Không chấp hành mệnh lệnh, bà Hà cùng chiếc xe bị CSGT đưa về trạm để xử lý - Ảnh: A LỘC |
Mới đây, câu chuyện CSGT Công an tỉnh Đồng Nai cẩu ôtô có cả người lái xe vi phạm về trụ sở giải quyết khiến dư luận quan tâm.
Trong khi nhiều ý kiến băn khoăn về cách hành xử của CSGT thì cũng không ít người không đồng tình với phản ứng của người lái ôtô.
Có nhất thiết cẩu cả xe lẫn người?
Ông Phạm Việt Công, trưởng Phòng hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ Cục CSGT, cho biết kết quả xác minh cho thấy ngày 13-9, bà Hà điều khiển ôtô vượt đèn vàng và bị CSGT ra hiệu dừng xe, yêu cầu xuất trình giấy tờ.
Tuy nhiên, bà Hà không chấp hành và bất ngờ tăng tốc bỏ chạy. Sau đó, tổ CSGT truy đuổi kịp và tiếp tục yêu cầu tài xế xuất trình giấy tờ nhưng bà Hà vẫn không hợp tác, không chịu ra khỏi xe.
Sau hơn 2 giờ thuyết phục không thành, lực lượng chức năng đã điều xe cẩu kéo cả xe và tài xế về trạm CSGT ngã ba Thái Lan để xử lý theo quy định.
Một lãnh đạo Cục CSGT cho rằng trường hợp cẩu xe có cả người vi phạm bên trong là không có quy định cụ thể, nhưng để đảm bảo kỷ cương, trật tự an toàn giao thông thì cách xử trí như vậy là cần thiết.
“Khi có hiệu lệnh, yêu cầu từ người thực thi pháp luật thì người tham gia giao thông phải chấp hành” - vị này nói.
Nhiều CSGT làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát cho biết thực tế nhiều trường hợp say xỉn, phê ma túy... kiên quyết không hợp tác, cố thủ trong xe thì CSGT sau khi giải thích, thuyết phục không thành mới dùng đến biện pháp mạnh, cương quyết hơn.
“Tuy nhiên, dù là biện pháp gì đi nữa cũng phải bảo đảm an toàn, tài sản, tính mạng cho người vi phạm” - vị lãnh đạo Cục CSGT nhấn mạnh.
Chia sẻ về việc này, lãnh đạo một đội CSGT thuộc Phòng CSGT Công an Đồng Nai cho biết: “Tôi xử lý vi phạm giao thông đã nhiều nhưng chưa thấy trường hợp nào như vừa xảy ra. Nếu gọi là cẩu cả xe lẫn người thì dễ gây ngộ nhận giống như cẩu container.
Thực tế, CSGT thường dùng xe chuyên dụng đưa bàn nâng tự động đưa xe lên (độ cao chừng 60cm) như xử lý các trường hợp khác”.
Trung tá Nguyễn Đức Huấn - đội phó đội CSGT số 4 (Phòng CSGT Công an Hà Nội) cho biết đợt cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn vừa qua xử lý hơn 100 trường hợp vi phạm. Trong số đó có nhiều tài xế không chấp hành hiệu lệnh, bỏ xe giữa đường.
“Với những trường hợp bỏ xe thì chúng tôi sẽ ghi lại các chứng cứ, lập biên bản về việc vi phạm nồng độ cồn và biên bản không chấp hành hiệu lệnh, tạm giữ phương tiện và xử lý sau” - ông Huấn nói.
Theo ông Công, luật không cấm việc CSGT cẩu cả xe lẫn người vi phạm. Lực lượng làm nhiệm vụ trên đường sẽ tùy tình huống cụ thể để xử lý, đối với những trường hợp chống đối, bất khả kháng sẽ dùng biện pháp cưỡng chế là cẩu phương tiện vi phạm về đơn vị để xử lý.
“Xử phạt nguội thì chỉ dùng trong các trường hợp sử dụng các phương tiện camera giám sát ghi lại hình ảnh vi phạm để xử lý. Trong những trường hợp có dấu hiệu lạ, chống đối thì CSGT phải xác minh sâu hơn vì có thể phát hiện tội phạm hình sự.
Nếu không cẩu xe về để xử lý, xác minh sâu hơn mà sau này xảy ra vấn đề đây là tội phạm hình sự thì chính lực lượng làm nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm” - ông Công nói.
Dân được quyền giám sát, khiếu nại
Luật sư Vũ Quang Đức cho rằng luật quy định CSGT có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về giữ gìn trật tự giao thông. Còn người tham gia giao thông phải chấp hành sự điều khiển giao thông, hiệu lệnh cũng như các yêu cầu kiểm tra xử lý vi phạm.
Đương nhiên luật cũng quy định người dân có quyền giám sát, khiếu nại, tố cáo lực lượng CSGT nếu có những hành xử chưa đúng.
Còn luật sư Phạm Tấn Thuấn cho rằng người tham gia giao thông có quyền giám sát để hạn chế những hành xử, cách xử lý vi phạm không đúng quy định của CSGT, như bố trí camera hành trình cho ôtô để ghi lại làm bằng chứng khi CSGT xử lý vi phạm sai (nếu có).
Ngoài ra khi bị CSGT dừng xe, lập biên bản, người dân có quyền ghi hình, ghi âm lại quá trình xử lý của CSGT. Nếu không đồng tình với nội dung biên bản vi phạm được lập, người bị dừng xe có thể yêu cầu CSGT giải thích và ghi ý kiến phản đối của mình vào biên bản.
Từ đó, người bị xử lý có thể sử dụng làm bằng chứng khiếu nại, tố cáo việc xử lý vi phạm của CSGT.
Theo ông Công, người dân cũng có quyền khiếu nại các quyết định xử phạt của CSGT. Nếu chứng minh được lực lượng CSGT làm không đúng quy trình, có vi phạm thì bị xử lý nghiêm.
Không cần thiết và phản cảm * Người vi phạm chỉ ở mức xử lý hành chính nên việc CSGT cho cẩu cả xe và người đi là không cần thiết, dễ gây phản cảm. Chiếc xe của cô ấy đậu trước cổng công ty nên việc xử lý vi phạm vượt đèn vàng có thể yêu cầu cô ấy đưa xe vào phía trong công ty, đưa bằng chứng hình ảnh để xử lý vừa tránh ùn tắc, hiếu kỳ trên quốc lộ 51 mà không gây ồn ào, mất trật tự. Tôi thấy cách xử lý như vậy là đặt nặng việc xử phạt mà thiếu quan tâm đến tính mạng của cô ấy ở trên xe. Nếu trong quá trình cẩu xe đi, tính mạng của cô ấy có chuyện gì thì sao? * Theo quy định, CSGT được quyền cưỡng chế cẩu các phương tiện vi phạm về đơn vị để xử lý khi tài xế chống đối không chấp hành hiệu lệnh. CSGT cũng được quyền tạm giữ người điều khiển phương tiện và phương tiện vi phạm trong trường hợp CSGT có căn cứ để cho rằng cần ngăn chặn, đình chỉ ngay các hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc gây thương tích cho người khác. Tuy nhiên chỉ có trưởng phòng CSGT mới có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Trong trường hợp cẩu cả người, cả xe khi chưa có quyết định tạm giữ người thì có dấu hiệu của việc thực hiện chưa đúng các quy định của luật và phản cảm. Ở đây phải xác định rõ hành vi của bà Hà có biểu hiện chống đối người thi hành công vụ, gây rối trật tự hay có khả năng gây thương tích cho người khác hay không thì mới ra quyết định tạm giữ cả người và xe. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận