08/07/2010 07:22 GMT+7

Công viên Chi Lăng đã biến dạng

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TT - Câu hỏi “công viên Chi Lăng của ai?” tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND TP.HCM vẫn là câu hỏi được nhiều đại biểu quan tâm. Sáng 7-7, đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa đã đi thực tế quanh công viên Chi Lăng.

XxuKPidA.jpgPhóng to
Lối đi từ tầng hầm tòa nhà Vincom trổ lên khuôn viên công viên Chi Lăng (phía đường Đồng Khởi). Trong ảnh: đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa “thăm” công viên Chi Lăng sáng 7-7 - Ảnh: T.Đạm

Đến bậc tam cấp của tòa nhà Vincom hướng đường Đồng Khởi (Q.1), đại biểu Nghĩa nói ngay: không như giám đốc Sở Quy hoạch và kiến trúc TP Trần Chí Dũng trả lời chất vấn “khi phê duyệt quy hoạch không có lối đi trực tiếp từ công viên Chi Lăng vào tòa nhà”.

Theo đại biểu Nghĩa, công năng của công viên Chi Lăng hiện không đúng nghĩa là một công viên, một không gian công cộng để người dân lui tới nghỉ ngơi, thư giãn, hưởng thụ không khí trong lành. Đại biểu Nghĩa nói phải làm rõ ranh ngăn cách giữa tòa nhà Vincom và công viên để phân biệt đâu là khuôn viên của tòa nhà, đâu là không gian công cộng. Đặc biệt, theo đại biểu Nghĩa, không thể chấp nhận có hai lối đi trực tiếp từ tòa nhà Vincom ra công viên và ngược lại. Trước đây, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài đã chỉ đạo: “Ngoài việc tuyệt đối không được giảm diện tích công viên Chi Lăng thì không được xây dựng lối đi trực tiếp từ tòa nhà Vincom ra công viên và ngược lại”.

Đi dọc dãy cây xanh rất thấp, được gọi là hàng rào ngăn cách giữa tòa nhà và không gian công cộng của công viên Chi Lăng, đại biểu Nghĩa nói: “Cái này là cây cối trang trí thôi chứ không phải là ranh giới để phân biệt rõ đâu là khuôn viên của tòa nhà Vincom, đâu là không gian công cộng”. Theo đại biểu Nghĩa, hoàn toàn có thể làm được hàng rào đảm bảo ngăn cách giữa khuôn viên tòa nhà Vincom và khuôn viên công viên nhưng vẫn đảm bảo mỹ quan. Ông nhấn mạnh công viên là công viên, chứ không phải là mặt tiền của tòa nhà Vincom.

Bước ra phía mặt đường Đồng Khởi, đại biểu Nghĩa bất ngờ khi thấy có bậc thang với lối đi xuống như địa đạo. Ông đã đi hẳn xuống phía dưới và cho biết thực chất đây là cửa từ bề mặt công viên chui xuống hầm bên dưới công viên thuộc cụm công trình của tòa nhà Vincom, ở cửa có đề rõ là “lối ra công viên”, nghĩa là đã sử dụng chức năng công viên để làm lối đi. Theo đại biểu Nghĩa, nếu sử dụng lối đi này để thoát hiểm thì có thể chấp nhận được, nhưng nếu dùng làm lối đi thường xuyên cho khách của tòa nhà Vincom thì cần phải giám sát, kiểm tra xem như vậy có đúng không.

Sau khi đi thực tế, đại biểu Nghĩa nói ông có cảm giác như công viên Chi Lăng hiện nay là mặt tiền, là khuôn viên xanh của tòa nhà Vincom nhiều hơn là một công viên công cộng.

* PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (trưởng bộ môn đô thị học Trường ĐH KHXH&VN, ĐHQG TP.HCM): Công viên Chi Lăng không còn nguyên trạng

Vấn đề liên quan đến công viên Chi Lăng mà các đại biểu HĐND TP bức xúc tôi đã đặt ra với Công ty cổ phần Vincom khi dự án tòa nhà Vincom còn trong giai đoạn thiết kế. Mặc dù Công ty cổ phần Vincom đã cam kết trả lại nguyên trạng công viên Chi Lăng nhưng trên thực tế không thể làm được điều này. Thứ nhất, dưới công viên Chi Lăng hiện nay là các tầng hầm và lớp đất để trồng cây bên trên khá mỏng nên chỉ có thể trồng những loại cây cảnh trang trí, không tạo bóng râm, không trồng được những cây cổ thụ cao tầng, tán lớn như ban đầu. Thứ hai, thiết kế công viên Chi Lăng hiện nay giống với sân vườn hơn là công viên và những người đến vui chơi, giải trí tại đây có cảm giác không được tự do, thoải mái như trước đây bởi luôn có sự “giám sát” từ những người ở các tầng cao của tòa nhà Vincom nhìn xuống. Thứ ba, bản thân công viên đã bị Vincom lấy đi hơn 65m2 để đặt hai lối thoát hiểm cho các tầng hầm.

* Một cán bộ Phòng quản lý cây xanh (Sở Giao thông vận tải TP): Diện tích cây xanh đã bị thu hẹp

Tôi đã cùng với các sở, ngành TP đi kiểm tra hiện trạng công viên Chi Lăng. Công viên hiện nay không thể so với công viên cũ, bởi diện tích cây xanh bị thu hẹp và không thể phát triển mảng xanh như trước đây do tầng đất phía dưới là tầng hầm. Vừa qua chúng tôi còn phát hiện ngay tại vị trí thông hơi tầng hầm (thuộc khuôn viên tòa nhà Vincom) tiếp giáp với công viên Chi Lăng hiện tượng cây xanh bị khô héo, chết. Đây là hiện tượng làm nhiều người lo ngại, có thể do khí từ tầng hầm tòa nhà Vincom gây ra. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên - môi trường TP khảo sát đánh giá vấn đề này.

* Ông Nguyễn Văn Nam (một người dân trên đường Lê Thánh Tôn, Q.1): Không còn là công viên công cộng

Công viên Chi Lăng hiện nay thay đổi quá nhiều so với trước đây, không còn là một công viên công cộng nữa. Trước đây, công viên có nhiều cây cao to cho bóng mát nhưng giờ được thay bằng những cây mới trồng nhìn rất thưa thớt. Diện tích mảng xanh cũng ít đi, thay vào đó là những phiến đá lót đường đi. Bây giờ mỗi khi ra công viên tập thể dục tôi rất e ngại trước ánh mắt của nhiều người, nhất là khách ra vào tòa nhà Vincom. Vì vậy mỗi buổi sáng tôi chỉ đi vài vòng ở công viên Chi Lăng rồi chạy ra công viên Tao Đàn để tập thể dục.

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên