14/09/2021 19:00 GMT+7

Công nhân lo không còn được đi vé máy bay giá rẻ

NGỌC HIỂN - Q. H
NGỌC HIỂN - Q. H

TTO - Đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa, có nguy cơ đẩy giá vé tăng cao nếu thông qua khiến người tiêu dùng lo lắng không còn được săn vé giá rẻ, vé 0 đồng, nhất là các khách hàng công nhân, người lao động thu nhập thấp.

Công nhân lo không còn được đi vé máy bay giá rẻ - Ảnh 1.

Việc áp giá sàn khiến người tiêu dùng mất cơ hội chọn vé máy bay giá rẻ. Trong ảnh, người dân làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất vào dịp tết - Ảnh: NGỌC HIỂN

Về quê từ những chuyến bay giá rẻ

Với mức giá vé máy bay tối thiểu (chưa tính thuế, phí) bằng 20% mức giá tối đa quy định, tùy từng nhóm đường bay, mặt bằng giá vé bay sẽ tăng cao, người tiêu dùng sẽ không còn sự lựa chọn những vé 0 đồng hay vài chục ngàn đồng như trước. Trong khi rất nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là khối công nhân, người lao động thu nhập thấp thường trở về quê và trở lại làm việc hương bằng những vé giá thấp.

Hơn 5 năm làm công nhân tại khu công nghiệp Mỹ Xuân A (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), công nhân Nguyễn Thùy Anh (29 tuổi) cho biết mỗi năm trung bình chị trở về quê ở Quảng Trị 1 lần. Trước mỗi lần về, Thùy Anh thường canh thời điểm các hãng hàng không tung chương trình giảm giá, trong đó các đợt giảm giá 0-99 đồng được cô công nhân này "săn" nhiều nhất. Với chặng bay từ TP.HCM đến Huế, cô thường săn được vé giá rẻ, tính cả thuế và phí luôn dưới 600.000 đồng.

Thùy Anh kể, nếu đi xe khách và tàu hỏa phải mất một ngày một đêm với về đến quê. Do công nhân thời gian nghỉ phép ít ỏi nên việc đi về bằng vé máy bay được cô đánh giá là "tiện cả đôi đường".

Tuy nhiên, trước thông tin tới đây vé máy bay sẽ tăng mạnh nếu đề xuất áp giá sàn được thông qua, chặng bay từ TP.HCM đến Huế sẽ có giá sàn tối thiểu 440.000 đồng/vé (1 chiều), nếu tính đủ thuế và phí sẽ lên tới gần 1 triệu đồng, Thùy Anh cho hay đây là mức giá "quá sức" với thu nhập của công nhân hiện nay. "Mấy tháng nay dịch bệnh, thu nhập công nhân giảm thê thảm mà giá vé còn cao nữa là mình không đủ sức để mua vé máy bay về quê như trước" - cô nói.

Tương tự, Võ Thanh Hòa (công nhân khu công nghiệp Nhơn Trạch I, tỉnh Đồng Nai) cho biết trước dịch Hòa trở về quê ở miền Trung nghỉ phép, song dịch bệnh phức tạp nên hiện nay còn mắc kẹt ở quê. Hai năm nay, mỗi lần về quê Hòa đều mua vé máy bay giá rẻ để giảm tối đa chi phí đi lại, thường chỉ chi 500.000 - 600.000 đồng mỗi lần mua vé. Mức giá tăng cao, nữ công nhân này phải tính đến phương tiện khác rẻ hơn, và cân nhắc địa điểm làm việc để tránh chi phí cao và mất nhiêu thời gian.

Chi phí đi lại tăng cao, cộng với các khoản chi như ăn ở, thuê phòng trọ, khám chữa bệnh…đã choán gần hết số lương hàng tháng của nhiều công nhân. Tại khu kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm 8 tỉnh, thành, đang đóng góp 40% GDP cả nước và giải quyết việc làm cho hàng triệu công nhân miền Trung, miền Bắc), nhiều doanh nghiệp cho hay đang lo lắng trước nguy cơ thiếu lao động để phục hồi sau dịch, nhất là khi chi phí vé bay lại tăng cao.

Công nhân thêm nặng gánh

Trước đề xuất áp giá sàn vé máy bay, bà Phạm Thị Châu - trưởng phòng hành chính nhân sự một doanh nghiệp FDI tại TP.HCM - cho biết bà thực sự bất ngờ, bởi đề xuất này tác động rất lớn đến việc đi lại không chỉ công nhân mà ngay cả các khách hàng như bà.

Theo bà Châu, công nhân quê miền Trung và phía Bắc thường lựa chọn về quê và trở lại làm việc bằng máy bay khi các hãng hàng không tung vé giá rẻ.

Bà Châu cho hay không chỉ công nhân, những người quản lý có mức thu nhập tương đối ổn như bà cũng thường tìm mua những chuyến giá rẻ khi đi du lịch hoặc lựa chọn khung giờ để tìm được những chuyến 0 đồng, vừa tiết kiệm chi tiêu lẫn mang lại tâm lý tích cực cho người mua vé. 

"Việc đề xuất áp giá sàn vé máy bay khiến chúng tôi rất lo lắng, nhất là khi vé máy bay giá rẻ cho công nhân sẽ không còn. Thời gian qua dịch bệnh, ai cũng gặp khó khăn, trong đó không ít công nhân đã thất nghiệp một thời gian dài, vé máy bay tăng cao nữa khiến đường về quê của họ lại càng thêm xa" - bà Châu nói.

Bà Châu phân tích, nhiều người thất nghiệp, sống bằng trợ cấp hoặc mức lương tối thiểu vùng, nếu vé bay tăng cao, chi phí thuê phòng trọ, sinh hoạt cũng tăng và tâm lý sợ dịch bùng phát trở lại sẽ không thể về quê sẽ khiến nhiều người không muốn quay vào Nam làm việc.

Theo bà Châu, việc áp giá sàn có thể hỗ trợ doanh nghiệp hàng không nào đó, nhưng nhiều khi chưa đem lại hiệu quả như ý khi số người mua sẽ giảm.

Trả lời báo chí về giá sàn vé bay, ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ Lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nói: "Tôi nghĩ rằng người lao động đều không mong muốn điều này".

Theo Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê, tháng 6-2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm những người mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2021, tuy cơ quan này không đưa ra số lượng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng theo giới chuyên gia, trong tổng số 52 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên ở nước ta hiện nay, số người bị mất việc làm, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập… cao hơn so với tháng 6.2020.

Theo nhiều chuyên gia, việc áp dụng giá sàn sẽ tước quyền bay giá rẻ của công nhân vả người có thu nhập thấp.

Áp giá sàn vé bay ngay mùa dịch: bất hợp lý Áp giá sàn vé bay ngay mùa dịch: bất hợp lý

TTO - Áp giá sàn vé máy bay được "xới" lại từ việc tái đề nghị của Vietnam Airlines (VNA) đã tiếp tục vấp phải "làn sóng" dư luận trái chiều.

NGỌC HIỂN - Q. H
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên