Dù vậy, thì giá thành sản xuất xe ôtô sản xuất trong nước đang cao hơn khoảng 20% so với Thái Lan và Indonesia.
Chưa kể sức ép từ việc cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu về 0% từ năm 2018 dự kiến sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường xe ôtô trong nước, khi đó số lượng xe ôtô nhập khẩu sẽ tăng nhanh đe dọa sự tồn tại của công nghiệp ôtô nội địa.
Để giảm chi phí sản xuất đầu tiên phải nâng cao sản lượng, từ đó tăng cường nội địa hóa. Tuy vậy, nếu chi phí sản xuất linh kiện đó thấp hơn nhập khẩu, nhà sản xuất có thể nội địa hóa, ngược lại sẽ tiếp tục nhập khẩu.
Trong khi đó, thị trường ôtô của Việt Nam hiện nay còn quá nhỏ bé, chỉ bằng 1/4 so với Thái Lan và bằng 1/5 so với Indonesia, do vậy để tạo động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam, Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào ngành công nghiệp này.
Đại diện của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cho biết, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế nhập khẩu linh kiện, vật tư dùng để sản xuất lắp ráp các chi tiết, cụm chi tiết phụ tùng ôtô là động lực hết sức quan trọng nhằm nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước.
Và để tạo ra sự lan tỏa, Bộ Công Thương cần đẩy mạnh công tác xúc tiến giới thiệu các doanh nghiệp sản xuất linh kiện ôtô Nhật, Hàn Quốc … sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các công ty Việt Nam đầu tư vào sản xuất linh kiện ôtô.
Kinh nghiệm phát triển công nghiệp ôtô của các nước ASEAN cho thấy gia tăng sản lượng cùng với nội địa hóa là yếu tố then chốt giúp cắt giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh.
Từ thực tiễn của các nước trong khu vực, đại diện Hiệp hội Các doanh nghiệp sản xuất ôtô cho rằng, khi quy mô thị trường ôtô chưa đủ lớn, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ các nhà sản xuất ôtô duy trì nhà máy tại Việt Nam cũng như có chính sách thúc đẩy và hỗ trợ các nhà sản xuất ôtô, các nhà cung cấp linh kiện trong việc nâng cao nội địa hóa.
Mới đây Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 686/QĐ-BCT thành lập Tổ công tác liên ngành để làm việc với các doanh nghiệp ngành ôtô Việt Nam, qua đó xác định rõ kế hoạch phát triển sản xuất của từng doanh nghiệp trong giai đoạn 2018 - 2020, đồng thời tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp và đề xuất giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy vậy, về phía Bộ Tài chính, cũng khuyến nghị các doanh nghiệp không nên nói chung chung về vấn đề yêu cầu giảm thuế vì giảm thuế hay các chính sách thuế nói chung đều phải phù hợp với các cam kết, thỏa thuận thương mại quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận