28/10/2018 16:20 GMT+7

Công ty IPC: Kinh doanh đi xuống, lương quản lý đi lên

ÁI NHÂN
ÁI NHÂN

TTO - Kết luận thanh tra cho rằng trong năm 2016, 2017 tình hình kinh doanh của IPC đi xuống nhưng thu nhập viên chức quản lý lại tăng, nên cần phải rà soát việc chi lương, thưởng đánh giá đúng thực chất.

Công ty IPC: Kinh doanh đi xuống, lương quản lý đi lên - Ảnh 1.

Nhiều sai phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh của IPC được Thanh tra TP làm rõ - Ảnh: minh họa

Thu nhập bình quân của viên chức quản lý của Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (công ty IPC) năm 2016 là gần 62 triệu đồng/tháng, năm 2017 là hơn 65 triệu đồng/tháng. 

Thu nhập bình quân của người lao động tại công ty năm 2016 là hơn 18 triệu đồng/tháng, năm 2017 là hơn 31,7 triệu đồng/tháng. Số dư quỹ lương còn tồn của công ty tính đến tháng 6-2018 gần 40 tỉ đồng.

Kết luận thanh tra chỉ ra trong khi doanh thu, lợi nhuận năm 2017 thấp hơn gần 1/2 so với năm 2016, nhưng thu nhập của người lao động lại cao hơn. 

Việc này cần phải được sở ngành chuyên môn rà soát, làm rõ việc giao kế hoạch lao động, quỹ tiền lương kế hoạch và việc chi lương, chi thưởng, đánh giá đúng thực chất.

Trong khi về tổng thể công ty IPC kinh doanh có lợi nhuận, nhưng chiều hướng đi xuống. Công tác quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, quản lý vốn, tài sản không hiệu quả, chưa tưng xứng với bộ máy nhân sự của công ty.  

Thanh tra TP cũng ra quyết định thu hồi hơn 684 tỉ đồng là khoản lợi nhuận sau phân phối còn lại của các năm trước mà công ty chưa nộp ngân sách vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra TP để chuyển về ngân sách TP.

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra việc ông Tề Trí Dũng làm đại diện vốn tại 4 doanh nghiệp là vượt so với quy định (không quá 3 doanh nghiệp) theo quy định Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước. Việc cử đại diện vốn giữ chức danh Trưởng ban kiểm soát không chuyên trách là không đúng quy định Luật Doanh nghiệp

Thanh tra TP kết luận các sai phạm, thiếu sót của công ty IPC thuộc về trách nhiệm Hội đồng thành viên, chủ tịch Hội đồng thành viên, tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc được phụ trách phân công lĩnh vực, công việc có liên quan, kiểm soát viên, kế toán trưởng, nhóm đại diện vốn và các tổ chức, cá nhân tham mưu từng thời kỳ có liên quan đến vụ việc.

Ngoài kết luận thanh tra số 33, trước đó, vào tháng 3-2017, Thanh tra TP cũng đã có kết luận số 12 về phòng, chống tham nhũng trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại IPC. 

Đến thời điểm thanh tra mới nhất, còn 3/9 kiến nghị đang thực hiện, theo đó đáng lưu ý là:

- Thu hồi của 3 viên chức quản lý (ông Phạm Xuân Trung, bà Trần Đình Thu Nhi, ông Bùi Vân Ảnh) số tiền nhận từ quỹ lương của người lao động là gần 1,2 tỉ đồng không đúng theo quy định. Công ty đã thu hồi xong của ông Trung , bà Nhi còn ông Ảnh hiện đã nghỉ hưu vẫn chưa thu hồi xong.

- Thu hồi tiền lương của viên chức quản lý được chi từ quỹ lương của người lao động công ty trong 3 năm 2010 - 2012. Đến nay số tiền còn lại chưa thu hồi là hơn 1,8 tỉ đồng. Trong đó chưa thu hồi của ông Phan Hồng Quân, nguyên tổng giám đốc công ty là hơn 1 tỉ đồng, ông Bành Chí Quang nguyên kế toán trưởng công ty là hơn 770 triệu đồng...

Công ty IPC tiền thân là Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận, được UBND TP.HCM thành lập năm 1993, hoạt động theo mô hình "công ty mẹ - công ty con".

Đến năm 2010, UBND TP quyết định chuyển đổi thành công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình "công ty mẹ - công ty con", là doanh nghiệp nhà nước do UBND TP sở hữu 100% vốn điều lệ.

Vốn điều lệ của công ty (theo giấy chứng nhận đầu tư cấp đổi lần thứ 5 vào năm 2015) là hơn 2.926 tỉ đồng.

ÁI NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: công ty IPC