Ý tưởng quy hoạch khu công viên 150ha ở phường Thạnh Xuân và Thới An do các doanh nghiệp trình bày tại tọa đàm - Ảnh: D.N.HÀ
Đó là những hiến kế tại tọa đàm về ý tưởng quy hoạch khu công viên cây xanh đa chức năng ở phường Thạnh Xuân và phường Thới An do Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM và UBND quận 12 tổ chức ngày 31-5.
Ông Nguyễn Văn Đức, chủ tịch UBND quận 12, cho biết UBND TP chấp thuận chủ trương cho UBND quận 12 lập quy hoạch 1/500 để triển khai thực hiện quy hoạch công viên cây xanh 150 hecta ở phường Thạnh Xuân và phường Thới An. Ông Đức mong rằng các chuyên gia có thể góp ý cho quận 12 định hướng để thực hiện công viên và đề xuất những chính sách phù hợp.
Khai thác giá trị bất động sản?
Một số ý kiến tại tọa đàm đề xuất làm công viên 150 hecta phường Thạnh Xuân gắn liền với những dịch vụ kèm theo như khu nghỉ dưỡng có lưu trú, khách sạn, nhà cao tầng, các dịch vụ y tế giáo dục…
Đại diện tập đoàn Infinity Group trình bày ý tưởng chia công viên cây xanh Thạnh Xuân thành 4 phần không gian chính là không gian cây xanh, điểm nhấn, giải trí, cộng đồng. Trong đó, có đầu tư quảng trường lớn và những công trình điểm nhấn, là biểu tượng của quận.
Phân vùng xanh có cảnh quan truyền tải những câu chuyện riêng, những thông điệp về bảo vệ môi trường, hoạt động tiện ích cho gia đình, trẻ em vui chơi, thiết bị để rèn luyện sức khỏe…
KTS Nguyễn Đình Hòa đề xuất mở rộng biên dự án sang quỹ đất xung quanh công viên. Trong đó phần công viên cây xanh 150 hecta. Những khu đất bên cạnh có thể được thu hồi để bán đấu giá lấy tiền đầu tư cho công viên.
Phương án thực hiện công viên 150 hecta của KTS Nguyễn Đình Hòa - Ảnh: D.N.HÀ
Hạn chế bê tông hóa
Trong khi đó, TS Nguyễn Ngọc Hiếu (Đại học Việt - Đức) đề xuất cần điều chỉnh quy hoạch đất xung quanh công viên để phát triển ngành nông nghiệp giải trí. "Không nên phân lô bán nền hoặc bê tông hóa toàn bộ khu vực. Cần chuyển dịch cơ cấu khu vực từ nông nghiệp, dân cư giá trị thấp thành nông nghiệp, dân cư, bất động sản giá trị cao".
Cũng theo ông Hiếu, công viên không cứ phải giải phóng mặt bằng, xây dựng cho khác đi mà chỉ cần giữ lại nước, chống bê tông hóa diện rộng…
Còn TS Nguyễn Hồng Quân, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, đề xuất nên khai thác kinh tế của công viên 150 hecta theo hướng phát triển mảng xanh để bán tín chỉ carbon (một loại tín chỉ về quyền phát thải khí nhà kính).
Theo TS Nguyễn Hồng Quân, đây mới là hướng kinh tế bền vững, lâu dài để giải bài toán cho việc đầu tư các khu công viên cây xanh.
Ông Đặng Phú Thành, phó giám đốc Sở Xây dựng, cho biết toàn TP.HCM hiện có 500 hecta công viên, trong khi quỹ đất quy hoạch công viên là 11.000 hecta. Ông Thành lưu ý quận 12 nên lưu ý khai thác lợi thế đường thủy khi thực hiện công viên cây xanh 150 hecta. Ông Thành cũng đề xuất cho UBND quận 12 thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trước để thuận tiện việc triển khai sau này, tránh trường hợp giá đất tăng cao gây khó khăn cho việc bồi thường.
Ông Đậu An Phúc, phó chủ tịch UBND quận 12, cho biết UBND quận sẽ tổ chức cuộc thi tuyển quốc tế ý tưởng thiết kế công viên cây xanh 150 hecta phường Thạnh Xuân và Thới An. Ông Phúc cho biết, UBND quận sẽ đặt đầu bài có nội dung giữ trọn vẹn 150 hecta cây xanh cho người dân quận 12 và những khu vực lân cận. Những công trình dịch vụ, tiện ích khác phải tính toán khai thác khu đất xung quanh công viên.
Ông Phan Văn Tuấn, phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc, thông tin rằng mô hình công viên 150 hecta là công viên đa chức năng, giải quyết các vấn đề về cây xanh, môi trường, ngập lụt… cho khu vực. Ông Tuấn đề nghị UBND quận 12 tính toán điều chỉnh quy hoạch các khu đất xung quanh công viên cho phù hợp. Phải tính xem việc bố trí khu tái định cư trong hay ngoài khu vực công viên 150 hecta, nếu dân số trong khu vực lớn thì cần bố trí bãi đậu xe ngầm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận