13/12/2023 15:52 GMT+7

COP28 đạt thỏa thuận lịch sử về nhiên liệu hóa thạch

Thỏa thuận khí hậu Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước chuyển tiếp khỏi dầu, khí đốt, than, đánh dấu lần đầu tiên toàn bộ nhiên liệu hóa thạch bị nêu trực diện tại COP28.

Người biểu tình đòi chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở Dubai ngày 12-12 - Ảnh: AFP

Người biểu tình đòi chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở Dubai ngày 12-12 - Ảnh: AFP

Sau 13 ngày đàm phán căng thẳng ở Dubai, ngày 13-12, Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đạt được thỏa thuận nhằm ngăn tác động của biến đổi khí hậu.

"Thế giới cần tìm ra một con đường mới. Và khi đi theo Sao Bắc Đẩu, chúng ta đã tìm ra con đường mới đó", Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber nói trong tiếng vỗ tay, đề cập đến mục tiêu ngăn Trái đất nóng lên ở mức 1,5 độ C.

Chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch

Theo đó, thỏa thuận kêu gọi "chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng, một cách công bằng, có trật tự và hợp lý, thúc đẩy hành động trong thập kỷ quan trọng này, để đạt được mức 0 ròng vào năm 2050 phù hợp với khoa học".

Tuy nhiên, dự thảo không đề cập đến việc "loại bỏ" nhiên liệu hóa thạch như đòi hỏi của các quốc gia phương Tây và các quốc đảo dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng và bão nhiệt đới.

Thỏa thuận nhận được sự đồng thuận từ gần 200 quốc gia đang họp tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), sau các cuộc đàm phán kéo dài do nhiều tranh cãi về vấn đề nhiên liệu hóa thạch, trong đó có sự phản đối từ nhóm các nước sản xuất dầu OPEC và các đồng minh.

Mặc dù không sử dụng thuật ngữ "loại bỏ" nhiên liệu hóa thạch, dự thảo kêu gọi các nỗ lực hướng tới việc giảm dần "năng lượng than không suy giảm". Điều này có nghĩa là than có thể tiếp tục được sử dụng cùng công nghệ thu hồi carbon để giảm lượng khí thải, bị nhiều nhà môi trường cho rằng chưa thể chứng minh được.

Dự thảo thỏa thuận cũng kêu gọi "loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả, không giải quyết được tình trạng nghèo năng lượng".

Ngoài ra, dự thảo còn kêu gọi tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030, đẩy nhanh nỗ lực giảm lượng than và tăng tốc các công nghệ như thu hồi và lưu trữ carbon.

Chiến thắng cho khí hậu

Các nước đạt được thỏa thuận khí hậu sau gần 2 tuần đàm phán - Ảnh: REUTERS

Các nước đạt được thỏa thuận khí hậu sau gần 2 tuần đàm phán - Ảnh: REUTERS

"Đây là lần đầu tiên thế giới đoàn kết xung quanh một văn bản rõ ràng như vậy về sự cần thiết phải chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Cuối cùng, chúng tôi đã giải quyết được vấn đề đó", Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Na Uy Espen Barth Eide nói.

Ngay sau khi đạt được thỏa thuận, Liên Hiệp Quốc và các nước đã lên tiếng kêu gọi hành động. 

"Thỏa thuận COP28 vừa được thông qua là một thắng lợi cho chủ nghĩa đa phương và ngoại giao về khí hậu. Bây giờ chúng ta cần đưa ra kế hoạch loại bỏ nhiên liệu hóa thạch" - Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher phát biểu. 

Trong khi đó, đại diện Mỹ tại hội nghị, ông John Kerry, đánh giá thỏa thuận là điểm sáng lạc quan giữa thế giới đầy xung đột.

"Kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch phải kết thúc và nó phải kết thúc với sự công bằng và bình đẳng", Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh.

Đây là lần đầu tiên sau ba thập kỷ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP, các quốc gia nhất trí về việc phối hợp giảm sử dụng dầu, khí đốt và than đá, vốn chiếm 80% năng lượng toàn cầu. 

Các nhà khoa học cho biết nhiên liệu hóa thạch cho đến nay là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu.

Người vắng mặt ở COP28Người vắng mặt ở COP28

TTCT - Tham dự không sót kỳ COP (hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc) nào, nhưng đến đúng lúc mọi thứ có vẻ dần thành hình thì lại vắng mặt, vì đã từ giã cõi đời đúng một tháng trước. Đó là chuyện của nhà khoa học người Bangladesh Saleemul Huq.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên