27/03/2013 14:06 GMT+7

Công trình nước sạch: xây xong rồi... bỏ

DUY THANH - HOÀI AN - VĂN KỲ
DUY THANH - HOÀI AN - VĂN KỲ

TT - Tốn nhiều tỉ đồng của Nhà nước để xây dựng nhưng chưa sử dụng được bao lâu, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt cho nông thôn ở tỉnh Khánh Hòa đã hư hỏng.

Cách đây khoảng mười năm, xã Cam Thành Nam (TP Cam Ranh, Khánh Hòa) được Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT, thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Khánh Hòa) đầu tư ba công trình nước tự chảy tại các thôn Quảng Hòa, Quảng Phúc và Hòa Do 7. Chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, hai trong số ba công trình cấp nước này đã nhanh chóng hư hỏng.

Làm xong là... hỏng!

"Tỉnh Khánh Hòa sẽ loại bỏ các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn hoạt động không hiệu quả hoặc người dân địa phương không còn nhu cầu để tập trung nâng cao chất lượng ở những công trình còn lại"

Ông LÊ ĐỨC VINH(phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa)

Theo ông Đào Văn Trung - trưởng thôn Quảng Phúc, năm 2005 thôn được đầu tư một giếng khoan với tổng kinh phí khoảng 50 triệu đồng. Người dân mừng rỡ tự bỏ tiền lắp đặt đồng hồ, đường ống để dẫn nước về xài. Song người dân mới sử dụng được chừng ba ngày thì giếng khoan... hết nước. “Chúng tôi liên tục kiến nghị đến Trung tâm NS&VSMTNT Khánh Hòa, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì” - ông Trung bức xúc.

Công trình cấp nước tập trung có vốn đầu tư hơn 510 triệu đồng để cấp nước cho người dân xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa) được xây dựng năm 2000, cũng hoạt động trong một thời gian ngắn rồi dừng cho đến nay. Khó khăn lắm chúng tôi mới đến được công trình nằm trên đỉnh ngọn đồi ven bờ kênh chính Đông (hệ thống thủy lợi Đá Bàn) bởi cây cối, dây leo, gai góc đã bủa vây chằng chịt, chẳng còn lối đi. Cả hệ thống bể lắng, lọc đồ sộ, kiên cố của công trình đã bị bỏ hoang từ lâu.

Một số công trình cấp nước nông thôn được cho là còn hoạt động thực chất là đang... hấp hối. Ông Võ Văn Thọ, người được giao quản lý hệ thống cấp nước thôn 3 (xã Diên Đồng, huyện Diên Khánh), cho biết công trình thiết kế cho 80 hộ dân, nhưng nay chỉ có 40 người sử dụng “bữa đực bữa cái” vì giếng sâu, máy bơm cũ, đường ống xa nên không đưa nước được đến hộ dân. Tương tự, ông Bùi Đức Sửu (quản lý hệ thống nước ở thôn Quảng Hòa, xã Cam Thành Nam, Cam Ranh) ngán ngẩm: “Nước do hệ thống cấp nhiễm mặn nên hiện nay chưa đến 10 người sử dụng”.

Báo cáo không đầy đủ

Để cứu các công trình cấp nước nông thôn đầu tư nhiều tiền của nhưng bỏ hoang phí, ngày 23-3 UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức cuộc họp với các sở ngành và địa phương liên quan để tìm giải pháp. Tại cuộc họp này, đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa báo cáo từ năm 1995-2012, Trung tâm NS&VSMTNT đã làm chủ đầu tư 57 công trình cấp nước sinh hoạt ở vùng nông thôn với tổng số vốn gần 111,8 tỉ đồng. Báo cáo cho rằng đến nay chỉ có 15 công trình ngưng hoạt động (tổng vốn gần 9 tỉ đồng), số còn lại vẫn hoạt động. “Vừa nghe xong tôi đã phê bình sở vì báo cáo không đầy đủ” - ông Lê Đức Vinh, phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Hùng - giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT Khánh Hòa - thừa nhận ông chỉ biết rõ các công trình cấp nước nông thôn được đầu tư từ năm 2008 về sau, còn những công trình trước đó do những người tiền nhiệm chỉ đạo thực hiện. “Theo tôi biết thì các công trình cấp nước nông thôn trước đây chỉ là làm giếng khoan, giếng đào hoặc các hồ chứa nước nhỏ rồi giao cho xã quản lý mà không có văn bản gì. Hiện nay, HĐND tỉnh Khánh Hòa đang giám sát các công trình nước này, chúng tôi hỏi huyện, hỏi xã họ đều không biết chính xác số lượng. Bây giờ nói tổng cộng cả tỉnh có 57 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn là do các địa phương báo cáo, nhưng đúng sai thế nào là không rõ được”.

Ông Hùng cũng nói hầu hết công trình cấp nước nông thôn được xây dựng giai đoạn từ năm 2005 về trước đều ít phát huy tác dụng vì nhiều lý do. “Công trình cấp nước tập trung tự chảy còn hoạt động được thì chất lượng nước rất xấu vì không qua xử lý. Những công trình áp dụng hình thức bơm dẫn thì người quản lý không có chuyên môn, không có kinh phí trả tiền điện nên công trình sớm hư hỏng. Còn các công trình cấp nước tập trung khai thác từ nước ngầm thì chỉ khai thác theo mùa, bị nhiễm mặn, phèn nên nhiều công trình không còn khả năng khai thác” - ông Hùng cho hay.

Ông Lê Đức Vinh cho hay: “Trong cuộc họp ngày 22-3, tôi chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát chính xác số lượng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn để biết rõ cái nào hoạt động hiệu quả, cái nào kém, cái nào bỏ hoang. Trên cơ sở tình hình thực tế sau khi rà soát, UBND tỉnh đề nghị bàn giao lại các công trình nước sạch cho các công ty cổ phần đô thị của các địa phương. Những huyện không có công ty cổ phần đô thị như Khánh Sơn, Cam Lâm... thì kêu gọi tư nhân, doanh nghiệp tiếp nhận quản lý và thực hiện các ưu đãi theo chính sách của Thủ tướng Chính phủ”.

ZKOziatq.jpgPhóng to
Người dân phường Hà Liên (thị xã Ninh Hòa) phải đào hố mới lấy được nước - Ảnh: Anh Tuấn
DUY THANH - HOÀI AN - VĂN KỲ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên