"Lụi đâu trúng đó", "Lụi 9 trúng 10", "Lụi toàn C", "Đề này ra minh họa rồi thì không ra thi chính thức đâu"... Đó là vô số tựa đề rao hấp dẫn của các clip trên Facebook, TikTok bày cách đánh trắc nghiệm trong kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM và thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT).
Ngoài hướng dẫn lụi trắc nghiệm, nhiều video TikTok còn chỉ cách "bói" đề thi ngữ văn bằng bài Tarot. Hay với cả bài thi IELTS, một số TikToker cũng đăng đàn chỉ mẹo dự đoán đề với độ chính xác cam kết lên tới 99%.
Trăm kiểu lụi trắc nghiệm online
Xem qua một số video, có thể dễ dàng nhận thấy đó là những suy luận vô căn cứ, mơ hồ. Như bài tập điền khuyết trong tiếng Anh, nhiều TikToker hướng dẫn khoanh trắc nghiệm bằng cách lấy... thước đo khoảng cách đáp án trống trên đề và các đáp án, nếu chiều dài bằng nhau thì suy ra đáp án đúng.
Hay ở những câu hỏi môn địa lý, nhiều TikToker khuyên cứ thấy đáp án nào có chữ "chính sách", "phân bố rộng nhưng không đều" thì cứ an tâm mà khoanh. Còn với các câu hỏi môn lịch sử, nếu thí sinh "bí", một số TikToker chỉ chiêu chọn câu nào có từ "nhân dân".
Một tài khoản có tên "Hiệu sách luyện thi" đã đăng video của thầy giáo P.H.G. chỉ cách làm bài thi trắc nghiệm toán ở kỳ thi tốt nghiệp THPT bằng cách làm chắc 34 câu trắc nghiệm đầu tiên, sau đó đếm xem có bao nhiêu phương án A, B, C, D.
Phương án nào có 5 lần ra đáp án thì loại (chẳng hạn loại phương án A); và với ba phương án còn lại (B, C, D), học sinh chọn một phương án đã ra ít nhất (chẳng hạn B). Cuối cùng, tài khoản này hướng dẫn khoanh 16 câu tiếp theo của đề thi là đáp án này (đáp án B).
Video của thầy giáo này đã lên xu hướng với hơn 300.000 lượt xem và 10.000 lượt yêu thích.
Đạt hơn 2 triệu lượt xem và 200.000 lượt yêu thích, video của TikToker H.t.3 đăng lên kèm dòng chú thích "Cách này áp dụng được cho mọi bài tập đều đúng nha".
Cụ thể, TikToker này chỉ cách khoanh bừa đáp án bằng cách sử dụng máy tính Casio nhập đề bài, sau đó cứ đoán các con số đang xuất hiện trên màn hình máy tính mà chọn đáp án.
Đã áp dụng và đạt... 4 điểm
Bạn Phạm Thị Kim Ngọc, học sinh Trường THPT Rạch Kiến (tỉnh Long An), cho hay thường coi các video chỉ cách khoanh trắc nghiệm online trên mạng. Thử áp dụng vào bài kiểm tra môn hóa ở lớp, kết quả Ngọc đạt 4 điểm ở bài thi này.
Từ lần 4 điểm đó, Ngọc đã biết được những nguy hại đằng sau cách học này. Ngọc nói: "Mình thấy việc áp dụng mẹo khiến cho bản thân bị máy móc, các mẹo sẽ không đảm bảo được tính chính xác ở mức tuyệt đối, nên thay vì dùng thời gian để học các mẹo, mình thường học lại từ đầu để nắm bản chất các kiến thức".
Tương tự, La Quốc Vinh - học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (Sóc Trăng) - thường xuyên coi những video chỉ cách khoanh trắc nghiệm môn toán của thầy P.H.G., thậm chí còn có cả sách chỉ phương pháp khoanh bừa với tên "VUA TRẮC NGHIỆM".
Quốc Vinh cho biết việc học những mẹo lụi nhanh từ các video trên mạng có thể giúp học sinh may mắn đúng được một vài câu trắc nghiệm không biết. Tuy nhiên, việc làm này có nhiều giới hạn như khiến bản thân thụ động.
Định hướng thi tốt nghiệp theo tổ hợp khối C00 và yếu môn toán nên Hà Ngọc Tú - học sinh Trường THPT Long Châu Sa (Phú Thọ) - thường xuyên quan tâm đến cách khoanh bừa môn này.
Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ những bạn bè từng là "nạn nhân" của việc lụi theo phán đoán không căn cứ, Tú vẫn tự nhủ sẽ cố gắng học kỹ một số phần để làm chắc 5-6 câu đạt trên điểm liệt rồi mới tính tới mẹo khoanh lụi.
"Học mẹo sẽ tiết kiệm tối ưu thời gian, có thêm thời gian tập trung vào những môn ưu thế nhưng cũng khiến bản thân thiếu sự tập trung, sa đà dẫn đến hậu quả không thể áp dụng ở tất cả các loại câu hỏi.
Mình nghĩ xu hướng ra đề bây giờ thường hỏi những câu khó có thể áp dụng được phương pháp lụi hay mẹo. Còn với những môn không ưu thế, mình vẫn dùng các mẹo để chống liệt" - Tú nói.
Chưa được kiểm chứng, gây hoang mang
Thầy Đinh Gia Thiện - hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu (Quảng Nam) - cho biết các mẹo làm bài là những cách làm chưa được kiểm chứng khoa học, khiến học sinh và phụ huynh hoang mang. Nhà trường, cha mẹ nên động viên học sinh tập trung ôn luyện để làm bài bằng thực lực của mình. Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh cần thực hiện kế hoạch học tập khoa học.
"Cần có kế hoạch thời gian biểu hợp lý, chọn không gian học yên tĩnh và có chế độ nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý để giữ sức khỏe tốt. Mỗi học sinh nên có một cuốn sổ ghi nhật ký, những lưu ý cho các môn học và tạo thói quen ghi chú. Cần đa dạng hình thức học, học chắc kiến thức cơ bản, tham khảo đề thi các năm trước và đề tham khảo năm nay của Bộ GD-ĐT" - thầy Thiện nói.
Học rộng, học sâu, không học tủ
Theo ông Đinh Văn Thạch, chuyên viên khảo thí phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), các đề thi hiện nay thường có hai phần cơ bản: phần câu hỏi và phần các đáp án trả lời (có một đáp án đúng, các đáp án còn lại gọi là phương án nhiễu).
Với cấu trúc như vậy, đề thi hình thức trắc nghiệm khách quan sẽ mang các đặc tính cơ bản gồm: độ khó, độ phân biệt và độ phỏng đoán.
Mỗi câu hỏi sẽ có một mức độ có thể được phỏng đoán nhất định. Đây chính là căn cứ để một số người dựa vào để đưa ra các mẹo về đoán đáp án, bấm máy...
Ông Thạch cho biết thêm hình thức thi trắc nghiệm khách quan đòi hỏi học sinh phải học sâu và rộng, không thể học tủ, học lệch.
Bên cạnh đó, đề thi cũng được thiết kế ở nhiều mức độ tư duy khác nhau nên đòi hỏi học sinh cần phải học nâng cao nếu muốn đạt điểm cao trong các kỳ thi. Thông thường, một bộ đề thi gồm nhiều câu hỏi thì xác suất đoán mò sẽ thấp và tất nhiên điểm không thể nào ở mức trung bình trở lên được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận