03/07/2005 07:10 GMT+7

Công ty "một nhà"... phà

VŨ THANH BÌNH - QUANG VINH
VŨ THANH BÌNH - QUANG VINH

TTCN - Người ta nói nhiều về sự nhọc nhằn, khổ cực của nghiệp đưa đò. Vậy mà ở miền Tây, có một gia đình đã làm giàu bằng nghề này.

pspApYl7.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Tấn Tài trên bến phà An Bình (Vĩnh Long) với chiếc phà của gia đình mình
TTCN - Người ta nói nhiều về sự nhọc nhằn, khổ cực của nghiệp đưa đò. Vậy mà ở miền Tây, có một gia đình đã làm giàu bằng nghề này.

Trời nắng gắt nhưng bến phà Vĩnh Hưng vẫn nhộn nhịp khách qua lại liên tục. Ngay cả người dân ở thị xã Trà Vinh qua lại khúc sông này từ nhiều năm qua cứ tưởng bến phà này do Nhà nước quản lý, mà không biết rằng đó là tài sản của một chàng trai trẻ quê tận An Giang sang đây lập nghiệp. Đó là Nguyễn Tấn Thành, 32 tuổi, là ông chủ của bến phà có vốn đầu tư trên 2,3 tỉ đồng, trong đó có chiếc phà đăng ký chở 99 khách và 25 tấn hàng.

Đoạn sông Cổ Chiên nằm trên đường nối liền thị xã Trà Vinh với huyện Mỏ Cày của Bến Tre trước đây chỉ có mấy con đò nhỏ lặc lè chở khách sang sông, chẳng ai ngờ nó có thể trở thành một bến phà đông đúc.

Chỉ có Thành là nhìn thấy cơ hội làm ăn: “Trà Vinh là một tỉnh nằm trong thế bí ở miền Tây, có qua lại những khúc sông vắng mới hiểu được cái cảnh bà con ngồi suốt buổi chờ bóng một con đò và tôi quyết định đầu tư vào đây để nối liền đôi bờ Trà Vinh - Bến Tre” - Tấn Thành mộc mạc kể.

“Cái chẹt” đầu tiên...

CMQyye5C.jpgPhóng to
Phà Vĩnh Hưng nối thị xã Trà Vinh với huyện Mỏ Cày (Bến Tre)
Ba của Tấn Thành - ông Nguyễn Tấn Tài, 51 tuổi - được xem là người đầu tiên đứng ra mở các bến phà tư trên các sông nước miền Tây. Ông Tài nói: “Tui nhúng tay vô vụ chẹt, vụ phà là ngoài ý muốn, anh em làng xã muốn tui làm chứ không phải tui có sáng kiến gì đâu...

Hồi năm 1987 tui ham chơi hơn ham mần, mấy người trong làng thấy tui suốt ngày ăn nhậu không mần gì hết trơn nên mới nói: mày làm chẹt, làm phà đi, cực nhọc nhưng có việc làm. Mà mấy chú biết rồi đó, dưới này có bốn nghề người ta hổng thèm làm là: làm mai, lãnh nợ, gác cu, đưa đò... Mà người ta hổng thèm làm thì tui thích làm...”.

Hồi đó bến đò Phong Mỹ trên sông Tiền (nối liền xã Mỹ Hiệp, Chợ Mới, An Giang với bên Cao Lãnh, Đồng Tháp) bà con muốn qua sông thì chỉ có ghe máy đuôi tôm. Sông rộng, ghe nhỏ chìm hoài, bà con cũng ớn qua lại. Ông Tư Tài quyết chọn khúc sông “liên tỉnh” heo hút này làm nơi khởi nghiệp. Chiếc chẹt (loại phà nhỏ bằng gỗ, đóng thô sơ) đầu tiên của ông Tài chở được 25 khách, được xem là một “sự kiện giao thông” ở nơi này. Thấy thuận tiện nên nhiều nông dân chọn “chẹt ông Tài” làm phương tiện di chuyển ngày một nhiều hơn.

Riêng với ông Tài, đó là một bước ngoặt cuộc đời. Từ đó, ông bắt đầu rèn cho mình con mắt tinh đời để nhìn xem trên khúc sông nào có thể làm ăn được, đoạn sông nào bà con có nhu cầu qua lại nhiều mà “nhà nước” chê không làm thì Tư Tài và đám con lò dò tìm tới, đo đo, tính tính, chỉ ít lâu sau đã thấy có cái chẹt gỗ bồng bềnh í ới gọi người qua sông. Thợ thuyền làm ăn đàng hoàng, chẹt ngày một được nâng cấp thành phà sắt thép an toàn hơn, giá cả hợp lý nên bà con dần dần kháo nhau "đi chẹt ông Tài...", "đi phà cha con ông Tài...".

... Nếu Tấn Thành mở ra bến phà Vĩnh Hưng thì phải nói rằng anh đã có “gen” di truyền từ người cha của mình. “Nhà nước đồng tình, bà con an toàn thoải mái qua sông là tôi thấy khoái và nhảy vô làm thôi” - ông Tư Tài cười khà khà khi nhắc lại chuyện cũ. Thấy Tư Tài làm ăn được, nhiều người khác cũng nhảy vào đấu thầu nhưng ông Tư vẫn chiếm thế thượng phong vì là người đã có nhiều kinh nghiệm, uy tín, lại trường vốn do ky cóp từ các bến chẹt nhỏ đầu tư cho bến phà lớn.

Khi tỉnh lấy lại phà Đình Khao để quản lý thì ông Tư đã kịp mở nhiều bến phà khác tại Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang... Gia đình và họ hàng ông Tư Tài quản lý toàn bộ số bến phà nơi này. Trong đó ba bến phà lớn nhất: An Bình (Vĩnh Long) do chính ông Tư điều hành; con trai Tư Thành làm bến phà Vĩnh Hưng; một cô con gái quản lý phà Ngũ Hiệp (Tiền Giang). “Công ty” phà gia đình của Tư Tài đã ra đời như thế.

Đạo của nghề... phà!

“Công ty phà gia đình” của ông Tư Tài phát triển ở chín tỉnh với trên 30 chiếc phà, có con dấu pháp nhân đàng hoàng. Ông Nguyễn Tấn Tài cho biết nếu có điều kiện, ông sẽ phát triển mô hình “công ty phà gia đình” lên tận Campuchia.

Cha con ông Tư Tài sống được là do có kiểu làm phà riêng của họ: trong khi phà của Nhà nước to lớn, dềnh dàng đòi hỏi bến phải thiết kế phức tạp với phao nổi, cọc dầm bêtông đảm bảo độ nước sâu để cập bến, thì bến phà của gia đình được làm theo dạng chuồi. Sàn bêtông xây thoai thoải theo bờ sông, phà cập thẳng vào cầu, khách lên xuống dễ dàng.

Thay vì như những chiếc phà khác có hai máy để đẩy và kéo, phà Vĩnh Hưng chỉ dùng một máy vừa kéo vừa đẩy, thao tác phức tạp hơn một chút nhưng đỡ tốn nhiên liệu hơn, chi phí thấp hơn. Ở bến phà Trà Vinh có một cái cồn cạn nên phà rời bến phải đi vòng. Phà to phải rịt tới rịt lui, còn phà anh Thành mỗi lần rời bến chỉ cần ngoắt đuôi lượn một cái là vượt được cồn, máy nổ rì rầm làm sôi động thêm cái bến sông mà mới năm ngoái đây thôi còn vắng vẻ...

Tấn Thành có một niềm vui “không bao giờ cạn” là ngồi trong bến nhìn người ta tấp nập lên xuống chiếc phà do mình điều hành. Trong mạch sống cuồn cuộn của chốn miền Tây này, có một nhịp bắc qua bến phà Vĩnh Hưng của anh. Ông Trương Công Sết, phó giám đốc Sở Giao thông công chính Trà Vinh, cho biết: “Dân Trà Vinh đi qua phà Vĩnh Hưng, chạy mấy chục cây là tới ngã ba Trung Lương rồi, rút ngắn phân nửa đoạn đường so với đi qua Vĩnh Long. Tỉnh rất ủng hộ cách làm này của phà tư nhân, vì nếu chờ chương trình nối liền quốc lộ 60 thì hơi... bị lâu!”.

Người ta nói qua sông thì phải lụy đò. Dân lái đò lại cho rằng đây là nghề long đong nhất. Ông Tư cũng như anh Thành đều hiểu cái lận đận, long đong của nghề: “Làm dâu trăm họ nên dễ bị người ta trách móc, thậm chí chửi rủa. Phà chở đông người, an toàn hơn nhưng thời gian chờ đợi cũng lâu hơn. Người sốt ruột muốn qua sông thì than vãn. Người đến muộn một chút, phà vừa rời bến thì chửi đổng...”. Nhưng nghề đưa đò có những niềm tin riêng, nhất là khi ra giữa sông rộng chẳng may gặp sóng to gió lớn.

Ông Tư đã truyền cho các con mình cái đạo của người đưa khách qua sông: “Gặp khách đau bệnh phải tức thời cứu cấp, gặp người nghèo thì không nhận tiền”. Hồi ở bến phà Đình Khao nơi lòng sông, nước chảy xiết, phà của ông Tư đã từng ra giữa sông để kè những chiếc thuyền nhỏ bị lạc tay lái đang gọi cấp cứu. “Mà cứu người cũng phải biết cách nghe - ông Tư nói - mình phải lấy một chiếc phà khác trong bến đưa ra. Chớ cái phà đang đi mà quay lại cứu người, khách trên phà lỡ có nhốn nháo hoảng loạn thì nguy hiểm lắm”.

Miền Tây sông nước chằng chịt, nhu cầu qua lại rất cao, vậy tại sao chỉ có gia đình ông Tư làm ăn lớn như thế? Chính bởi vì họ đã nắm bắt được nhu cầu của người dân. Ông Trương Công Sết nói ở Trà Vinh gia đình ông Tư là người đầu tiên đến đề xuất đầu tư vào lĩnh vực phà. Nhưng cũng chính vì thế người làm phà gặp phải những điều khó xử. Tấn Thành nói: “Hồi tui đến làm bến phà này, chín con đò ngang đưa khách ở đây đã phải nghỉ làm. Mình rất khó ăn nói với người ta”.

Khi giao lại bến phà Đình Khao cho người khác thì cảm thấy buồn. Khi mở ra một bến mới cũng lắm điều áy náy. “Cuộc đời là vậy đó” - Tấn Thành ngó ra sông im lặng thoáng chốc, nhưng rồi quay đầu lại nở nụ cười. Phà của anh chuyến này lại đông khách. Rất nhiều con người và cây trái, nông sản đang tuôn qua ngả Vĩnh Hưng để đến với những miền xa.

VŨ THANH BÌNH - QUANG VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên