02/06/2016 14:20 GMT+7

Công ty Dai-ichi Life thua kiện, bồi thường hơn 765 triệu đồng

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Khi khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ qua đời, phía công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam không chịu bồi thường vì cho rằng khách hàng có gian dối trong việc kê khai hợp đồng mua bảo hiểm.

Bà Lù Thị Pầng (ngoài cùng bên phải) vui mừng sau phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: T.L
Bà Lù Thị Pầng (ngoài cùng bên phải) vui mừng sau khi được tuyên thắng kiện tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: T.L

TAND tỉnh Yên Bái vừa xét xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa nguyên đơn là bà Lù Thị Pầng - ngụ Thị xã Nghĩa Lộ và bị đơn là Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam.

Sau khi xem xét vụ án, hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuyên buộc Công ty Dai-ichi Life Việt Nam phải thanh toán cho bà Lù Thị Pầng hơn 765 triệu đồng tiền gốc và lãi của hợp đồng bảo hiểm.

Khởi kiện vì không được thanh toán tiền

Theo đơn khởi kiện của bà Pầng, ngày 31-10-2012, con trai bà là anh Vì Văn Thuận (32 tuổi) đã ký hợp đồng bảo hiểm với Công ty Dai-ichi life Việt Nam với thời gian bảo hiểm là 15 năm.

Sản phẩm bảo hiểm bao gồm An tam Hưng thịnh với số tiền 670 triệu đồng và quyền lợi bảo hiểm bổ sung tai nạn toàn diện với số tiền 150 triệu đồng. Anh Thuận đã đóng phí 1 năm với số tiền 10 triệu đồng.

Tháng 9-2013, anh Thuận tử vong. Bà Pầng đã đề nghị Công ty Dai - Ichi life Việt Nam thanh toán số tiền 820 triệu đồng như hợp đồng đã ký.

Tuy nhiên, Công ty Bảo hiểm Dai-ichi life Việt Nam từ chối thanh toán hợp đồng cho gia đình anh Thuận vì cho rằng anh Thuận đã không trung thực trong việc cung cấp thông tin bị nghiện rượu, từng bị chấn thương sọ não trước khi ký hợp đồng bảo hiểm.

Tháng 10-2014, bà Lù Thị Pầng đã làm đơn khởi kiện Công ty Bảo hiểm Dai-ichi life Việt Nam ra TAND thị xã Nghĩa Lộ yêu cầu công ty phải thanh toán tiền bảo hiểm cùng tiền lãi chậm trả theo lãi suất ngân hàng.

Quá trình tham gia tố tụng, đại diện Công ty bảo hiểm Dai-ichi Life đã đưa ra bệnh án của anh Vì Văn Thuận do Bệnh viện Tâm thần Trung ương cấp.

Bệnh án thể hiện anh Thuận nhập viện với các triệu chứng mệt mỏi, ăn uống kém, đêm ít ngủ và được chẩn đoán nghiện rượu mãn tính. Phía công ty cho rằng anh Thuận không trung thực trước khi kê khai thông tin ký hợp đồng bảo hiểm, vì vậy không đồng ý thanh toán tiền bảo hiểm cho anh.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn, luật sư Nguyễn Minh Long - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng trong hồ sơ bệnh án chỉ có tên Vì Văn Thuận mà trong khi không có ảnh, không có chữ viết, chữ ký của anh Vì Văn Thuận để đối chứng.

Bệnh án nói rõ anh Thuận từng bị tai nạn chấn thương sợ não, nghiện rượu, sức khoẻ yếu, nhưng giấy chứng tử thể hiện anh Thuận hoàn toàn khoẻ mạnh, nguyên nhân chết do được ghi là “đột tử”.

Luật sư Long cũng cho rằng đối với quy trình bảo hiểm thì phía công ty phải có trách nhiệm kiểm chứng các thông tin mà khách hàng cung cấp. Nếu công ty bảo hiểm không kiểm chứng hoặc có sai sót thì công ty phải chịu trách nhiệm chứ không thể đổ trách nhiệm cho khách hàng.

Một số người là hàng xóm, trưởng bản của anh Thuận đã có mặt tại tòa và xác định buổi sáng trước khi tử vong, anh Thuận vẫn đi trồng ngô trên rẫy.

Vào các tháng mà bệnh án nêu anh Thuận đi điều trị, mọi người vẫn thấy anh lên nương trồng ngô. Vì vậy, luật sư Long cho rằng thực tế mâu thuẫn với bằng chứng mà phía công ty bảo hiểm cung cấp cho tòa.

Bà Lù Thị Pầng tại tòa sơ thẩm hồi tháng 1-2016 - Ảnh: T.L
Bà Lù Thị Pầng tại tòa sơ thẩm hồi tháng 1-2016 - Ảnh: T.L

Bồi thường gần 800 triệu đồng

Xét xử sơ thẩm hồi tháng 1-2016, TAND Thị xã Nghĩa Lộ đã tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của bà Lù Thị Pầng, buộc công ty Dai-ichi life Việt Nam thanh toán cho gia đình bà số tiền bảo hiểm là 820 triệu đồng và lãi suất chậm trả tính từ ngày khởi kiện tới ngày vụ án được đưa ra xét xử.

Sau phiên tòa sơ thẩm, công ty Dai-ichi life Việt Nam đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, không chấp nhận bồi thường cho anh Thuận.

Tại tòa phúc thẩm, phía công ty đã cung cấp cho tòa bản photo giấy xin nhập viện của anh Thuận vào tháng 11-2012 nhưng chữ viết và chữ ký trong giấy này đều không phải của anh Thuận nên chứng cứ này không được tòa chấp nhận.

Theo TAND tỉnh Yên Bái, việc kê khai thông tin trong hợp đồng bảo hiểm là do cán bộ Công ty Dai-ichi life Việt Nam viết, không phải chữ của anh Thuận.

Hồ sơ bệnh án mà phía công ty bảo hiểm cung cấp không có giá trị pháp lý, không đủ cơ sở chứng minh anh Thuận có hành vi khai báo không trung thực. Vì vậy tòa xác định hợp đồng bảo hiểm giữa anh Thuận và công ty có hiệu lực.

Tuy nhiên tòa cho rằng anh Thuận chết do đột tử nên chỉ được thanh toán sản phẩm bảo hiểm An tam Hưng thịnh.

Còn sản phẩm Bảo hiểm tai nạn toàn diện nâng cao với giá trị 150 triệu đồng phía công ty không phải thanh toán (nếu anh Thuận chết do tai nạn mới được thanh toán số tiền này).

Từ những căn cứ nêu trên, HĐXX đã chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, sửa án sơ thẩm, buộc Công ty TNHH bảo hiểm Dai-ichi Life Việt Nam phải thanh toán cho bà Lù Thị Pầng hơn 765 triệu đồng tiền gốc và lãi của hợp đồng bảo hiểm An tam Hưng thịnh.

“Hiện nay nhiều công ty bảo hiểm vì mong muốn có nhiều khách hàng mà bỏ qua khâu kiểm tra thông tin. Đây là lỗ hổng mà các cá nhân có thể lợi dụng để chuộc lợi, cũng là cách để các công ty bảo hiểm từ chối chi trả tiền.

Người tham gia bảo hiểm phải xác định rõ nội dung, tính chính xác của sự việc để kê khai đúng trình tự thủ tục và các quy định của bảo hiểm để tránh xảy ra tranh chấp sau này” - Luật sư Nguyễn Minh Long cho biết.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên