08/06/2024 12:50 GMT+7

Cong vẹo cột sống, không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ

Nhiều cha mẹ cho rằng trẻ bị cong vẹo cột sống chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, gây khó khăn trong sinh hoạt mà không biết rằng tình trạng này còn gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể.

Nhiều trẻ bị cong vẹo cột sống thăm khám khi tình trạng đã nặng - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Nhiều trẻ bị cong vẹo cột sống thăm khám khi tình trạng đã nặng - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Trong khi đó, nếu trẻ được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ ngăn chặn được tình trạng cong vẹo tiến triển, tránh được những ca phẫu thuật không đáng có.

Biến chứng từ cong vẹo cột sống

Sáng 8-6, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) có rất nhiều gia đình đưa con, em đi khám, tư vấn miễn phí bệnh lý cong vẹo cột sống, đây là chương trình do khoa phẫu thuật cột sống bệnh viện thực hiện hằng năm.

Đưa con gái 13 tuổi đến thăm khám, anh H. (Hà Nội) cho hay từ khi con 6 tuổi đã được các bác sĩ chẩn đoán có khối u vùng vai, cong vẹo cột sống do bẩm sinh. Khi đó, trẻ còn nhỏ nên chưa thể can thiệp.

Sau đó, tình trạng khối u phát triển, cong vẹo cột sống ngày càng nặng hơn khiến trẻ gặp khó khăn trong sinh hoạt, tự ti khi giao tiếp. Khi đến thăm khám, trẻ đã cong vẹo cột sống mức độ nặng, nguy cơ biến chứng.

Trực tiếp thăm khám cho trẻ, PGS.TS Đinh Ngọc Sơn - trưởng khoa phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho hay trẻ đã vẹo cột sống ở mức độ rất nặng cần được phẫu thuật. Theo bác sĩ Sơn, nếu trẻ không được can thiệp sớm, tình trạng cong vẹo sẽ nặng hơn, nguy cơ ảnh hưởng đến phổi và chức năng hô hấp của trẻ.

"Nhiều người cho rằng cong vẹo cột sống chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, song thực tế cong vẹo cột sống có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Trước đây, chúng tôi đã từng tiếp nhận trẻ bị cong vẹo cột sống biến chứng liệt.

Cong vẹo cột sống còn có thể gây biến dạng nặng cột sống và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của các cơ quan nội tạng khác như phổi, lồng ngực, gây ra thiểu sản lồng ngực, phế nang, gây suy hô hấp, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của trẻ", PGS Sơn thông tin.

Phát hiện sớm, điều trị hiệu quả

Đưa cháu gái 15 tuổi đến thăm khám cong vẹo cột sống, ông Hiến (trú tỉnh Lạng Sơn) chia sẻ cách đây 6 năm, gia đình phát hiện trẻ có hiện tượng vai lệch sang trái nhiều. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán trẻ bị cong vẹo cột sống.

PGS.TS Đinh Ngọc Sơn thăm khám cho trẻ bị cong vẹo cột sống - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

PGS.TS Đinh Ngọc Sơn thăm khám cho trẻ bị cong vẹo cột sống - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Đến năm 2019, trẻ được đưa đến Bệnh viện Việt Đức thăm khám và được các bác sĩ chỉ định mổ chỉnh hình cột sống.

"Trước khi phẫu thuật, gia đình đo chiều cao cho cháu. Sau phẫu thuật, khi đo lại cháu đã cao lên được 7cm, tình trạng lệch vai giảm đi rõ rệt. Sau đó, mỗi năm đều đưa cháu đến bệnh viện để phẫu thuật nới nẹp. So với 6 năm trước, hiện tình trạng của cháu đã tốt lên rất nhiều, mọi sinh hoạt thuận tiện hơn", ông Hiến chia sẻ.

Theo các bác sĩ, tùy theo mức độ cong vẹo cột sống sẽ có phương án điều trị khác nhau. Đối với tình trạng vẹo cột sống nhỏ, ít nguy cơ tiến triển, theo dõi định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm một lần.

Với đường cong lớn, nguy cơ tiến triển, trẻ sẽ được bó bột; đeo áo nẹp giúp ngăn chặn tiến triển đường cong, hoặc trì hoãn thời gian phẫu thuật để cột sống phát triển tối đa.

Cuối cùng là điều trị phẫu thuật với vẹo tiến triển nhanh, vẹo nặng, nguy cơ cao.

Bác sĩ Sơn cho biết đối với trẻ em, việc phẫu thuật chỉnh cột sống phải đảm bảo trẻ còn có thể tiếp tục phát triển chiều cao và các cơ quan khác.

"Trước đây, phẫu thuật cong vẹo cột sống cho trẻ sử dụng phương pháp nẹp tăng trưởng truyền thống. Dù vẫn mang lại hiệu quả nhưng phương pháp này có một nhược điểm là sau khi phẫu thuật, trẻ phải tiếp tục các phẫu thuật giãn nẹp, có những trẻ phải phẫu thuật giãn nẹp 11 lần.

Khoảng hai năm gần đây, với sự hỗ trợ của chuyên gia Hoa Kỳ, chúng tôi đã triển khai phương pháp phẫu thuật chỉnh vẹo cột sống cải tiến với thanh nẹp có thể trượt theo chiều dài xương mà không cần phải phẫu thuật chỉnh nẹp", PGS Sơn cho hay.

Chú ý tư thế ngồi học của trẻ

Theo PGS Đinh Ngọc Sơn, hiện nay cong vẹo cột sống là căn bệnh khá phổ biến. Số trẻ em bị cong, vẹo cột sống chiếm từ 0,5 - 1% dân số. Có đến 80 - 85% trường hợp bị cong, vẹo cột sống không rõ nguyên nhân, một số bị bệnh bẩm sinh. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp khác bị vẹo cột sống do ngồi sai tư thế lâu ngày.

"Trong các nguyên nhân gây cong vẹo cột sống ở trẻ em, nguyên nhân do ngồi sai tư thế có thể phòng tránh được. Trẻ ngồi sai tư thế ban đầu có thể chỉ xảy ra tình trạng co cơ, nhưng tình trạng kéo dài sẽ dẫn đến vẹo cột sống. Vì vậy, trẻ cần ngồi đúng tư thế, vận động, giãn cơ sau khi ngồi học.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần chú ý theo dõi tình trạng của trẻ, khi thấy trẻ có những biểu hiện như lệch vai cần nghĩ đến cong vẹo cột sống, đưa trẻ đi thăm khám và điều trị kịp thời", PGS Sơn khuyến cáo.

Khám bệnh học đường, phát hiện nhiều trẻ bị cong, vẹo cột sốngKhám bệnh học đường, phát hiện nhiều trẻ bị cong, vẹo cột sống

Qua kiểm tra sức khỏe ở 5 trường học tại Gia Lai, đã phát hiện hơn một nửa có dấu hiệu cong cột sống, gần 9% bị vẹo cột sống.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên