong ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Trước đó, trả lời trên báo chí, ông Sáu cho biết trong quá trình cụ Thêm đi tìm công lý, do bận việc nên ông và những người con khác của cụ Thêm không tham gia lần nào, chỉ có người cháu là anh Trần Văn Được tham gia.

Anh Được đã tìm đến ông Hòa đề nghị cùng đồng hành kêu oan thành công cho cụ Thêm.

Theo hồ sơ vụ án, đêm 23-7-1970, ông Thêm và người em họ là Nguyễn Khắc Văn đi xe đạp thồ từ huyện Yên Phụ (Bắc Ninh) đến huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) để bán thuốc lào và mua quả trám đen.

Khi cả hai ghé vào ngủ tại một lều cắt tóc lụp xụp cạnh Cầu Diện (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú cũ) thì bị cướp tấn công. Hai anh em chống cự, đánh lại khiến tên cướp lao xuống sông tẩu thoát.

Khi dân làng nghe tiếng kêu cứu chạy đến thấy trên tay ông Thêm vẫn cầm chiếc cọc thồ dính máu. Ông Văn chết trên đường đi cấp cứu.

Dù bị cướp đánh gây vết thương nặng trên đầu, ông Thêm vẫn bị cáo buộc giết em họ để cướp của.

Năm 1973, TAND tỉnh Vĩnh Phú xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Thêm tử hình về tội giết người. Một năm sau, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội bác kháng cáo kêu oan của ông và y án sơ thẩm.

Ngày 29-12-1975, ông Thêm được trả tự do vì một tên cướp bị bắt và khai nhận hành vi giết chết ông Văn cũng như đánh ông Thêm bị thương.

Được trả tự do sau hơn 5 năm 6 tháng 7 ngày ngồi tù oan nhưng ông Thêm vẫn phải mang thân phận bị can, đến ngày 8-8-2016 mới được Bộ Công an ký quyết định đình chỉ điều tra vụ án.

Hành trình 46 năm kêu oan của tử tù Trần Văn Thêm Hành trình 46 năm kêu oan của tử tù Trần Văn Thêm

TTO - Cũng là nạn nhân bị cướp đánh trọng thương nhưng ông Trần Văn Thêm lại bị buộc tội giết người, bị biệt giam nhiều năm chờ ngày ra pháp trường và 43 năm sau mới được giải oan.

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên