02/09/2022 10:51 GMT+7

Cụ bà 91 tuổi, 47 năm đọc báo Tuổi Trẻ

HÀ THANH - HOÀNG NHƯ
HÀ THANH - HOÀNG NHƯ

TTO - Dù đôi tai không còn nghe rõ, đôi mắt cụ bà vẫn tinh anh đọc hết tờ Tuổi Trẻ mỗi ngày. Ngày nào không có báo, cụ thấy 'thiếu thiếu điều gì'.

Cụ bà 91 tuổi, 47 năm đọc báo Tuổi Trẻ - Ảnh 1.

Bà Tám năm nay 91 tuổi, đã gắn bó với báo Tuổi Trẻ 47 năm - Ảnh: HÀ THANH

Ở khu chợ Mỹ Lồng (huyện Giồng Trôm, Bến Tre), bà con đã quen với hình ảnh cụ bà ngồi trước sạp hàng cầm trên tay tờ báo Tuổi Trẻ đọc mỗi sáng.

Năm nay cụ Hồ Thị Thuận (tên thường gọi là bà Tám) bước sang tuổi 91. Dù đôi tai không còn nghe rõ, nhớ nhớ quên quên, nhưng sáng nào bà Tám cũng vẫn nhớ đọc báo Tuổi Trẻ.

Dịp lễ 2-9, trong 3 ngày báo giấy tạm nghỉ (từ 1-9 đến 3-9-2022), bà Tám như thấy "thiếu thiếu" điều gì, luôn miệng hỏi con trai: "Báo chưa có về, chưa có báo đọc hả? Sao giờ này chưa có báo?".

Ông Võ Thanh Phong (con trai bà Tám) kể lại trước năm 1975, gia đình ông mở sạp báo ở chợ Mỹ Lồng. Đó cũng là sạp báo duy nhất ở chợ kể từ thời điểm đó đến nay. Mẹ ông đã gắn bó với tờ Tuổi Trẻ kể từ ngày báo thành lập, mỗi ngày phải đọc hết 5 tờ báo. 

"Mẹ đọc tờ Tuổi Trẻ đầu tiên, báo về đến nơi là đọc hết. Đọc hết Tuổi Trẻ thì đọc sang Thanh Niên, rồi tờ Đồng Khởi, Pháp Luật, Công An" - ông Phong chia sẻ.

Đọc hết tin tức trên tờ Tuổi Trẻ, hễ ai vào mua hàng là bà Tám kể cho nghe hôm nay trên trang nhất Tuổi Trẻ có gì, đưa tin nóng gì, bài nào hay... Ở khu chợ này, bà Tám tựa như "kênh tin tức" nóng hổi của người dân.

Không chỉ có mẹ, ông Phong cũng đã có 47 năm gắn bó với tờ báo. Ông cho biết, ở chợ bà con cũng đã quen đọc tờ Tuổi Trẻ, là tờ báo bán chạy nhất trong ngày. Thời điểm dịch COVID-19, báo không về được nên ai cũng thấy thiếu vắng. Thay vào đó, ông Phong tiếp cận thông tin qua kênh Tuổi Trẻ Online để kịp thời cập nhật các tin tức thời sự.

"Tôi hay đọc Tuổi Trẻ vì tin mới là báo đưa lên liền, độc giả tiếp cận nhanh. Tôi đã quen đọc tờ báo giấy, thường lướt qua trang nhất xem hôm nay có gì là lật giở ra đọc liền. Suốt 47 năm nay, gia đình tôi đọc Tuổi Trẻ vì thấy tin yêu, tin tưởng" - ông Phong chia sẻ.

Nhân kỷ niệm 47 năm thành lập báo, gia đình ông Phong gửi lời chúc đến Ban biên tập và toàn thể cán bộ nhân viên, đội ngũ phóng viên luôn dồi dào sức khỏe, nhiệt huyết với nghề.

"Mong Tuổi Trẻ tiếp tục tấn tới, ra mắt nhiều chuyên mục hay để tiếp tục phục vụ bà con nhân dân tốt hơn" - ông gửi gắm.

Cụ bà 91 tuổi, 47 năm đọc báo Tuổi Trẻ - Ảnh 2.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Cảnh ngày nào cũng đặt mua tờ báo Tuổi Trẻ - Ảnh: HÀ THANH

Duy trì tình cảm để báo Tuổi Trẻ phát triển thêm

Trong căn phòng nhỏ ở ấp 1, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, thầy giáo Nguyễn Ngọc Cảnh (giáo viên nghỉ hưu) nâng niu trên tay tờ Tuổi Trẻ số báo gộp ngày 1-9.

Suốt mấy chục năm qua, sáng nào thầy Cảnh cũng phải có tờ Tuổi Trẻ đọc vì "thích báo Tuổi Trẻ nên theo dõi báo". Đợt này tuổi cao sức yếu, nhưng ngày nào thầy cũng nhờ người nhà ra khu chợ Mỹ Lồng đặt mua báo.

"Câu chuyện thời sự hay lắm, tin tức đưa ra kịp thời, chính xác, phóng sự của báo Tuổi Trẻ cũng đặc sắc, rõ ràng. Duy trì tình cảm này để báo Tuổi Trẻ phát triển thêm" - thầy Cảnh chia sẻ.

Đặc san Tuổi Trẻ 2-9:  Khởi nghiệp dựng cơ đồ xanh Đặc san Tuổi Trẻ 2-9: Khởi nghiệp dựng cơ đồ xanh

TTO - Chào mừng 77 năm Quốc khánh 2-9, Tuổi Trẻ ra mắt số báo đặc biệt mang chủ đề "Cam kết phát triển xanh".

HÀ THANH - HOÀNG NHƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên