Nhà soạn nhạc, kỹ sư người Anh Peter Zinovieff - người tiên phong phát triển đàn synthesizer - Ảnh: Synth Anatomy
1. Ai tạo nên nguồn cảm hứng cho tất cả những nghệ sĩ vĩ đại từ Pink Floyd đến Stevie Wonder, từ The Beatles đến The Who?
Câu trả lời không phải là Little Richards hay Stravinsky, mà là một người có thể chúng ta chưa từng nghe đến: Peter Zinovieff - nhà sáng chế VCS3, chiếc đàn synthesizer cầm tay có giá thành rẻ đầu tiên vào giữa những năm 1960.
Trên bìa album Dark Side of The Moon thậm chí còn trang trọng đề rằng Pink Floyd đã sử dụng chiếc đàn này.
Từ một nhạc cụ dành cho những kẻ lập dị ưa thể nghiệm, đàn synthesizer thâm nhập vào đời sống pop và kiếm được một chỗ cố định trong sổ hộ khẩu của những phòng thu trên khắp thế giới.
Với khả năng giả lập âm thanh có sẵn và sáng tạo âm sắc chưa từng có, synthesizer là dấu ấn sơ khởi trong tiến trình mà công nghệ điện tử đã thay đổi cách làm nhạc. Không có synthesizer thì hẳn một nửa số lượng nhạc phẩm những năm 1980 bay màu.
Hoặc hãy thử tưởng tượng bản Billie Jean của Michael Jackson thiếu đi đoạn synth riff thôi miên ở khúc dạo thì có khác gì một chiếc bánh mì với lớp vỏ ỉu đâu?
Peter Zinovieff vừa mất ở tuổi 88. Ông cũng là nhà tiên phong sử dụng AI sáng tác âm nhạc. Điều này sẽ đánh dấu một khởi đầu mới hay một dấu chấm hết cho âm nhạc? Chỉ thời gian mới biết, nhưng dù là gì thì nó cũng đã thay đổi âm nhạc vĩnh viễn.
2. Vui vẻ và đầy chất hoạt họa tựa một miếng bơ nhảy múa, Butter của nhóm nhạc Hàn Quốc BTS hẳn chính là ca khúc của mùa hè 2021.
Dù có tranh cãi về việc cộng đồng hâm mộ BTS làm xô lệch các giá trị của bảng xếp hạng thì cũng phải thừa nhận rằng một giai điệu tươi tắn như thế là khúc ăn mừng hoàn hảo cho cuộc sống hậu dịch bệnh.
Và câu chuyện sáng tác đằng sau nó cũng tiết lộ nhiều điều thú vị của âm nhạc hiện đại. Trong nhiều cuộc phỏng vấn, một trong các nhạc sĩ của ca khúc là Jenna Andrews nhấn mạnh rằng quá trình sáng tác được diễn ra trên ứng dụng chuyện trò Whatsapp.
Việc các nhạc sĩ ở hai đầu thế giới không cần ngồi chung mà vẫn có thể làm nên một bản hit càn quét năm châu cho thấy sức mạnh dịch chuyển tức thời của công nghệ tiếp tục củng cố "chủ nghĩa quốc tế" ngày càng đưa âm nhạc xa khỏi tiếng nói tâm hồn đơn lẻ.
Công nghệ đại diện cho kết nối. Và thành công của BTS là dẫn chứng tiếp theo cho sự hiệu quả của những kết nối chuyên nghiệp so với việc dài cổ chờ đợi phản ứng hóa học tự nhiên diễn ra giữa các nghệ sĩ như trong quá khứ.
3. Ai đọc sách tiểu sử âm nhạc cũng thích thú đoạn những chuyên viên săn tài năng của các hãng ghi âm dập dìu trong quán bar, khệnh khạng trao cho người này cơ hội và tước bỏ cơ hội của người kia, và nói chung là quyền lực chẳng khác chi một vị thái giám tuyển tú nữ cho vua. Nhưng họ sắp lui vào bảo tàng, bởi giờ đây việc nhận dạng tài năng đang dần được dành cho trí tuệ nhân tạo (AI).
Các hãng ghi âm ngày nay chỉ cần lên những trang dữ liệu mở và dùng một phần mềm chọn ra những bài hát giống với một bản nhạc mà họ đang ghiền.
Chẳng mấy chốc, vị quân sư máy tính rầm rì cho họ hay ai có thể là ngôi sao âm nhạc tiếp theo, và vị quân sư này thì công tâm hơn nhiều so với con người đầy định kiến và thường rơi vào điểm mù của sở thích cá nhân.
Kể cũng buồn cười nếu mai này ta đọc hồi ký một siêu sao nào đó và trong chương khởi đầu sự nghiệp, cô/anh ta không tri ân một John Hammond (người tìm ra Billie Holiday, Bob Dylan, Aretha Franklin...) nào đó, mà tri ân một phần mềm tối cao đã giúp mình đổi đời. Nhưng phải chấp nhận thôi, công nghệ vạn tuế mà!
Năm ngoái, 100% những nghệ sĩ mới được Tập đoàn Warner chọn ký hợp đồng đều được phát hiện nhờ AI. Giám đốc âm nhạc toàn cầu của hãng khẳng định nó "tạo sự khác biệt trong việc tìm kiếm những siêu sao tương lai".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận