Tranh minh họa
Và để khẳng định mối quan hệ này không sai, nữ diễn viên đã đăng lên trang cá nhân một số hình ảnh là tin nhắn của người vợ...
Công khai tin nhắn của người khác, có vi phạm đời tư?
Việc ông B. (doanh nhân) cùng một diễn viên công khai hẹn hò yêu đương khi ông B. vẫn chưa chính thức ly hôn với vợ khiến dư luận ồn ào. Luật sư của ông B. khẳng định ông này đã nộp đơn ly hôn ra tòa và đang chờ tòa thụ lý. Ông B. và diễn viên O. cũng mới chỉ dừng ở việc tìm hiểu chứ không vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng.
Để khẳng định quan hệ hẹn hò là đúng, mới đây trên trang cá nhân, nữ diễn viên đã đăng một bài kèm ảnh chụp màn hình các tin nhắn riêng tư của vợ doanh nhân. Dư luận đặt ra câu hỏi, mối quan hệ này đang ở mức nào, có đúng không và việc diễn viên O. đăng tin nhắn riêng tư của vợ ông B. có vi phạm pháp luật không?
Liên quan đến việc diễn viên O. đăng lên Facebook đoạn tin nhắn chụp màn hình được cho là của vợ ông B. nhắn cho ông B., luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng dù tin nhắn này được chính ông B. cho phép nhưng vợ ông không cho phép thì cô O. cũng không được đăng tin nhắn lên mạng xã hội.
Luật sư Bình phân tích: "Bí mật đời tư là quyền được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, trong đó có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín. Theo đó, mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác".
Có thể bị xử lý hình sự
Đồng thời, điều 38 Bộ luật dân sự cũng khẳng định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật...
Như vậy, việc đọc tin nhắn rồi chụp nội dung tin nhắn đăng trên Facebook, kể cả trong trường hợp được chủ nhân của thiết bị đồng ý nhưng chưa được người trong cuộc trao đổi đồng ý thì vẫn là một trong những hành vi xâm phạm quyền bí mật đời tư và vi phạm pháp luật.
Về mức xử lý, luật sư Diệp Năng Bình viện dẫn khoản 3 điều 102 nghị định 15/2020/NĐ-CP cũng quy định, trường hợp cố tình thu thập tin nhắn, email mà không được sự đồng ý, người vi phạm có thể bị phạt hành chính với mức phạt lên đến 20 triệu đồng khi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, pháp luật hình sự cũng quy định tại điều 159 về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác: "Trường hơp có hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm".
Văn bản đồng thuận ly hôn không phải là quyết định chấm dứt hôn nhân
Một thẩm phán tại TP.HCM phân tích: Về mặt pháp luật, ông B. và vợ vẫn là vợ chồng. Việc tồn tại một văn bản là đơn đồng thuận ly hôn của hai bên có chữ ký là thật thì cũng phải có bản án, quyết định của tòa.
Đó là chưa kể, dù đã có sự đồng thuận ly hôn và chia tài sản tại tòa nhưng trong 7 ngày thì một trong hai bên vẫn có quyền thay đổi. Do đó, việc thỏa thuận ly hôn không phải là quyết định cuối cùng. Đó chỉ là ý chí của hai bên tại thời điểm ký thỏa thuận. Còn cho đến trước khi có bản án có hiệu lực pháp luật thì mọi ý chí đều chưa phải là cuối cùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận